Thưởng phạt chưa kịp thời
Đầu năm 2022, sau khi tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo bước vào nhịp độ thi công mới rốt ráo hơn, đáp ứng cam kết hoàn thành trước 3 tháng so với kế hoạch ban đầu.
“Để rút ngắn được 3 tháng, doanh nghiệp đã huy động lượng máy móc, thiết bị tăng gấp 1,5 lần. Nhằm đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ dự án, nhà thầu cũng phải tăng mức lương công nhân phổ thông lên khoảng 2,5 lần (từ 270.000 đồng lên hơn 500.000 đồng), chưa kể các chế độ chính sách khác”, ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, tiêu chí xét duyệt không thể chung chung theo kiểu làm nhanh thì thưởng, làm chậm thì phạt mà cần có thước đo rõ ràng (Ảnh minh họa)
Thế nhưng, ở góc độ cá nhân, ông Thắng tỏ ra khá tâm tư khi nhà thầu đang rất nỗ lực, song quy định hiện nay lại không có cơ chế thưởng cho nhà thầu đưa dự án về đích sớm.
Tương tự, một lãnh đạo Tập đoàn Cienco4 cho rằng, cơ chế thưởng cần được xây dựng để khích lệ và giúp nhà thầu bù đắp được một phần chi phí tăng thêm từ việc tăng ca, tăng đầu máy, con người.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chế độ thưởng đối với các chủ thể có liên quan đến triển khai đầu tư xây dựng dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và một số dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT mới đây do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo mới đây cũng thừa nhận, thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo, ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông, song tiến độ thực hiện một số dự án giao thông quy mô lớn còn chậm.
Một trong những nguyên nhân chính là do việc khuyến khích, động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc phê bình, xử lý các chủ thể liên quan vi phạm tiến độ chưa được kịp thời.
Hai nguyên tắc xác định thưởng nhà thầu
Bộ KH&ĐT cho rằng, để đạt được mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc, bên cạnh sự nỗ lực trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các chủ thể liên quan đến dự án (chủ yếu là các nhà thầu).
Theo Bộ KH&ĐT, việc thưởng, phạt tiến độ thực hiện dự án xây dựng công trình đã có tiền lệ ở một số dự án.
Điển hình, ngày 29/9/2009, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quy chế thưởng, phạt tiến độ thực hiện hợp đồng trong hoạt động xây dựng đối với công trình có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc thưởng, phạt bằng tiền, hình thức thưởng, phạt thông qua việc đưa vào danh sách nhà thầu đạt tiêu chuẩn/không đáp ứng yêu cầu nhận thầu tư vấn, thi công, cung ứng vật tư trên địa bàn tỉnh cũng được bổ sung. Mức thưởng, phạt tối đa được xác định không vượt 12% giá trị hợp đồng phần làm lợi/vi phạm.
Tại dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch - Bắc Linh Đàm thuộc đường Vành đai 3 TP Hà Nội được chia thành 3 gói thầu với thời gian thực hiện 30 tháng/gói. Quá trình triển khai, cả 3 gói thầu đều rút ngắn thời gian thực hiện.
Chủ đầu tư đã tính toán tổng lợi ích mang lại là 1.499 tỷ đồng và đề nghị giá trị tiền thưởng tối đa 12% tổng giá trị tiết kiệm (180 tỷ đồng). Phương án tính toán cơ chế thưởng được chủ đầu tư xây dựng và Bộ Xây dựng có ý kiến, xem xét.
Căn cứ thực tế triển khai và hành lang pháp lý hiện hành, Bộ KH&ĐT kiến nghị cơ chế thưởng cụ thể đối với các chủ thể liên quan.
Cụ thể, nguồn tiền thưởng hợp đồng được sử dụng từ số tiền dư sau đấu thầu (bao gồm phần tiết kiệm do chỉ định thầu) và các nguồn hợp pháp khác.
Nguyên tắc xác định việc thưởng hợp đồng được đề xuất áp dụng với các trường hợp rút ngắn thời gian thi công gói thầu do thực hiện các giải pháp thông thường để đẩy nhanh tiến độ và trường hợp rút ngắn thời gian thi công gói thầu do áp dụng giải pháp, công nghệ mới mà vẫn đảm bảo các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng theo quy định, sớm đưa dự án vào khai thác, mang lại hiệu quả KT-XH.
Người quyết định đầu tư dự án có thẩm quyền quyết định việc thưởng hợp đồng xây dựng, đồng thời, có trách nhệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng theo quy định.
Nên sử dụng quỹ dự phòng làm nguồn thưởng
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, việc xây dựng nghị định về thưởng - phạt là cần thiết để động viên nhà thầu hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, nguồn thưởng lấy từ phần chi phí tiết kiệm chưa hợp lý, bởi qua quá trình đấu thầu, tỷ lệ tiết kiệm được có thể sẽ rất ít. Vì vậy, cần phải lấy từ kinh phí dự phòng của dự án.
“Quỹ dự phòng này phải được duy trì xuyên suốt từ khi triển khai đến khi hoàn thành dự án, đảm bảo tính khả thi. Trường hợp đơn giá thi công vượt bởi lý do bất khả kháng, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, các chủ đầu tư phải lập lại mặt bằng giá mới và kiến nghị Bộ KH&ĐT đề xuất duyệt bổ sung kinh phí, không thể lấy kinh phí dự phòng”, ông Hiệp nêu quan điểm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Văn Thắng bày tỏ băn khoăn về việc thưởng, phạt sẽ được đánh giá thế nào trong trường hợp một dự án có nhiều gói thầu nhưng chỉ có 1 - 2 gói thầu nhanh, những gói khác không bứt tốc được tiến độ để đưa dự án về đích sớm, tuyến đường chưa hoàn thành, chưa phát huy được hiệu quả.
“Tiêu chí xét duyệt cũng không thể chung chung theo kiểu làm nhanh thì thưởng, làm chậm thì phạt mà cần có thước đo rõ ràng, điều kiện tiến độ, chất lượng và hàm lượng sáng tạo như thế nào thì được thưởng và mức thưởng ra sao?”, ông Thắng góp ý.
Gửi văn bản góp ý về dự thảo Nghị định mới đây, Bộ GTVT nhận định, nội dung dự thảo quy định: Việc thưởng hợp đồng chỉ được xem xét đối với các gói thầu không vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, đấu thầu, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, an toàn phòng chống cháy, nổ và các quy định khác của pháp luật liên quan.
Quy định trên có thể gây khó khăn trong việc áp dụng do chưa xác định rõ việc “không vi phạm các quy định pháp luật” thuộc chủ thể nào và mức độ vi phạm, hoặc có xem xét các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong việc xác định có nội dung “vi phạm các quy định pháp luật”?
Về công thức xác định số tiền thưởng được tính bằng phép nhân giữa số tiền dư sau đấu thầu, tỷ lệ thời gian rút ngắn, hệ số khuyến khích (đang tạm tính bằng 2 hoặc 2,5), theo Bộ GTVT, với công thức ấy, tỷ lệ thời gian rút ngắn và hệ số khuyến khích có mối quan hệ tỷ lệ nghịch.
Số tiền thưởng lại quy định không vượt quá số tiền dư sau đấu thầu. Do đó, tỷ lệ thời gian rút ngắn càng nhiều thì hệ số khuyến khích càng nhỏ và ngược lại.
“Số tiền thưởng cần được nghiên cứu theo hướng tính bằng số tiền dư sau đấu thầu nhân với tỷ lệ phần trăm được xác định theo tỷ lệ thời gian rút ngắn”, Bộ GTVT nêu ý kiến.
Lãnh đạo một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực giao thông (xin giấu tên) cho rằng: “Để đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong việc xét thưởng giữa các nhà thầu, chủ đầu tư phải giải quyết được các điều kiện cần như: Mặt bằng phải sạch, công tác khảo sát thiết kế (địa chất, mỏ vật liệu…) phải chuẩn.
Có những công trình mặt bằng tốt, thời tiết ổn định, khảo sát thiết kế chuẩn có thể băng băng lũy tiến sản lượng. Một số công trình lại vướng từ mặt bằng đến thời tiết muốn tăng tốc cũng khó. Nếu nền tảng thi công không được đảm bảo như nhau, việc xét thưởng sẽ khó đảm bảo tính khách quan”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận