Tên lửa S-400 |
Cuộc tập trận hải quân chung gần đây của Nga và Trung Quốc ở Biển Baltic làm NATO cực kỳ lo lắng, trang Sputnik News dẫn nhận định từ tờ Asia Times cho hay.
Trong chuyến thăm Phần Lan ngày 27/7 trùng với thời điểm kết thúc diễn tập ở biển Baltic, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố hoạt động quân sự Nga-Trung Quốc không nhằm chống lại bất kỳ nước thứ ba, ông cũng lưu ý Moscow và Bắc Kinh không định hình thành các khối hay liên minh quân sự.
Theo tác giả bài viết, ông Putin hoàn toàn đúng: Nga và Trung Quốc không là các đồng minh quân sự và bằng chứng rõ nhất là doanh số Nga bán vũ khí cho các nước ở châu Á.
Lợi ích của loạt các nước ở khu vực Biển Đông chồng chéo với lợi ích của Bắc Kinh. Những nước này hiện là khách hàng quan trọng của các doanh nghiệp quốc phòng Nga.
Theo bài báo, năm ngoái Hải quân Việt Nam đã đưa vào khai thác sáu tàu ngầm do Nga sản xuất được thiết kế cho hoạt động trong vùng nước nông chống tàu ngầm và tàu nổi của đối phương.
Bên cạnh đó, dự kiến vào cuối năm nay Nga sẽ bàn giao cho Việt Nam thêm hai tàu khu trục Gepard. Trước đó, Moscow đã chuyển cho phía Hà Nội các thuyền tốc độ cao lớp Svelyak và các tàu hộ tống lớp "Tarantul".
Ngay trong tháng qua, Việt Nam đặt mua 64 xe tăng và đang thảo luận với Nga mua các hệ thống phòng không S-400 Triumph. Nga còn chào hàng Việt Nam máy bay chiến đấu MiG-35 để thay thế MiG-21.
Malaysia, Philippines và Indonesia cũng phát triển hợp tác quốc phòng với Nga, Asia Times nói. Trong tháng Bảy, Moscow ký với Kuala Lumpur hợp đồng hiện đại hóa các máy bay chiến đấu MiG-29 của Không quân Malaysia.
Máy bay MiG-29 |
Philippines hiện chưa mua vũ khí của Nga nhưng hy vọng Kremlin sẽ đồng ý với hợp đồng cho vay trong tương lai.
Khác Malaysia và Philippines, nhìn chung Indonesia duy trì lập trường khiêm tốn ở Biển Đông, nhưng những kỳ vọng của Trung Quốc liên quan vùng biển xung quanh quần đảo Indonesia cũng làm Jakarta quan ngại và hướng tới Nga với đề nghị cải thiện tiềm năng phòng thủ.
Đặc biệt, Indonesia sẽ mua 11 máy bay chiến đấu Su-35 và có khả năng sẽ mua tàu ngầm diesel ít tiếng ồn đề án Varshavyanka.
Ấn Độ là khách chủ yếu mua vũ khí Nga trong điều kiện những căng thẳng liên tục giữa Bắc Kinh và New Delhi, tờ báo viết. Năm ngoái, nước này bắt đầu đàm phán với Nga về 5 tổ hợp S-400. New Delhi cũng có kế hoạch mua bốn tàu khu trục như "Đô đốc Grigorovich" và muốn cùng với phía Nga sản xuất máy bay trực thăng loại nhẹ "Kamov" Ka-226T.
Nga và Ấn Độ còn cùng thiết kế các hệ thống vũ khí tiên tiến, chẳng hạn như tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm "BrahMos".
Asia Times chỉ ra một nghịch lý là Hoa Kỳ và Nga trở thành "anh em" trong việc bán vũ khí cho các đối thủ tiềm năng của Bắc Kinh. Trong khi quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga tồn tại chính vì sự khó chịu với việc Mỹ can thiệp vào khu vực ảnh hưởng địa chính trị của Nga và Trung Quốc, tác giả cho biết.
Trong những điều kiện như vậy, Trung Quốc muốn chứng tỏ họ đánh giá tình hình dưới góc độ tích cực. Có lẽ, Bắc Kinh tin rằng việc Nga bán vũ khí cho Ấn Độ và Đông Nam Á không làm thay đổi cán cân quân sự tại khu vực Himalaya và Biển Đông. Điện Kremlin cũng sử dụng lập luận tương tự để biện minh cho việc cung cấp vũ khí sang các nước có mâu thuẫn với Trung Quốc.
Có thể Bắc Kinh đang hành động sai lầm, tác giả nêu giả định. Quan hệ giữa Moscow và Washington hiện đạt đến một mức độ khá nguy hiểm, nhưng sự ganh đua của hai cường quốc triển khai các hệ thống vũ khí ở Ấn Độ và Đông Nam Á đều bằng cách nào đó làm suy yếu vị thế của Trung Quốc, Asia Times kết luận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận