Xã hội

Băn khoăn “chỉ người giàu mới được xét đặc xá”

16/04/2018, 10:20

Trong khi cơ quan soạn thảo quy định người bị kết án tù về bất kỳ tội gì cũng phải hoàn thành nghĩa vụ...

21

Quy định mới về đặc xá đang gây nhiều tranh cãi (Trong ảnh: Lãnh đạo VKSND, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế trao quyết định đặc xá cho phạm nhân tại Trại tạm giam Công an tỉnh)

Trong khi cơ quan soạn thảo quy định người bị kết án tù về bất kỳ tội gì cũng phải hoàn thành nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại xong mới được xét đặc xá, một số ý kiến cho rằng nếu quy định như vậy dư luận sẽ nghĩ “chỉ có người giàu, người có tiền mới được xét đặc xá”.

Lo “người nghèo phải ở tù suốt đời”

Luật Đặc xá (sửa đổi) vừa được Bộ Công an trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trong đó vấn đề được quan tâm nhất trong Dự thảo lần này là điều kiện để xét đặc xá. Dự luật giữ nguyên điều kiện được đặc xá là phạm tội lần đầu, xếp loại cải tạo từ khá trở lên, nhưng phạm nhân phải chấp hành được ít nhất 1/2 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn thay vì 1/3 thời gian như trước đây; đối với hình phạt tù chung thân thì phạm nhân phải chấp hành ít nhất 15 năm thay vì 14 năm như luật hiện hành.

Ngoài ra, luật hiện hành quy định người bị kết án phạt tù về tội tham nhũng hoặc một số tội khác do Chủ tịch nước quyết định phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác mới được xét đặc xá. Nhưng lần này, Dự luật sửa đổi đã quy định theo hướng, “người bị kết án phạt tù về bất kỳ tội gì” phải chấp hành xong hình phạt bổ sung nêu trên mới được đề nghị đặc xá.

Với quy định “thắt chặt” về điều kiện xét đặc xá khi yêu cầu người bị kết án tù về bất kỳ tội gì đều phải thực hiện xong nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại… mới được xét đặc xá, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong lo ngại nếu xử lý không khéo sẽ tạo cú sốc khi cho rằng người giàu, người có tiền thực hiện thì được đặc xá còn người nghèo, không có tiền để chấp hành thì ở tù suốt đời. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn: “Ngồi tù chưa thực hiện xong đã được xem xét đặc xá thì tại sao phần nghĩa vụ dân sự lại phải bắt buộc thực hiện xong mới được xét?”.

Ngăn chặn việc “hy sinh đời bố, củng cố đời con”?

Trao đổi với Báo Giao thông và lý giải rõ hơn việc quy định kể trên, một thành viên ban soạn thảo nêu thực tế hiện nay có tư tưởng và tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”: “Tức là người bố phạm tội, ví dụ tội chiếm đoạt, lừa đảo tài sản của người khác nhưng sau đó không chịu bồi thường thiệt hại mà chấp nhận án phạt tù, tức là khi đó, người phạm tội vừa được đặc xá, vừa vẫn giữ được tiền do mình phạm tội mà có. Nếu xét đặc xá trong những trường hợp như vậy thì không công bằng với người bị hại”

Bên cạnh đó, thành viên ban soạn thảo này cũng đánh giá lâu nay hiệu quả thi hành án dân sự rất thấp. Thế nhưng, từ khi có định hướng quy định “phải bồi thường xong mới được xét đặc xá”, hiệu quả nâng lên rõ rệt, thu được nhiều tiền về cho Nhà nước, thu được tiền án phí, tiền bồi thường dân sự cũng như tiền khắc phục hậu quả thiệt hại. Tựu chung lại, mục đích đưa ra quy định đó là phải thu hồi được tài sản tham ô, tham nhũng. Còn những trường hợp không phạm tội tham ô, tham nhũng phải xét nộp tiền để bồi thường cho người bị hại. Ví dụ có những người phạm tội lừa đảo trong kinh doanh đa cấp, lừa đảo nhiều bị hại với số tiền rất lớn, thậm chí khiến người bị hại phải tự tử. Những trường hợp ấy cũng phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường, không thể “cứ đi tù là xong”.

Tuy nhiên, thành viên này cũng thừa nhận thực tế có những người chấp hành án tù đáp ứng đầy đủ điều kiện để được xét đặc xá nhưng lại không có tiền bồi thường, thực hiện nghĩa vụ dân sự thì luật cũng sẽ xem xét, tính toán để linh hoạt xử lý trong từng trường hợp.

Về băn khoăn nếu điều kiện xét đặc xá quá chặt, lượng phạm nhân được xét đặc xá sẽ không nhiều, đồng nghĩa với việc Nhà nước phải tốn thêm chi phí cho lượng phạm nhân lớn trong các trại giam, thành viên tham gia soạn thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) cho rằng thực tế có việc đó, nhưng cũng phải tính đến tác động và dư luận xã hội, phải tạo được sự đồng tình trong chính sách.

Chỉ nên áp dụng đối với tội phạm tham nhũng

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, không nên quy định như trong dự thảo. Bởi “nếu như thế, dư luận sẽ cho rằng chỉ có người giàu, người có tiền mới được đặc xá”. Theo ông Cường, mục đích thu hồi tài sản là tốt nhưng cần thực hiện theo nhiều kênh khác chứ không thể chỉ dựa vào quy định này. Còn trong những trường hợp mà người bị kết án tù có tài sản nhưng giấu giếm và cố tình không chấp hành, nếu chứng minh được lại là chuyện khác. Khi đó, xét về mặt ý thức, người đó được đánh giá là người không nghiêm túc chấp hành bản án nên không thuộc diện được xét đặc xá.

Ngoài ra, ông Cường cũng cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ tạo sự mâu thuẫn ngay trong dự án luật. Theo ông Cường khoản 1 yêu cầu “người bị kết án tù về bất kỳ tội gì đều phải hoàn thành xong nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại mới được xét đặc xá". Trong khi ở khoản 2 lại quy định xét đặc xá cho những trường hợp như người mắc bệnh hiểm nghèo, người có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn, không còn tài sản…

Theo ông Cường, việc yêu cầu phải bồi thường thiệt hại mới được xét đặc xá chỉ nên áp dụng riêng đối với tội tham nhũng. “Thực tế, người tham nhũng họ tẩu tán tài sản rất nhiều, rất ít trường hợp phạm tội tham nhũng mà nghèo. Quy định như dự thảo không phù hợp với điều kiện, với chế độ xã hội của ta là đề cao tính nhân đạo, bảo vệ người yếu thế, lấy ý thức chấp hành hình phạt tù lên trên hết”, ông Cường nói thêm. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.