Một cô gái trẻ ngã ra đường, có thể đã tử vong, chiếc mũ bảo hiểm và vệt máu loang lổ càng khiến người nhìn day dứt khi đọc dòng chữ: “Trên đường phố, điện thoại có thể là kẻ giết người”. “Bạn có dám nói với gia đình cô ấy rằng: bạn nhất định phải đọc mail này?”.
Bức hình và câu hỏi trên là một thông điệp cảnh báo tai nạn giao thông tôi chụp được tại Paris. Nó được gắn trên đuôi rất nhiều xe buýt. Tôi để ý, các tài xế hầu như không ngoảnh mặt đi trước hình ảnh này. Rõ ràng, ngay cả ở Pháp, việc tài xế vừa lái xe vừa đọc tin nhắn hay kiểm tra hộp thư điện tử (check mail) cũng là một vấn nạn.
Có thể thấy, ở các nước có hệ thống giao thông phát triển, tưởng như người dân đã coi chuyện tuân thủ luật giao thông là đương nhiên nhưng họ vẫn không bao giờ lơ là chuyện cảnh báo và tuyên truyền luật pháp. Những lỗi vi phạm đã được cảnh báo thường bị phạt rất, rất nặng.
Đặc biệt là lỗi dùng điện thoại khi đang lái xe hoặc trong người có chất kích thích khi cầm lái.
Ví dụ ở Úc, lái xe ở xứ này thì tốt nhất đừng nhấp miệng vào rượu bia, nếu có uống bia, thì cũng chỉ được uống 1 chai 300ml và phải đợi sau 2 tiếng mới được cầm lái.
Nếu người lái có nồng độ cồn trong máu cao hơn 0.07 miligam/1 lít khí thở sẽ bị tước bằng lái tối thiểu 6 tháng, nồng độ càng cao, thời gian bị tước bằng càng dài, thậm chí có thể bị tước bằng lái xe vĩnh viễn.
Những người sử dụng chất kích thích quá mức cho phép, sau thời gian bị tước bằng lái vẫn phải chịu sự quản thúc của hệ thống interlock được gắn kèm trong xe.
Cứ bước vào xe, họ phải thổi vào ống của thiết bị này, động cơ chỉ khởi động khi hơi thở của bạn không có bất kỳ một lượng cồn nào. Và cứ sau 10 phút, người lái xe lại phải thổi vào ống kiểm tra khí thở này, nếu phát hiện ra lượng cồn, động cơ xe tự nhiên khóa. Toàn bộ chi phí cho việc lắp đặt thiết bị và giám sát, người đang chịu án phạt phải chi trả toàn bộ. Bạn tôi ở Úc nói, từ khi áp dụng biện pháp này, số người lái dám uống bia rượu ở Úc giảm đáng kể.
Đó là chuyện xứ người. Còn xứ ta thì sao?
Mới đây, Thủ tướng Việt Nam đã gọi tình trạng tai nạn giao thông là “thảm họa quốc gia”. Thật đau lòng. Giữa thời bình, mà người Việt gần đây luôn phải chung sống với nỗi lo sợ cho mình, cho người thân - bước chân ra khỏi nhà mà không có ngày về.
Tai nạn có thể đến với bất kỳ ai, xảy ra bất cứ lúc nào. Đi đúng làn đường cũng bị đâm, dừng chờ đèn đỏ đúng luật cũng bị đâm, đứng trên vỉa hè, ngồi trong quán café, thậm chí ngủ trong nhà cũng gặp nạn…
Tôi vẫn tự hỏi tới hàng trăm lần, tại sao những dự luật như “người có ngực lép không được điều khiển xe” hoặc “ biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ” các cơ quan dự thảo luật còn hào hứng nghĩ ra được, thì với tình trạng trầm trọng của giao thông VN hôm nay, lại không có một điều khoản pháp luật nào đủ mạnh để có thể thay đổi được tình thế.
Tại sao không tịch thu vĩnh viễn bằng lái nếu phát hiện lái xe có bất kỳ nồng độ cồn nào trong người hoặc dương tính ma túy?
Buộc ngừng hoạt động một thời gian với các doanh nghiệp sử dụng lái xe vi phạm những điều cấm kỵ trên.
Trong khi chờ đợi các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ hơn từ Chính phủ trong việc xử lý “thảm họa quốc gia” này, không có cách nào khác, tôi và các bạn cần phải thay đổi chính mình.
Sau vụ tài xế say xỉn đâm chết chị lao công ở Láng Hạ, khiến hai đứa trẻ mồ côi mẹ, tôi đã gửi đường link bài viết cho chồng kèm theo lời nhắn “xin anh đừng bao giờ cầm lái khi đã uống”. Lâu sau, tôi nhận được hồi âm: “Anh đã cài app taxi công nghệ để gọi xe mỗi lần đi tiếp khách”. Chí ít, lời đề nghị của tôi cũng đã được lưu tâm.
Thiết nghĩ, với tình trạng hiện nay, Nhà nước cần ban hành những chế tài thật cứng rắn cho cả người tham gia giao thông lẫn các lực lượng chức năng mà không cần trưng cầu ý kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận