Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký Quyết định số 383 ngày 30/3/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường thủy nội địa VN.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Quyết định 383 ban hành thay thế Quyết định số 39 ngày 8/1/2018 để phù hợp với quy định tại Nghị định số 56/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT; đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành.
Quyết định mới của Bộ GTVT bổ sung và trình bày lại chuẩn xác hơn một số nhiệm vụ của Cục Đường thủy nội địa VN theo hướng không thay đổi nhiệm vụ được giao trước đó; bổ sung và chuẩn hóa một số câu từ, thuật ngữ về chuyên môn theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Bộ GTVT ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Đường thủy nội địa VN. (Ảnh: Trụ sở Cục Đường thủy nội địa VN)
Theo đó, Cục Đường thủy nội địa VN có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật chuyên ngành giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) trong phạm vi cả nước.
Đơn vị này cũng được giao chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng các dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về GTVT đường thủy nội địa; ban hành văn bản hành chính cá biệt, văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về GTVT đường thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý.
Xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm, các chương trình, dự án quốc gia, các đề án phát triển thuộc chuyên ngành đường thủy. Cục Đường thủy nội địa VN cũng được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về đầu tư, khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ, trực tiếp quản lý, bảo trì các tuyến ĐTNĐ quốc gia; về phương tiện thủy nội địa, hoạt động vận tải thủy nội địa và dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa đơn vị này được giao đó là thực hiện việc quản lý, giám sát công tác bảo trì hạ tầng giao thông đường thủy nội địa. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chuyên ngành của địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa địa phương.
Về tổ chức quản lý hoạt động tại cảng, bến thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức thực hiện các quy định quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
Cục Đường thủy nội địa VN xây dựng, trình Bộ trưởng quy định việc công bố các tuyến vận tải và thực hiện việc công bố theo phân cấp. Tham gia xây dựng khung giá cước hoặc cước vận tải, xếp dỡ, các dịch vụ hỗ trợ vận tải được hoạt động độc quyền và những dịch vụ mà Nhà nước trợ giá hoặc giao cho doanh nghiệp thực hiện theo quy định.
Về cơ cấu tổ chức, Cục Đường thủy nội địa VN có 7 phòng giúp việc Cục trưởng; 3 Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I, II, III; 5 Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực I, II, III, IV, V và 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc là 2 trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy I, II.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận