Xã hội

Hành trình vạch trần "luật ngầm" nơi cửa khẩu

20/06/2022, 12:30

Để thực hiện loạt bài điều tra về “luật ngầm” cửa khẩu tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, nhóm PV mất hàng tháng trời thâm nhập, đeo bám.

Có tuần, PV phải di chuyển hơn 5.000km, thường xuyên nhịn đói để bám theo các tài xế xe xuất khẩu nông sản qua biên giới.

Từ cuộc gọi của tài xế chở thanh long xuất khẩu

Những ngày đầu năm 2022, đúng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, chúng tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại cầu cứu của lái xe đường dài đang chờ xuất khẩu nông sản tại biên giới Lạng Sơn.

Hầu hết các tài xế đều phản ánh tại các cửa khẩu từ lâu đã tồn tại nhiều loại “luật ngầm” bất thành văn. Muốn xuất khẩu nông sản sang biên giới, tài xế, chủ hàng phải chấp nhận chung chi khoản tiền lớn cho “nhà luật” (một dạng cò môi giới thủ tục).

img

Loạt bài điều tra về "luật ngầm" cửa khẩu tại Lạng Sơn, Quảng Ninh đăng tải trên Báo Giao thông

Trong đó, cuộc điện thoại của tài xế tên N.V.B. khiến tôi trăn trở, day dứt nhất. Anh B. cho biết, bản thân đã xếp “lốt” hơn 1 tháng để chờ xuất khẩu thanh long sang Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. Chỉ vì chủ hàng không chịu chung chi 300 triệu đồng/chuyến, xe thanh long của anh không được đến cửa khẩu, hàng hóa bị hư hỏng, thua lỗ lớn.

Thậm chí, sau khi xuất hàng, đưa xe không về nội địa, tài xế này còn nhận được đề nghị hấp dẫn của “nhà luật”: Chỉ cần đưa xe không vào bãi chờ xếp “lốt”, sau đó hoán đổi vị trí cho xe khác lên cửa khẩu là sẽ được trả công 24 triệu đồng/3 ngày...

Từ những thông tin trên, bằng chứng xác thực do các tài xế cung cấp, chúng tôi đã lên đường đến Lạng Sơn. Trong suốt những ngày tác nghiệp ở đây, chúng tôi đã liên tục vào vai lái xe, chủ hàng cần móc nối xuất khẩu nông sản qua biên giới.

Trước mắt chúng tôi là cảnh hàng nghìn lái xe đang ăn, ở vạ vật tại các bãi chờ lên cửa khẩu. Cùng đó, là những cuộc ngã giá, “làm luật” khi muốn đưa xe nông sản xuất khẩu qua biên giới. Từ đó, phương thức hoạt động và các đường dây “làm luật” đã dần lộ diện, được phơi bày trên mặt báo.

Đường dây “làm luật” lộ diện

Trong những ngày bám biên giới, thâm nhập các đường dây mua, bán “lốt” xe, “làm luật” tài xế xuất khẩu nông sản tại Lạng Sơn, chúng tôi đối diện với không ít khó khăn.

Loạt bài phản ánh của Báo Giao thông về tình trạng “luật ngầm”, mua bán “lốt” xe xuất khẩu tại biên giới Lạng Sơn và Quảng Ninh đã được dư luận đánh giá cao. Sau đó, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý triệt để. UBND các tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn cũng yêu cầu triển khai hàng loạt giải pháp giúp minh bạch, công khai hoạt động, dịch vụ tại các cửa khẩu.
Nhờ đó, đến nay, tình trạng chèn ép, buộc lái xe phải chung chi số tiền lớn khi làm thủ tục xuất khẩu nông sản, hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc đã cơ bản được dẹp bỏ, góp phần vơi bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.


Bên cạnh việc tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, chúng tôi còn phải đối mặt với những “trùm” vùng biên có tiếng, có nguy cơ bị phát hiện, ngăn cản, thậm chí bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng bất cứ lúc nào.

Cũng do dịch bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, hàng quán đều đóng cửa, nhiều thời điểm nhóm PV phải chấp nhận nhịn đói, ngủ tạm trên xe để bám theo các đối tượng.

Ngày 12/1, bài “Điều tra: Cắn răng chi trăm triệu mua “lốt” xuất nông sản qua cửa khẩu” được đăng tải trên Báo Giao thông với những thông tin, bằng chứng xác thực về những cuộc ngã giá, chèn ép lái xe, thậm chí là bảng kê, sao kê các khoản “tiền luật” được chính các “nhà luật” xác nhận.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo, Công an tỉnh Lạng Sơn vào cuộc điều tra. Ngày 14/1, Công an tỉnh bắt giữ, khởi tố 3 bị can về tội đưa, nhận hối lộ liên quan đến việc mua, bán “lốt” xe nông sản qua cửa khẩu với giá 300 triệu đồng/chuyến.

Đáng chú ý, trong số này có 2 cán bộ đang công tác tại Đội Quản lý trật tự, giao thông, đô thị huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.

Mở rộng điều tra, Cơ quan công an tiếp tục bắt giữ một số người nguyên là cán bộ Công an tỉnh Lạng Sơn và Cục Hải quan Lạng Sơn có liên quan trực tiếp trong đường dây này.

Sau đó, hàng loạt những bất cập liên quan đến việc “nhà luật” chèn ép tài xế, tự ý thu tiền “luật” giá cao khi xuất khẩu nông sản của “nhà luật” đã được Báo Giao thông kịp thời phản ánh.

Từ nguồn tư liệu Báo Giao thông cung cấp, UBND tỉnh Lạng Sơn và Công an tỉnh Lạng Sơn đã làm rõ, chỉ đạo khắc phục những lỗ hổng trong thực hiện thủ tục thông quan, áp dụng cửa khẩu số trong thực hiện thủ tục hải quan; thanh lọc lực lượng, làm trong sạch đội ngũ đại lý hải quan, lái xe chuyên trách (tài bo - PV) tại cửa khẩu.

1 tuần đi hơn 5.000km theo dấu “nhà luật”

img

Hàng nghìn xe xếp “lốt” xuất khẩu và giấy biên nhận tiền luật tại Lạng Sơn

Giữa lúc loạt bài phản ánh “luật ngầm”, mua bán “lốt” xe tại biên giới Lạng Sơn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, chúng tôi bất ngờ nhận được điện thoại cầu cứu của lái xe đường dài đang bị “nhà luật” chèn ép tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh. Ngay trong đêm chúng tôi đã vượt hơn 400km đến Móng Cái tìm hiểu thực tế.

Sau đó, chân dung “nhà luật” lợi dụng việc người thân đang công tác tại lực lượng chức năng ở Móng Cái, tự ý giữ xe tại biên giới đòi “tiền luật” với giá trên trời khiến lái xe đường dài bức xúc, rơi vào cảnh vạ vật cả tháng trời tại cửa khẩu, đã được làm rõ.

Cùng đó, tình trạng “nhà luật” lợi dụng đội ngũ tài bo tại Cửa khẩu Bắc Luân 2 để chèn ép, buộc lái xe đường dài phải chung chi số tiền lớn khi xuất khẩu nông sản cũng được Báo Giao thông phản ánh.

Từ những bài viết chân thực, cùng chứng cứ xác thực được PV cung cấp, UBND TP Móng Cái đã vào cuộc kiểm tra, “giải cứu” thành công tài xế đường dài đang bị nhà luật chèn ép tại cửa khẩu. Đồng thời, chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong xếp “lốt” xe xuất, nhập khẩu; giải tán đội ngũ tài bo, giao cho doanh nghiệp quản lý tập trung, bảo đảm công khai, minh bạch.

Thời điểm thực hiện loạt bài trên đúng vào tuần áp Tết Nguyên đán 2022, trong lúc người người, nhà nhà đang đi sắm Tết, chúng tôi lại phải thường xuyên di chuyển giữa các cửa khẩu tại Lạng Sơn và Móng Cái để theo dấu, lật tẩy những “nhà luật”, đường dây chèn ép lái xe đường dài.

Chỉ trong 1 tuần trước Tết, khi đưa xe ô tô đến xưởng bảo dưỡng, anh thợ sửa xe cũng phải giật mình khi thấy chỉ trong 1 tuần, chúng tôi đã di chuyển hơn 5.000km, phải 2 lần đưa xe đến bảo dưỡng, thay dầu.

Quá trình thực hiện loạt bài điều tra, chúng tôi nhận được không ít tin nhắn, cuộc gọi mang tính chất đe dọa, khủng bổ.

Tuy nhiên, với bản lĩnh của người cầm bút, chúng tôi vẫn tâm niệm rằng, dù có chuyện gì xảy ra, chúng tôi vẫn sẽ làm đến cùng, làm đúng với lương tâm, trách nhiệm của mình.

Mục tiêu cuối cùng là đưa “luật ngầm” biên giới ra ánh sáng, giúp nông sản tiêu thụ thuận lợi, góp phần vơi bớt khó khăn cho lái xe, doanh nghiệp vận tải, chủ hàng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Dịp Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, anh Đào Thiện Đông, chủ xe từ TP.HCM đã tìm đến nhà PV để chúc Tết. Anh Đông cho biết, tài xế bị “nhà luật” giữ xe hơn 1 tháng, ép đưa hơn 100 triệu đồng tiền luật tại Móng Cái trong loạt bài của Báo Giao thông chính là bố của anh.

Thời điểm xảy ra vụ việc trên gia đình rất lo lắng, sợ ảnh hưởng đến tính mạng. Khi đọc được loạt bài “luật ngầm” vùng biên tại Lạng Sơn, anh đã cầu cứu đến Báo Giao thông. “Khi báo phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc, tài xế và phương tiện đã trở về an toàn vào đúng ngày cận Tết nên gia đình rất vui và biết ơn Báo Giao thông đã vào cuộc giúp đỡ”, anh Đông chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.