Thậm chí, có người từ khi dự án khởi công đến nay chưa một lần về thăm nhà.
Nhớ nhà nhưng không thể về
Tàu xáng cạp Phú Xuân 18 đưa chất nạo vét lên sà lan để di chuyển ra ngoài khu vực phao số 0 khoảng 6 hải lý đổ thải.
Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp đi thực tế tại dự án nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tiết trời nắng nóng nhưng biển êm, thuận lợi cho những con tàu nạo vét, đổ thải hoạt động hết công suất.
Ngồi trên sà lan đổ thải từ hạ nguồn chạy ngược lên thượng nguồn, chốc chốc chúng tôi lại chứng kiến những con tàu qua lại trên tuyến, trong đó có tàu lớn, trọng tải hàng trăm nghìn tấn vào khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải.
Trong đó, APL CHANGI (quốc tịch Singapore) là con tàu siêu lớn, trọng tải 176.727 DWT, chiều dài 397.88m; chiều rộng 51m; mớn nước 15,2m đang vào cảng Gemalink.
Còn cách tàu APL CHANGI rất xa, thuyền trưởng Phú Xuân 28 Nguyễn Văn Khuôn (48 tuổi, quê ở Kiên Giang) đã vội vã lệnh cho tàu dạt sang biên luồng để tránh đường.
Tuy nhà không cách quá xa hiện trường nạo vét nhưng 6 tháng nay, anh Khuôn chưa về thăm gia đình và mới chỉ một lần đặt chân lên đất liền là lần đi chợ ở Vũng Tàu. Anh cho biết, sà lan Phú Xuân 28 sức chở gần 3.000 tấn có tất cả 5 anh em thay phiên nhau chia làm hai ca vận hành. Hầu hết anh em đều bám tàu, bám công trường.
Không chỉ có anh Khuôn, thuyền phó Nguyễn Văn Sang (quê Cần Thơ) từ khi khởi công dự án đến nay cũng chưa về quê. Anh em sinh hoạt và làm việc tại tàu nửa năm qua đều đề cao tinh thần trách nhiệm, đồ ăn hàng tuần có đò đưa ra, nước sinh hoạt mỗi tháng có tàu cấp khoảng 30m3.
“Bình thường, chúng tôi có thể nhờ nhau làm để tranh thủ về nhà, nhưng tuyến luồng này tàu bè rất nhiều, không thể lơ là để mất an toàn nên ráng làm cho xong”, thuyền trưởng Khuôn chia sẻ.
Cũng trên hành trình thực tế tuyến luồng, chúng tôi gặp anh Nguyễn Tâm Nghị (35 tuổi, quê Hậu Giang), thuyền phó tàu Phú Xuân 26. Anh Nghị cũng đã 6 tháng qua chưa rời khỏi con tàu.
Anh Nghị cho hay, mỗi ngày, Phú Xuân 26 vận chuyển tối đa hai chuyến từ phao số 15 (khu vực cảng Cái Mép) ra khu vực nhận chìm ngoài phao số 0 với quãng đường khoảng 30km. Nguy hiểm nhất là lúc giông gió, để đảm bảo an toàn, tàu luôn chạy đúng tải, đúng mớn nước.
“Khoảng giữa tháng 7, cuối tháng 8, tàu phải neo đậu 5 ngày do hai đợt thời tiết xấu. Rất may đồ ăn, nước sinh hoạt dự trữ còn nên anh em không thiếu bữa. Khó khăn rất nhiều nhưng anh em luôn động viên nhau để vượt qua”, anh Nghị nói.
Ông Phạm Văn Diên (59 tuổi, quê Hải Phòng), thuyền trưởng tàu xáng cạp Phú Xuân 18 cho biết, ông có thâm niên 21 năm làm việc trên con tàu này và 5 tháng qua chưa rời tàu, rất nhớ nhà nhưng phải bám công trường.
Từng tham gia nhiều công trình nạo vét nhưng được làm việc trên công trường dự án trọng điểm quốc gia là niềm tự hào to lớn của ông Diên. Bởi theo ông, dự án có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Di dời 3,5 triệu m3 chất nạo vét
Anh Nguyễn Văn Diên (ngoài cùng bên phải) và các thuyền viên tàu Phú Xuân 18 tranh thủ trò chuyện trong lúc đợi sà lan.
Ông Phạm Minh Tuấn, cán bộ phụ trách quản lý thi công Ban Quản lý dự án hàng hải cho biết, tính đến ngày 10/8, khoảng 3,5 triệu m3 chất nạo vét đã được di chuyển đến khu vực nhận chìm, đạt 60% khối lượng theo hợp đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ, ban quản lý đã chấp thuận thêm hai nhà thầu phụ gồm Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tường Vy và Công ty CP Xây dựng công trình thủy, cùng ba nhà thầu chính là Sao Mai, Phú Xuân, Mỹ Dung tập trung trên công trường gần 50 phương tiện, mỗi ngày nạo vét, đổ thải khoảng 41.000m3.
Cũng theo ông Tuấn, hiện đang vào mùa mưa giông nên các phương tiện gặp khó khăn khi vận chuyển đi đổ thải trong những lúc thời tiết xấu. Điển hình là cơn bão số 1 vừa qua, các phương tiện phải dừng thi công gần một tuần.
Bên cạnh đó, thời gian gần cuối năm lượng tàu vào làm hàng ở khu vực cảng Cái Mép tăng, các phương tiện thi công vừa thi công vừa phải dừng tránh, nhường đường cho các phương tiện hàng hải trên tuyến luồng qua phạm vi thi công nên phần nào ảnh hưởng tiến độ.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án hàng hải, vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép nâng hạn mức đổ thải cho dự án này từ 36.000m3 lên 72.000m3/ngày nên đơn vị đã nỗ lực huy động phương tiện, nhân lực để có thể hoàn thành cơ bản công việc đào thô của dự án trong tháng 10. Hai tháng còn lại của năm sẽ dành cho công tác hoàn thiện và đo đạc, nghiệm thu.
Đại diện các trạm điều tiết (trực thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam Bộ) thông tin, thời điểm này, các dải thi công gần giữa tim luồng hiện hữu, nhà thầu thi công và đơn vị bảo đảm ATGT đang tập trung cao độ.
Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam Bộ, Trung tâm VTS và bộ phận trực ban tại Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã và đang phối hợp chặt chẽ, bám sát kế hoạch tàu ra vào cảng, thông báo cho các phương tiện thi công chủ động neo tránh, nhường đường cho tàu hành hải qua khu vực thi công, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải được Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án hàng hải quản lý, có tổng mức đầu tư 1.414 tỷ đồng. Chiều dài nâng cấp của đoạn tuyến là 30,5km (từ phao số 0 vào khu bến cảng container Cái Mép); bề rộng đáy luồng 350m.
Dự án được khởi công ngày 18/2, dự kiến hoàn thành tháng 6/2024. Sau khi hoàn thành tuyến luồng, sẽ cho phép tàu 160.000 - 200.000 DWT ra vào các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải không phải phụ thuộc vào thủy triều, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận