Ngày 5/7, tờ The Telegraph đăng tải bài viết của phóng viên chuyên về mảng đối ngoại Ronald Oliphant với tiêu đề “Ukraine cần có một chiến thắng trước mùa thu để làm lắng dịu những hoài nghi từ phương Tây”.
Trong đó, phóng viên Anh cho rằng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang dần cạn kiệt thời gian để kêu gọi ủng hộ vì một số người cho rằng xung đột giữa Ukraine với Nga là vô nghĩa.
Nếu Ukraine không giành được một chiến thắng nào đó trong mùa Hè, thì từ mùa Thu năm 2022, lãnh đạo các quốc gia phương Tây sẽ bắt đầu giảm bớt sự ủng hộ đối với nước này.
Từ đầu chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đến nay, Mỹ và các nước phương Tây liên tục hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Ukraine một cách cẩn trọng để tránh châm ngòi Thế chiến thứ III. Ảnh - The Conversation
Phóng viên Oliphant nhấn mạnh rằng "chiến thắng của Ukraine sẽ được coi là sự khẳng định đối với chính sách" mà các nhà lãnh đạo Ba Lan, Anh và Mỹ đang ủng hộ.
Bởi hiện nay đã có nhiều chính trị gia có ảnh hưởng ở Berlin, Paris, thậm chí ở Washington đều hoài nghi “sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine là vô ích”.
Ông Oliphant cho rằng, để lấy lại niềm tin của phương Tây, các lực lượng vũ trang Ukraine cần giành lại Kherson, vốn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng vũ trang Nga kể từ những ngày đầu tiên Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tuy nhiên, điều này thực tế là "bất khả thi", do quân đội Ukraine đã chịu quá nhiều tổn thất ở Donbass – miền Đông Nam Ukraine.
Trước đó, nhà báo Gian Mikalessin, phụ trách chuyên mục tờ Il Giornale của Italy, cũng cho rằng để tránh một cuộc khủng hoảng toàn cầu, phương Tây cần phải ngừng hỗ trợ Kiev.
Trong một diễn biến khác, ngày 5/7, Phó Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mircea Geoana trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP cũng ca ngợi sự hỗ trợ của các thành viên trong khối và các nước đồng minh với NATO đối với Ukraine.
Phó Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mircea Geoana. Ảnh - NATO
Song, ông Geoana thừa nhận có nhiều quan ngại về khả năng duy trì "dòng chảy" vũ khí, đạn dược hỗ trợ cho Ukraine.
"Dù việc trao đổi thông tin về nhu cầu vũ khí với Ukraine hiện nay rất tốt. Nhưng dĩ nhiên đã có vấn đề trong kho dự trữ của các nước đồng minh. Kho vũ khí quân sự tại các nước châu Âu là có giới hạn, nhiều nước thiếu năng lực để nhanh chóng tăng cường sản xuất vũ khí trong thời gian dài" - ông Geoana nói.
Các nhà sản xuất vũ khí đã nỗ lực thúc đẩy năng suất, sáng tạo, và cho đến nay đang hoạt động rất tốt – ông Geoana nói và nhắc lại rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhiều lần tuyên bố quyết tâm hỗ trợ Ukraine trong suốt thời gian qua.
Điển hình như tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington và các đồng minh sẽ hỗ trợ Ukraine "lâu nhất có thể".
Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc Tổng thống Biden nêu rõ: "Chúng tôi sẽ sát cánh với Ukraine và tất cả liên minh sẽ sát cánh với Ukraine, lâu nhất có thể”.
Chỉ sau đó 1 ngày, nhà lãnh đạo Mỹ đã công bố quyết định hỗ trợ số vũ khí mới trị giá 800 triệu USD cho Ukraine.
Tuy nhiên, hãng tin AFP nhận định rằng, trước tình hình xung đột kéo dài gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế, tạo áp lực mạnh tới các thị trường năng lượng, thực phẩm và tài chính, nhiều chuyên gia quan sát cảnh báo các lãnh đạo phương Tây sẽ đối mặt với làn sóng dư luận dâng trào và hạn chế về kinh phí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận