ST25 đạt giải "gạo ngon nhất thế giới" năm 2019.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về việc "Nhà nước bỏ ra bao nhiêu tiền để mua bản quyền giống lúa ST25 từ kỹ sư Hồ Quang Cua", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến chia sẻ: Để định giá mua bản quyền giống lúa ST25 thì cần bàn bạc rất kỹ lưỡng, có căn cứ các bên. Do đó, sẽ có hội đồng tư vấn để giúp Bộ thực hiện việc này.
Theo Thứ trưởng Tiến, dù đây là vụ mua bán chưa có tiền lệ về chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ từ cá nhân cho cơ quan quản lý nhà nước, nhưng văn bản quy phạm pháp luật trong việc này đã có rồi. Chúng ta có thể lấy đó là một trong những căn cứ để hình thành nên mức giá.
Cụ thể, như Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Chuyển giao Công nghệ và các văn bản liên quan đã được khẳng định rất rõ về trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi của tác giả.
Theo đó, tối thiểu tác giả sẽ nhận được không dưới 30% giá trị làm lợi của công trình và dựa trên căn cứ kinh phí triển khai đề tài…
“Căn cứ pháp lý và kiến nghị của ông Cua, Bộ đã giao cho Cục Trồng trọt liên hệ và cũng đang chờ văn bản chính thức từ phía đơn vị này về việc nhượng bản quyền giống lúa ST25 cho Bộ NN&PTNT”, ông Tiến nói.
Thứ trưởng Tiến cho biết, hiện chỉ mới là nguyện vọng của ông Hồ Quang Cua, Bộ cũng đã tính toán nguồn. Còn cụ thể mua như thế nào, trả bao nhiêu tiền còn là câu chuyện cần tính toán ở cả 2 bên.
Trong khi đó, Luật sư Trần Hải Đức, trưởng VPLS Trần Hải Đức cho rằng, trường hợp một công dân thỏa thuận hoặc hiến tặng tài sản cho nhà nước thì theo quy định của Bộ Luật dân sự và quản lý tài sản công thì việc này hoàn toàn phù hợp và đúng quy định của pháp luật.
Còn việc định giá phải dựa vào thỏa thuận của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng.
Trả lời câu hỏi của PV về việc “dựa vào đâu để định giá mua bản quyền giống lúa ST25”, vị Luật sự cho rằng, không có một mốc tiền nào được đưa ra cho việc sở hữu tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, đơn vị mua và bán có thế ước lượng được tài sản quá khứ và tương lại của thương hiệu đó để đưa ra con số "xứng đáng".
Chẳng hạn, chặng thời gian từ quá trình nghiên cứu cho đến khi có kết quả, chi phí hết bao nhiều thì hoàn toàn có thể tính được.
Bên cạnh đó, thời gian bảo hộ kéo dài 20 năm. Tức là, tính được giá trị thương mại mỗi năm, sau đó tính được giá trị của những năm tương lại và tổng giá trị có được cho đến khi hết giá trị bảo hộ.
"Nhưng theo tôi, ST25 đã được giải “gạo ngon nhất thế giới”, đó là giá trị vật chất và tinh thần rất lớn không riêng gì bản thân ông Cua mà còn cả dân tộc. Do đó, để đưa ra con số rất khó.
Chúng ta cùng dễ thấy, khi ST25 thuộc sở hữu của Quốc gia sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho nhà nước. Khi đó, với nguồn lực lớn, chúng ta sẽ tạo thành một thương hiệu Quốc gia chưa từng có về giống lúa. Từ đó, xuất khẩu gạo mang thương hiệu quốc gia. Vừa nâng tầm vị thế nông nghiệp đất nước, vừa tăng trưởng trong xuất khẩu đối với sản phẩm này".
Một chuyên gia sở hữu trí tuệ của Công ty Luật Trí Tâm cho rằng, có rất nhiều phương pháp được sử dụng để đánh giá giá trị của thương hiệu nhưng phổ biến vẫn là nghiên cứu ước lượng tài sản thương hiệu.
Việc này được định giá bằng cách xác định thu nhập trong tương lai có thể kiếm được nhờ thương hiệu, sau đó qui số tiền này về giá trị hiện tại bằng cách sử dụng lãi suất chiết khấu (lãi suất chiết khấu phản ánh mức độ rủi ro của số tiền lãi trong tương lai).
"Ở khía cạnh tài chính, giá trị thương hiệu chính là giá trị qui về hiện tại của thu nhập mong đợi trong tương lai có được nhờ thương hiệu", vị này nói.
Theo Bộ Công thương, vì đây là việc chưa có tiền lệ, nên việc nhà nước bỏ tiền ra mua lại quyền sở hữu một loại giống cũng cần phải có tiêu chí rõ ràng. Bởi ở Việt Nam có tới 800.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi doanh nghiệp lại có tới hàng chục sản phẩm, chưa tính đến việc quản lý, sử dụng các quyền bảo hộ đó ra sao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận