Thị trường

Băn khoăn tỷ lệ mua điện mặt trời tự sản, tự tiêu

24/07/2024, 06:30

Dù đa số đồng tình với mức giá mua điện, song nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần rõ ràng hơn trong phần sản lượng điện dư được thanh toán.

Phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh

Bộ Công thương vừa báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về dự thảo điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. 

Thay vì 0 đồng, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có thể bán cho EVN với giá 671 đồng/kWh, với điều kiện không quá 10% tổng sản lượng điện dư phát lên lưới.

Băn khoăn tỷ lệ mua điện mặt trời tự sản, tự tiêu- Ảnh 1.

Thay vì 0 đồng, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có thể bán cho EVN với giá 671 đồng/kWh, với điều kiện không quá 10% tổng công suất.

Trước đó, để khuyến khích phát triển nguồn điện sạch, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết sẽ được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất.

Trên cơ sở ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương đề xuất lựa chọn phương án điện mặt trời tự sản, tự tiêu được thanh toán 10% sản lượng điện trên tổng sản lượng điện dư phát lên lưới điện quốc gia được ghi nhận bởi hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng. Về xác định giá mua bán điện dư, Bộ Công thương đề xuất giá mua là 671 đồng/kWh.

Ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công thương cho rằng, đây là bước tiến của các nhà làm chính sách. 

Đề xuất này sẽ tăng thêm tự tin cho các doanh nghiệp muốn tự lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng xanh.

Tháo gỡ tâm lý đầu tư

Một chuyên gia năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích thêm, đề xuất mới này bước đầu tháo gỡ được tâm lý đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió - mặt trời tỉnh Bình Thuận cho rằng, chính sách điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phục vụ cho mục đích tự tiêu dùng.

Tuy nhiên, kể cả với hộ gia đình, doanh nghiệp hay công sở, có nhiều thời điểm không sử dụng hết. Do đó, việc huy động nguồn điện dư mang lợi ích cho cả nhà đầu tư lẫn ngành điện.

"Khoản tiền bán điện dư có thể khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, giúp giảm gánh nặng cho ngành điện. Đồng thời, giúp doanh nghiệp có thêm chi phí, hạch toán hóa đơn đầu ra, đầu vào, chứ không xem đây là khoản đầu tư để bán điện sinh lời", ông Thịnh nói.

Ông Nguyễn Xuân Trường, giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu tại Hà Nội cho biết, việc được mua điện dư đã giúp ông "thở phào", khi trước đây Bộ Công thương đề xuất "không mua bán dưới mọi hình thức".

Tính toán lại sản lượng điện dư được thanh toán

Dù phần lớn những chuyên gia, doanh nghiệp được hỏi đều đồng tình với mức giá mua điện, song họ cho rằng cần rõ ràng hơn trong phần sản lượng điện dư được thanh toán.

Thực tế, các doanh nghiệp đều lắp đặt điện mặt trời mái nhà với mục đích đạt các chứng chỉ xanh, giảm phát thải carbon để cạnh tranh về đơn hàng khi xuất khẩu. 

Vì thế việc tự sản tự tiêu gần như là điều đương nhiên, lượng điện dư phát lên lưới cũng không nhiều. Họ sẵn sàng chấp nhận các mức giá và sản lượng được mua.

Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng, cần giải thích rõ ràng hơn đề xuất "được thanh toán 10% sản lượng điện trên tổng sản lượng điện dư phát lên lưới điện quốc gia, được ghi nhận trên hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng".

"Chỉ đạo của Chính phủ là căn cứ vào công suất, còn đề xuất trên căn cứ theo sản lượng. Đề xuất này có thể khiến nhiều người hiểu theo hướng "mua điện ít nhất có thể", vị chuyên gia góp ý.

Với kế hoạch phát triển 2.600 MW điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nối lưới, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá, hệ thống điện của Việt Nam hiện nay đã có quy mô trên 80.000 MW.

Đến năm 2030, sẽ lên tới trên 140.700 MW với sản lượng gần 567 tỷ kWh, nên sẽ không gặp phải vấn đề lớn về mất cân đối.

Với sản lượng điện khoảng 20-30% lượng điện từ công suất 2.600 MW (ước tính khoảng 780 đến 1,17 tỷ kWh) được đưa vào hệ thống cũng không thể làm ảnh hưởng lớn đến vận hành các nguồn điện khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.