Ảnh minh họa |
Chúng ta hãy khoan nói đến sự bình đẳng, mà hãy nói về bản chất quy định của pháp luật về việc này.
Có một nguyên tắc bất biến là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Và pháp luật cũng vì thế mà không phân biệt người giàu - người nghèo, kể cả khi kết án tù, cũng như khi xử lý về dân sự. Những người bị kết án tù còn nợ Nhà nước, nợ các tổ chức, cá nhân thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và họ phải hoàn thành trách nhiệm này mới được xét đặc xá là điều dễ hiểu, hợp lý.
Khi Nhà nước có chế tài về hình sự bình đẳng thì về dân sự cũng phải bình đẳng như thế, không thể quy định theo kiểu “người nghèo không cần thực hiện nghĩa vụ dân sự, không bồi thường cũng được đặc xá”. Nếu như thế nhiều người nghèo sẽ lạm dụng điều này để phạm tội. Thực tế còn có người đủ khả năng nhưng không chịu bồi thường, ra tù vẫn ở nhà lầu, xe hơi và có cuộc sống sung túc, trong khi thiệt hại họ gây ra cho Nhà nước, cho các tổ chức, cá nhân khác không thu hồi được.
Có những người lừa đảo, gây thiệt hại cả nghìn tỷ nhưng không khắc phục, bồi thường thiệt hại. Khi được đặc xá, họ ra tù và vẫn có tiền tỷ sống nhởn nhơ. Khi ấy, chúng ta có muốn hồi tố cũng không có cơ chế.
Bởi vậy, nếu cho rằng người nghèo không cần hoàn thành nghĩa vụ dân sự hay bồi thường thiệt hại vẫn được xét đặc xá sẽ là kẽ hở để không ít người lạm dụng và lách luật. Và một khi đã để người ta lạm dụng thì sẽ mất đi tác dụng của chính sách này. Chúng ta đề cao chính sách nhân đạo, khoan hồng nhưng không được để cho luật bị lợi dụng. Công bằng là ở chỗ đó.
Nhưng luật cũng cần có quy định linh động, không nên cứng nhắc. Bởi thực tế có những người vô tình phạm tội, thực sự có hoàn cảnh khó khăn không thể hoàn thành nghĩa vụ dân sự. Trong khi đó, họ có ý thức cải tạo rất tốt, biết ăn năn hối cải. Trong những trường hợp ấy, luật nên quy định thêm một khoản những người như thế sẽ được xét đặc xá khi họ có thành tích nổi trội hơn so với điều kiện thông thường. Tức là nếu không có khả năng bồi thường thiệt hại thì điều kiện xét đặc xá của họ phải cao hơn những người đã nộp tiền khắc phục.
Đặc xá là chính sách khoan hồng. Thế nhưng, việc đó phải được thực hiện công bằng, công khai, có tình có lý và được dư luận chấp nhận, khi đó, tính nhân đạo mới thực sự có ý nghĩa.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận