Bamboo Airways được “thuê khô” 3 tàu bay |
Cục Hàng không VN vừa chấp thuận cho Bamboo Airways được thuê không có tổ bay (thuê khô) 3 tàu bay A319/A320/A321 có các số xuất xưởng (MSN) lần lượt là 2568, 2934 và 8195.
Được biết, tàu bay A319 có số xuất xưởng 2568 và A320 có số xuất xưởng 2934 được Bamboo Airways thuê của Công ty Cho thuê tàu bay WWTAI AirOpCo II DAC. Chiếc A321 (có số xuất xưởng 8195) được thuê của Công ty Celestial Aviation Trading 12 Limited.
Theo thông tin từ www.airfleet.net - một trang thông tin khá nổi tiếng về các đội tàu bay thương mại, tàu bay A319 có số xuất xưởng 2568 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 14/9/2005, hãng hàng không khai thác gần nhất là Silk Air (hãng hàng không giá rẻ của Singapore).
Chiếc A320 có số xuất xưởng 2934 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 13/10/2006. Chiếc A320 có số xuất xưởng 3010 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 5/1/2007. Cả hai chiếc A320 này đều có nhà khai thác gần nhất là Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ).
Chiếc A321neo mang mã số MSN 8195 là tàu bay mới 100% được nhà sản xuất Airbus sắp sửa bàn giao cho GECAS, công ty thành viên của Tập đoàn General Electrics.
Theo GECAS, chiếc Airbus A321 mới mang mã số MSN 8195 sẽ được kiểm tra kỹ thuật tại mặt đất vào ngày 21/12, bay thử cùng ngày và hoàn tất giao nhận từ Airbus vào ngày 28/12 tại TP Hamburg (Đức). Sau đó, máy bay sẽ được khoác áo Bamboo Airways và bàn giao cho hãng hàng không Việt.
Theo quy định tại Nghị định số 92 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Chính phủ quy định, đối với tàu bay thực hiện vận chuyển hành khách không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Riêng đối với tàu bay trực thăng không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Điều này có nghĩa là 2 tàu bay A319 và A320 của Bamboo Airways vẫn nằm trong giới hạn khai thác.
Một thông tin đáng chú ý là Cục Hàng không VN lưu ý, “Bamboo Airways chỉ được đưa vào khai thác thương mại 3 tàu bay nêu trên sau khi được Cục Hàng không VN cấp Chứng chỉ người khai thác tàu bay AOC”.
Trước đó, bà Dương Thị Mai Hoa, Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc Bamboo Airways khẳng định, “đang theo sát quy trình xin cấp chứng chỉ nhà khai thác - AOC cũng như cẩn trọng thực hiện đúng Luật Hàng không dân dụng về việc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và kinh doanh vận chuyển hàng không”.
Việc hoàn thiện thủ tục để được phê chuẩn chứng chỉ nhà khai thác tàu bay AOC (Aircraft Operator Certificate) là bước tiếp theo mà Bamboo Airways phải thực hiện sau khi được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
“Sau khi được phê chuẩn AOC, nhà khai thác sẽ được quyền khai thác máy bay với mục đích thương mại hoặc chỉ khai thác trong phạm vi chứng chỉ cho phép. Hiệu lực của AOC tùy thuộc vào nhà chức trách hàng không”, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường nói và cho biết thêm: Điều kiện để cấp AOC là nhà khai thác phải có máy bay, thỏa mãn những yêu cầu về an toàn, tính khả thi, có trụ sở, văn phòng và nhất là phải không có AOC của nhà chức trách khác.
Sau khi có AOC, Bamboo Airways sẽ tiếp tục phải xin cấp quyền vận chuyển hàng không, xây dựng lịch bay, sau đó xin cấp slot tại cảng hàng không sân bay liên quan đến các đường bay mà họ dự kiến khai thác.
Ngay sau khi được cấp quyền vận chuyển, Bamboo Airways có quyền quảng bá các chuyến bay của mình. Tuy nhiên, để triển khai bán vé sẽ phải kê khai giá trên các chặng bay nội địa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận