Sự tham gia của doanh nghiệp Nhật Idemitsu Kosan mang đến kỳ vọng là cú hích tăng cạnh tranh cho thị trường xăng dầu Việt Nam - Ảnh: Tạ Tôn |
Sự tham gia của doanh nghiệp Nhật Idemitsu Kosan vào thị trường bán lẻ xăng dầu là một cú hích để các doanh nghiệp nội địa phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Song, còn không ít rào cản về thủ tục, tài chính khiến cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng vẫn chỉ là cửa hẹp.
Làn gió mới
Sau màn ra mắt cây xăng đầu tiên tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) khá ấn tượng hồi đầu tháng 10, đại diện Công ty Xăng Idemitsu Q8 (IQ8) (100% vốn đầu tư nước ngoài) của “đại gia” xăng dầu Nhật Bản Idemitsu Kosan cho biết, đang chuẩn bị để tiếp tục mở thêm các trạm mới tại miền Bắc. Theo đó, Idemitsu đã “nhắm” một số vị trí phân phối xăng trên một số quốc lộ lớn có lưu lượng xe qua lại nhiều như: QL1, QL5, QL6...
Hãng nghiên cứu Business Monitor International (BMI) từng đưa ra ước tính tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 4,7% trong 5 năm tới, gấp 3,6 lần so với mức tăng bình quân của thế giới. Một hãng chuyên về phân tích năng lượng Wood Mackenzie cũng dự báo tiêu thụ xăng dầu năm 2020 tại Việt Nam sẽ đạt 22,4 triệu tấn và năm 2025 29,9 triệu tấn. |
Đây là thông tin được nhiều người tiêu dùng quan tâm, chờ đợi. Bởi, cùng với hình ảnh người đứng đầu doanh nghiệp cũng đội ngũ nhân viên đứng cúi đầu chào khách mang đến cảm nhận chuyên nghiệp, tận tụy, Idemitsu còn áp dụng hệ thống phần mềm quản lý tự động, đảm bảo số lượng nhiên liệu chính xác đến 0,01 lít và cung cấp báo cáo chi tiết các giao dịch cho khách hàng; cho phép thanh toán bằng thẻ...
“Thị trường bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn các nhà phân phối nước ngoài, song trong lĩnh vực xăng dầu thì lần đầu tiên xuất hiện một tên tuổi “ngoại”. Không chỉ đầu tư bài bản về hạ tầng, công nghệ, quản lý, doanh nghiệp còn cho thấy chất lượng dịch vụ vượt trội. Có thể nói, đây là làn gió mới thổi vào thị trường bán lẻ xăng dầu - ít nhiều còn dấu ấn bao cấp, độc quyền hiện nay”, chuyên gia giá cả Vũ Đình Ánh nhận xét.
Mặc dù thị trường xăng dầu Việt Nam hiện có 30 đầu mối nhập khẩu, song hệ thống phân phối vẫn chủ yếu nằm trong tay vài doanh nghiệp lớn, trong đó thị phần lớn nhất thuộc về Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex với hơn 5.200 cửa hàng, trạm xăng, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 50%. Kế đến là PV Oil với khoảng 3.000 trạm (gần 24%); Saigon Petro 1.000 trạm (8%)...
Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo thừa nhận, sự xuất hiện của Idemitsu đánh dấu mốc cho thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn. “Song tôi cho rằng, đây cũng là một tin tốt cho lĩnh vực này, bởi nó mở rộng cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng”, ông Bảo nói.
Mở rộng mạng lưới nhiều thách thức
Vậy các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước sẽ phải làm gì để tăng cạnh tranh, duy trì hoặc tăng thị phần? Ông Bùi Ngọc Bảo chia sẻ, không phải đợi đến khi Idemitsu xuất hiện, Petrolimex đã quy hoạch, mở rộng hệ thống phân phối theo hướng đáp ứng chuẩn mực về khoảng cách để khách hàng dễ dàng, thuận tiện mua xăng. Cùng đó, đầu tư công nghệ để cùng một diện tích trạm xăng, sẽ tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, góp phần giảm chi phí, giá thành, giá bán. Ông Bảo cho biết: “Chúng tôi đã và đang triển khai dự án mở cổng thanh toán POS cho các ngân hàng liên kết, hóa đơn điện tử... Gần nhất, chúng tôi cho ra mắt ứng dụng bản đồ cửa hàng xăng dầu Petrolimex, giúp khách hàng tìm kiếm chính xác điểm phân phối, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tránh “lạc” vào các trạm “giả, nhái” thương hiệu của Petrolimex”.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, còn khá sớm để người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn, bởi cơ hội đó phụ thuộc vào khả năng phát triển mạng lưới phân phối của Idemitsu, cũng như bất cứ một doanh nghiệp mới nào khác. Bởi, người tiêu dùng không thể di chuyển quá xa để tìm mua bằng được xăng dầu của một thương hiệu nào đó, dù cho chất lượng dịch vụ tốt đến mấy. Do đó, mạng lưới phân phối rộng, phân bố hợp lý vẫn là ưu thế số 1 đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty xăng dầu cho rằng, không dễ để phát triển nhanh, mạnh mạng lưới phân phối xăng dầu tại Việt Nam bởi thủ tục, điều kiện khá chặt chẽ như: Phù hợp quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo yêu cầu về an toàn, phòng chống cháy nổ... Đi kèm đó, hiệu quả tài chính cũng là một bài toán không đơn giản.
Ông phân tích: Chi phí để đầu tư một trạm xăng dầu có quy mô như Idemitsu, đi kèm một số dịch vụ tiện ích như xu hướng thế giới khoảng 40 tỷ đồng (gần 2 triệu USD). Ngay cả khi trạm xăng này có thể bán ra tối đa 40.000 lít/ngày (sản lượng lớn nhất của trạm xăng lớn nhất tại Việt Nam hiện nay), thì lợi nhuận ròng của trạm này cũng chỉ xấp xỉ 250 triệu đồng/tháng. Nếu trừ đi chi phí lãi vay ngân hàng xấp xỉ 100 triệu đồng/tháng, trạm xăng đó cũng chỉ thu về hơn 100 triệu đồng/tháng. “Với tỷ suất lợi nhuận như vậy, cỡ vài chục năm chưa thu hồi nổi vốn. Do vậy, nếu không có sự thay đổi mạnh về cơ chế quản lý giá bán lẻ, tỷ lệ tiêu thụ xăng dầu/khách hàng, lĩnh vực phân phối xăng dầu sẽ khó thu hút đầu tư, đồng nghĩa khách hàng khó có thêm sự lựa chọn”, ông này nhận định.
Bản thân lãnh đạo IQ8 cũng thừa nhận, để mở một cây xăng cần có sự chuẩn bị cả về tài chính, trang thiết bị cũng như thủ tục hành chính. Do vậy, ông này chưa xác định ngày khai trương cây xăng thứ 2 tại Việt Nam cũng như số lượng điểm phân phối dự kiến tới đây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận