Malaysia thông qua đạo luật để hợp pháp hóa dịch vụ gọi xe qua ứng dụng điện thoại |
Malaysia là một trong số ít các nước tại khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng hợp pháp hóa dịch vụ đặt xe qua điện thoại và có những quy định cụ thể để quản lý, giải quyết mâu thuẫn nảy sinh vào giai đoạn đầu giữa hình thức đặt xe mới và taxi truyền thống.
Hợp pháp hóa dịch vụ đặt xe qua điện thoại
Malaysia chính thức hợp pháp hóa các dịch vụ đặt xe qua điện thoại như Uber, Grab từ cuối tháng 7 vừa rồi sau khi 2 dự luật sửa đổi bổ sung về Luật Giao thông công cộng đường bộ và Luật Cấp giấy phép cho phương tiện thương mại (CVLB) được Quốc hội Malaysia thông qua. Theo đó, Ủy ban Giao thông công cộng đường bộ Malaysia (SPAD) được phép ra quy định để quản lý dịch vụ đặt xe qua điện thoại di động như yêu cầu giấy phép kinh doanh trung gian, lắp đặt các biện pháp an toàn trên xe, quản lý chất lượng dịch vụ.
Trước hết, để có thể khai thác dịch vụ gọi xe, các nhà khai thác như Uber, Grab... phải được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh trung gian. SPAD sẽ là cơ quan giám sát việc đổi/cấp mới, thu hồi hoặc đình chỉ giấy phép, cấm chuyển nhượng giấy phép. SPAD cũng quy định nội dung, hình thức của thỏa thuận hoặc sắp xếp thuê-mua giữa các nhà khai thác dịch vụ có giấy phép và tài xế hợp tác.
Về vấn đề an toàn, với tiêu chí an toàn là trên hết, SPAD phối hợp cùng cảnh sát, Cục Đường bộ Malaysia (RTD) giám sát chặt chẽ các vi phạm kỷ luật của tài xế tham gia dịch vụ. Giám đốc điều hành SPAD, ông Mohd Azharuddin Mat Sah cho biết, nếu tài xế nhiều lần bị phạt vì vượt tốc độ, đồng nghĩa hành vi của người này khi tham gia giao thông chưa đứng đắn và có thể sẽ thu hồi và từ chối cấp lại giấy phép hoạt động cho những đối tượng này.
Một quy định quan trọng khác liên quan tới vấn đề an toàn đó là bắt buộc các xe hợp tác với dịch vụ đặt xe qua điện thoại phải cài đặt nút bấm khẩn cấp (SOS button) trên xe để hành khách/tài xế có thể bấm kêu cứu trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, hành khách và cộng đồng có thể khiếu nại, phàn nàn hoặc đóng góp ý kiến về các dịch vụ đặt xe qua điện thoại cho SPAD.
Với tài xế hợp tác với Uber, Grab… Malaysia quy định mỗi tài xế phải có một “Thẻ tài xế số” chứa đầy đủ các thông tin chi tiết về họ. Để có thẻ này, tài xế hợp tác phải có bằng lái xe theo tiêu chuẩn cơ bản (CDL), tham gia đào tạo định hướng dịch vụ khách hàng, vượt qua yêu cầu kiểm tra sức khoẻ, không có tiền án tiền sự… Tài xế cũng phải đưa xe đi kiểm định định kỳ 3 năm 1 lần kể từ ngày đăng ký với Cục Đường bộ Malaysia (RTD).
Kêu gọi taxi truyền thống mở lòng với công nghệ mới
Quy định quản lý dịch vụ đặt xe qua điện thoại như Uber, Grab được đưa ra trong bối cảnh 2 hãng này đang tăng cường đầu tư vào khu vực Đông Nam Á - nơi có lực lượng dân số trẻ, linh hoạt với công nghệ.
Trong đó, Grab dự định gọi vốn khoảng 2,5 tỉ USD nhằm mở rộng hoạt động để dẫn trước Uber tại khu vực này. Ngoài ra, với những quy định quản lý chặt chẽ, rõ ràng, Malaysia có thể chủ động giải quyết mâu thuẫn, bức xúc của các tài xế taxi truyền thống với dịch vụ đặt xe qua phần mềm. Năm ngoái, các hiệp hội tài xế taxi truyền thống đã thực hiện nhiều cuộc biểu tình rầm rộ, chỉ trích dịch vụ Uber, Grab, cáo buộc họ cướp đi nguồn sống của họ và cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, không chỉ siết chặt quy định với dịch vụ đặt xe qua ứng dụng điện thoại, Chính phủ Malaysai cũng khuyến khích các tài xế taxi sử dụng ứng dụng đặt xe để nâng cao chất lượng dịch vụ. Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Nancy Shukri cho biết, hiện nay, chỉ có 14.000 tài xế taxi đăng ký sử dụng công nghệ gọi xe ứng dụng điện thoại.
Theo bà Nancy Shukri, “những thách thức mà Chính phủ đang đối mặt khi khuyến khích tài xế taxi sử dụng công nghệ gọi xe qua ứng dụng điện thoại là bản thân các tài xế taxi không ưa công nghệ thông tin vì tuổi tác cao và họ coi tài xế taxi sử dụng nền tảng công nghệ mới là đối thủ”. Bà Nancy Shukri cho rằng, các tài xế taxi nên sử dụng nền tảng ứng dụng gọi xe để nhận được những lợi ích như cải thiện chất lượng dịch vụ, thu nhập hơn là coi sự phát triển này như địch thủ đối với hình thức dịch vụ truyền thống.
Ngoài tăng cường vận động tuyên truyền giải thích lợi ích của công nghệ gọi xe, Chính phủ Malaysia còn thực hiện nhiều chương trình để đảm bảo phúc lợi cho tài xế taxi, thực hiện Chương trình Chuyển đổi ngành công nghiệp taxi để cải thiện chất lượng dịch vụ taxi và đảm bảo an toàn cho tài xế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận