Xã hội

Bán 300 triệu/lốt xe qua cửa khẩu: Có hay không đường dây "làm luật"?

17/01/2022, 20:02

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, cần phải xử nghiêm những đối tượng trong vụ "làm luật", bán lốt xe xuất khẩu nông sản như điều tra của Báo Giao thông.

Vừa qua, Báo Giao thông đã có loạt bài điều tra phản ánh hiện tượng các lái xe, doanh nghiệp phải chi trăm triệu mua “lốt” xuất nông sản qua cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn.

Cụ thể, lợi dụng việc thông quan khó khăn hơn so với trước đây, khoản tiền “làm luật” đã bị các “nhà luật” đẩy từ mức 6- 8 triệu đồng (như thường lệ) lên tới vài chục triệu đồng. Các lái xe, chủ xe không còn cách nào khác là buộc phải chấp nhận.

Đáng chú ý, chủ hàng muốn thông quan nhanh còn phải chi 200- 300 triệu đồng để mua “lốt”. Xe nào mua “lốt” thì được lên cửa khẩu sớm hơn, còn không phải nằm chờ, có khi thời gian chờ đến lượt thông quan lên tới hơn 20 ngày.

img

Doanh nghiệp và người dân "cắn răng" chi trăm triệu mua “lốt” xuất nông sản qua cửa khẩu ở Lạng Sơn

Luận bàn về sự việc này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, đây là hành vi không chỉ vi phạm pháp luật mà còn "thể hiện sự thất đức của các đối tượng liên quan".

“Trong khi người dân và doanh nghiệp như ngồi trên “đống lửa” vì gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang bên kia biên giới, thậm chí phải đổ bỏ nông sản, thiệt hại lớn về tiền bạc thì những đối tượng này lại có hành vi táng tận lương tâm, bóc cả "xương tủy" của người dân và doanh nghiệp.

Hành vi trục lợi trên sự vất vả, khó khăn của người dân như thế này cần phải xử lý nghiêm, cần thiết phải coi đây là tình tiết tăng nặng của hành vi phạm tội”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.

img

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Ông Lê Thanh Vân cũng cho biết, sự việc này khiến ông liên tưởng đến vụ việc Công ty Việt Á đẩy giá test kit mà Bộ Công an đang điều tra.

“Dù ở hai lĩnh vực khác nhau, nhưng vụ Việt Á và vụ này có cùng điểm chung là các đối tượng đều lợi dụng sự khó khăn của nhân dân để trục lợi cho bản thân.

Bắt người dân và doanh nghiệp phải nộp hàng chục triệu đồng, thậm chí là hàng trăm triệu đồng thì quả thật là ăn trên “xương tủy” của họ”, ông Vân nói.

Ông Vân cho biết, vừa qua Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ban ngành liên tục họp bàn và đưa ra những quyết sách để khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo lập nhóm công tác giải quyết ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng trong việc nâng cao hiệu suất thông quan, lưu thông hàng hóa ở của khẩu biên giới, duy trì thương mại thông suốt giữa hai nước, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

“Ấy vậy mà, ngay tại nơi cửa khẩu lại xuất hiện tình trạng người dân phải bỏ số tiền rất lớn để “làm luật” thì mới được xuất hàng sang biên giới.

Quả thật những hành vi “thu tô” này cần phải lên án mạnh mẽ. Đây là hành vi đi ngược lại hoàn toàn với chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng. Chắc chắn những kẻ “làm luật này sẽ bị trừng trị thích đáng”, ông Vân nói.

Đồng thời ông Vân cũng cho rằng, vụ việc này cần phải được tích cực điều tra mở rộng, từ đó trả lời rõ câu hỏi của người dân về việc có hay không đường dây làm luật tại cửa khẩu ở Lạng Sơn?

“Cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng điều tra và xử lý không có vùng cấm những đối tượng liên quan đến sự việc này.

Cần phải làm rõ, có hay không hành vi móc nối giữa đối tượng “cò mồi” và hệ thống kiểm soát thông quan hàng hóa sang biên giới để “móc túi” người dân và doanh nghiệp?”, ông Vân đặt vấn đề và cho biết, không thể để một vài cá nhân hư hỏng mà làm tổn hại đến lợi ích của hàng triệu đồng bào và sự cố gắng của cả rất nhiều bộ ngành trong việc thông thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Sau loạt bài điều tra của Báo Giao thông, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, lãnh đạo tỉnh đã nhận được nhiều bằng chứng liên quan đến những tiêu cực kể trên, đồng thời chỉ đạo công an tập trung lực lượng kiểm tra, làm rõ để xử lý.

Đến ngày 14/1, Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố, bắt giam 2 cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc để điều tra về tội “Nhận hối lộ” là Lâm Văn Hưởng (SN 1983) và Nông Tuấn Anh (SN 1992). Cả hai đều là viên chức hợp đồng của UBND huyện Cao Lộc.

Ngoài ra, trong vụ án này, bị can Đình Văn Thìn (SN 1979, trú tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Đưa hối lộ”.

Theo điều tra, lợi dụng tình hình ách tắc tại các cửa khẩu, Thìn đã làm giá với các chủ hàng, thu mỗi xe từ 200- 300 triệu đồng để cho vượt “lốt” lên thẳng cửa khẩu thông quan.

Để thực hiện hành vi trên, Thìn đã móc nối với Hưởng và Tuấn Anh, là những người được giao nhiệm vụ viết phiếu, đánh số thứ tự các xe ra, vào bãi phân luồng, chờ thông quan trên địa bàn để đổi phiếu, cho xe mua “lốt” lên thẳng cửa khẩu xuất hàng.

Mỗi xe trót lọt như vậy, Thìn phải đưa cho các cán bộ trên 50 triệu đồng. Bước đầu cơ quan công an đã làm rõ, Thìn đã đưa cho các cán bộ trên tổng số tiền 800 triệu đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.