Đẩy mạnh mô hình xe điện chia sẻ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng, ảnh hưởng của hoạt động giao thông vận tải (GTVT) tới phát triển đô thị, kinh tế, môi trường và an toàn giao thông đang đặt ra những thách thức cho phát triển bền vững.
Các báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy, GTVT là một trong những hoạt động chủ yếu phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng khí nhà kính thải vào bầu khí quyển hằng năm. Do đó, phát triển giao thông xanh là một trong những định hướng nhằm phát triển bền vững tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT với quan điểm chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi nỗ lực to lớn của Chính phủ và các cấp bộ, ngành, địa phương và các chủ thể tham gia, trong đó phải kể đến vai trò và trách nhiệm của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu khoa học là hết sức quan trọng.
"Tôi ghi nhận, đánh giá rất cao Trường Đại học Công nghệ GTVT là một trong những trường đại học lớn của ngành GTVT, vừa thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ngành, nhưng cũng rất chủ động tích cực trong việc nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào thực tiễn sản xuất, phục vụ ngành GTVT và phục vụ cộng đồng xã hội.
Trong nghiên cứu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giao thông xanh, thời gian qua Trường đã phối hợp với các đối tác trong nước và nước ngoài triển khai thành công nhiều dự án", Thứ trưởng nói và đề nghị các cơ quan, ban, ngành của TP Hà Nội quan tâm phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ Trường Đại học Công nghệ GTVT thực hiện các chương trình nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu của các dự án đã tư vấn chính sách giúp Hà Nội sử dụng mô hình xe điện chia sẻ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân, thông qua đó góp phần cải thiện không khí.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để TP Hà Nội, Bộ GTVT và các bộ có liên quan xem xét ban hành các chính sách, giải pháp sử dụng phương tiện giao thông sạch, thông minh nhằm thúc đẩy phát triển giao thông xanh tại Việt Nam.
Hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông xanh
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã giới thiệu về hệ thống xe điện hai bánh chia sẻ tại Hà Nội: Hiện trạng, nhu cầu, rào cản và cơ hội; Khung pháp lý, thể chế và mô hình hoạt động; Thúc đẩy lồng ghép giới trong quá trình chuyển đổi sang giao thông điện ở Việt Nam; Phân tích hiện trạng, xây dựng khung thẩm định cho xe điện 2 bánh; Hướng dẫn các doanh nghiệp thu thập, xác định thông số đầu vào, tính toán các kịch bản cơ sở và kịch bản giảm phát thải và xây dựng các báo cáo về thẩm định.
Theo các diễn giả, tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, xe điện hai bánh được ưu tiên sử dụng để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tại Hà Nội, việc thí điểm cho xe điện 2 bánh hoạt động giúp hành khách hình thành thói quen sử dụng các loại phương tiện giao thông xanh và bảo vệ môi trường.
Thống kê lịch sử hoạt động của xe hai bánh chia sẻ tại địa bàn, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Công nghệ GTVT cho biết: Từ năm 2014, Công ty CP Môi trường cây xanh đô thị (VPT) đã thí điểm thu phí xe đạp cơ ở khu vực công cộng quận Bắc Từ Liêm. Từ tháng 8/2020 đến nay MBI Motor (Hàn Quốc) đã kinh doanh dịch vụ xe đạp điện ở khu vực nội bộ khu đô thị Ecopark, Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart city.
Từ tháng 11/2022 - tháng 5/2023 Trường Đại học Công nghệ GTVT tổ chức thí điểm miễn phí xe máy điện ở khu vực công cộng (1 tuyến BRT Văn Khê - Aeon Mall Hà Đông).
Từ tháng 8/2023, Tập đoàn Trí Nam thí điểm thu phí xe đạp cơ, xe đạp trợ lực điện ở khu vực công cộng quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân...
Về kết quả thí điểm từ khu vực nhà chờ BRT Văn Khê đến Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông với 50 xe máy điện cho thấy, quá trình vận hành ghi nhận 497 nghìn người dùng với 1572 chuyến đi được thực hiện, giảm phát thải tới 30,8% so với sử dụng phương tiện xe xăng.
Qua quá trình thực hiện thí điểm, theo ông Vũ Ngọc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ GTVT bày tỏ, dịch vụ xe điện 2 bánh chia sẻ nên được xác định là loại hình dịch vụ giao thông công cộng và được hưởng ưu đãi liên quan.
Thành phố cần tạo lập chính sách minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi, tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp tham gia một cách hiệu quả và công bằng. Ưu tiên thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài ngân sách nhà nước, thành phố giữ vai trò định hướng, quản lý và giám sát.
Phát triển dịch vụ xe điện 2 bánh chia sẻ theo ông Khiêm còn phải có lộ trình để đảm bảo hiệu quả và tránh phát triển nóng. Trong khi loại hình xe điện hai bánh chia sẻ chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật, Thành phố cần ban hành những quy định nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia sớm đưa loại hình dịch vụ này kịp thời phục vụ cộng đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận