Sau nửa năm điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can trong đường dây mua bán “lốt” xe nông sản mà Báo Giao thông đã có loạt bài điều tra hồi đầu năm nay.
Tình trạng mua bán “lốt” xe diễn ra phổ biến khiến nhiều xe nông sản thối hỏng, phải bán tháo, đổ bỏ tại Lạng Sơn
Mỗi xe vượt chốt giá 260 triệu đồng
Theo kết luận, đầu năm 2022, để kiểm soát xe ô tô chở hàng vào khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị làm thủ tục xuất cảnh, UBND huyện Cao Lộc đã thành lập chốt kiểm dịch y tế liên ngành tại khu trung chuyển hàng hóa Lạng Sơn, thôn Thâm Mò, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc.
Xe ô tô đến khu vực cửa khẩu để làm thủ tục xuất cảnh phải vào chốt kiểm dịch này xếp theo số thứ tự và được cán bộ quản lý bến bãi phát phiếu.
Để xe sớm được đến cửa khẩu, chủ hàng Trung Quốc đã nhờ người quen móc nối với các cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại chốt tìm cách cho xe sớm xuất cảnh.
Từ tháng 12/2021, Đinh Văn Thìn (SN 1979, trú xã Mai Pha, TP Lạng Sơn) là người làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu (nhà xe quen gọi là “nhà luật”- PV) cùng đồng bọn đã móc nối với Lâm Văn Hưởng (SN 1983) và Nông Tuấn Anh (SN 1992) đều là cán bộ Đội Quản lý trật tự đô thị huyện Cao Lộc, đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch để thực hiện hành vi đưa, nhận tiền, thay đổi số thứ tự (đổi đầu xe) để nhiều xe ô tô chở nông sản sớm rời bãi đỗ đến cửa khẩu.
Trong đó, cuối tháng 12/2021, Lê Đức Quỳnh, cán bộ Hải quan Lạng Sơn được chủ hàng người Trung Quốc tên Ali đặt vấn đề tìm cách để xe chở hàng nông sản BKS 65C-050.79 được xuất cảnh sớm.
Quỳnh đã liên hệ với Ngô Xuân Trường, cũng là cán bộ hải quan Lạng Sơn nhờ giúp. Sau đó, Trường liên hệ với Phạm Văn Hoàn, là cán bộ Công an tỉnh Lạng Sơn. Hoàn liên hệ với Thìn, Thìn đã liên hệ với Tuấn Anh để thỏa thuận.
Thìn và Tuấn Anh thỏa thuận chi phí đổi mỗi đầu xe là 50 triệu đồng, Thìn báo lại cho Hoàn là 210 triệu đồng. Hoàn báo lại cho Trường 210 triệu đồng; Trường báo lại cho Quỳnh 250 triệu đồng; Quỳnh báo cho Ali là 260 triệu đồng/xe.
Sau khi thống nhất giá cả, ngày 29/12, Thìn mua phiếu xếp xe số 2393 của ô tô BKS 76C-123.69 với giá 100 triệu đồng rồi thông báo cho Tuấn Anh để giữ lại phiếu và ghi thêm nội dung “đổi đầu xe 65C-050.79” vào phiếu xếp xe này.
Khi xe được vào khu vực làm thủ tục xuất cảnh, Ali đã chuyển cho Quỳnh 260 triệu đồng, sau đó, tiền được chuyển cho các đối tượng theo giá thỏa thuận.
Chi tiết thủ đoạn mua bán, hoán đổi “lốt” xe
Nhóm bị can mua bán "lốt xe" nông sản xuất khẩu bị bắt giữ tại cơ quan công an
Kết quả kiểm tra cho thấy, xe BKS 65C-050.79 vào xếp “lốt” tại chốt kiểm dịch ngày 28/12, được phát phiếu số 3601. Đến ngày 31/12, xe này được vào khu vực chờ xuất cảnh với số phiếu 2393 của xe ô tô BKS 76C-123.69 và xuất cảnh ngày 3/1/2022.
Cơ quan CSĐT xác định xe này đã được rời chốt kiểm dịch sớm hơn dự kiến nhưng không xác định được thời gian cụ thể do không có dữ liệu đối chiếu. Về nguồn tiền, Quỳnh nhận được 260 triệu đồng qua dịch vụ đổi tiền nhân dân tệ, không xác định được của khách hàng nào nên không có cơ sở để tiếp tục điều tra.
Cùng thời gian và phương thức trên, Trường nhờ Hoàn tìm cách đưa xe BKS 14C-186.61 xuất cảnh sớm, Hoàn đã nhờ Thìn, Thìn nhờ Tuấn Anh giúp. Sau đó, Thìn mua phiếu xếp xe của xe BKS 77H-148.81 với giá 100 triệu đồng.
Sau đó, phiếu thứ tự này đã được Tuấn Anh hoán đổi cho xe BKS 14C-186.61. Sau khi xe được vào cửa khẩu, Ali chuyển cho Trường 250 triệu đồng, Trường chuyển thẳng cho Thìn 200 triệu đồng, giữ lại 50 triệu đồng và thỏa thuận chia nhau với Hoàn. Thìn chuyển cho Tuấn Anh 50 triệu đồng, trừ chi phí mua phiếu xe, Thìn được hưởng 50 triệu đồng.
Kết quả điều tra cho thấy, xe BKS 14C-186.61 vào chốt kiểm dịch ngày 25/12, được cấp phiếu 2839. Theo quy định thì đến ngày 3/1 mới được rời chốt. Tuy nhiên, ngày 1/1 xe đã được rời chốt và ngày 3/1 xuất cảnh sang Trung Quốc, sớm hơn 2 ngày so với quy định.
Cơ quan CSĐT xác định, Thìn móc nối với Tuấn Anh thực hiện hành vi đưa, nhận hối lộ cho 4 xe xuất khẩu sớm với tổng số tiền 170 triệu đồng. Ngoài ra, Thìn còn tự móc nối với Lâm Văn Hưởng để thực hiện hành vi đưa, nhận hối lộ, tráo đổi đưa 6 xe nông sản sớm rời bãi đất lên cửa khẩu xuất cảnh với tổng số tiền 206 triệu đồng. Trong đó có số tiền 10 triệu đồng chia cho Tuấn Anh, Hưởng được hưởng lợi 196 triệu đồng; Tuấn Anh hưởng lợi 180 triệu đồng.
Quỳnh đã móc nối với Trường đưa tiền, tạo điều kiện cho 1 xe ô tô rời khỏi bãi. Xe này Thìn đưa cho Tuấn Anh 50 triệu đồng nên Quỳnh được xác định là đồng phạm với Thìn trong việc đưa hối lộ, hưởng lợi 10 triệu đồng.
Trường và Hoàn móc nối với Thìn đưa tiền, tạo điều kiện cho 2 xe chở hàng được sớm đến cửa khẩu. Thìn đưa cho Tuấn Anh 100 triệu đồng nên 2 vị cán bộ công an, hải quan trên phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội đưa hối lộ.
Đối với số tiền này, Quỳnh được hưởng lợi 10 triệu đồng. Ngoài ra, Trường và Hoàn còn móc nối với Thìn đưa 100 triệu đồng để tạo điều kiện cho 2 xe ô tô chở hàng được sớm rời chốt nên giữ vai trò đồng phạm đưa hối lộ số tiền trên.
Vụ việc này, Trường được hưởng 90 triệu đồng, Hoàn chưa được hưởng lợi do chưa được Trường chia tiền như thỏa thuận.
Hàng chục xe vượt “lốt” không có dữ liệu đối chiếu
Tình trạng nông sản ùn ứ, ách tắc khiến "luật ngầm" tăng cao tại cửa khẩu Lạng Sơn thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022
Ngoài việc mua, bán “lốt” xe BKS 65C-050.79, qua kiểm tra tin nhắn zalo của Quỳnh, phát hiện nội dung tin nhắn với tài khoản “Em Chức vc” liên quan đến phiếu xếp xe và thông tin của 8 xe ô tô khác.
Cơ quan CSĐT đã làm việc với Đội Quản lý trật tự đô thị huyện Cao Lộc và Trạm biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, xác định có 2 xe vào cửa khẩu đúng ngày, 6 xe khác không có dữ liệu.
Quỳnh khai được chủ hàng Ali nhờ đưa xe qua Trung Quốc sớm, sau đó Quỳnh nhờ Chức thực hiện nhưng sau đó không xe nào được đi sớm. Hay như, kiểm tra điện thoại của Thìn, cảnh sát phát hiện tin nhắn giữa Thìn và Hoàn có nội dung liên quan đến 4 xe ô tô gồm: 63H-003.52, 77H-004.63, 51D-103.31, 77D-9995.
Dữ liệu lưu giữ tại chốt kiểm dịch và biên phòng cửa khẩu cho thấy xe BKS 63H-003.52 không có dữ liệu, sau đó xin quay đầu; các xe còn lại xuất cảnh đúng ngày. Ngoài ra, kiểm tra tin nhắn giữa Tuấn Anh và Thìn cho thấy có 3 xe ô tô khác nhưng các phương tiện này đều không có dữ liệu hoặc chưa đăng ký xuất cảnh.
Quá trình điều tra cũng phát hiện việc các xe container nghi thùng rỗng, không chở hàng cố tình vào chốt xếp “lốt” đến cửa khẩu để bán lại “lốt” xe để kiếm lời như dư luận phản ánh. Tuy nhiên do các xe này đều đã niêm phong, kẹp trì, các cán bộ liên quan tại chốt không được phép kiểm tra hàng hóa bên trong nên không có căn cứ để xử lý người có liên quan.
Đối với những trường hợp xe nông sản đang xếp “lốt” đến cửa khẩu, với lý do hàng hỏng nên đã thỏa thuận, mua bán “lốt xe”, tráo đổi đầu xe với phương tiện khác với giá vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng, Cơ quan CSĐT xác định đây là thỏa thuận dân sự nên không điều tra, xử lý.
Một điều tra viên trực tiếp tham gia vụ án chia sẻ, trong vụ việc này, 3 cán bộ hải quan và công an có hành vi nhận tiền, hưởng lợi nhưng chỉ được xác định là đồng phạm đưa hối lộ. Nguyên nhân do những người này không giữ các vị trí chủ chốt, không có quyền quyết định đến việc tráo đổi “lốt” xe xuất khẩu nên hành vi không cấu thành tội nhận hối lộ.
Cuối năm 2021, đầu năm 2022, trong lúc khoảng 5 nghìn xe nông sản đang ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, PV Báo Giao thông đã nhận được thông tin phản ánh về tình trạng mua, bán “lốt” xe nông sản xuất khẩu.
Tình trạng này đã gây bức xúc lớn vì trong khi nhiều xe đã nằm bãi chờ đợi cả tháng trời, đối diện nguy cơ hàng thối, hỏng, đổ bỏ thì nhiều xe nông sản lại được vượt “lốt”... Sau khi Báo Giao thông đăng tải loạt bài điều tra: “Chi trăm triệu mua, bán “lốt” xe xuất khẩu tại Lạng Sơn”, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Công an tỉnh này vào cuộc điều tra, xử lý.
Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hàng loạt cán bộ hải quan, công an và cán bộ Đội Quản lý trật tự đô thị huyện Cao Lộc, Lạng Sơn và người có liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận