Đường bộ

Báo cáo Chính phủ đầu tư 3 nhóm công trình kết nối với cao tốc

21/12/2024, 09:40

Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát đầu tư hệ thống giao thông kết nối với đường cao tốc.

Gần 160 đề xuất kết nối cao tốc

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về rà soát kết nối các tuyến cao tốc.

Theo đó, trong số 158 đề xuất của 54 địa phương, có 67 đề xuất liên quan đến nút giao, 91 đề xuất liên quan đến tuyến kết nối.

Báo cáo Chính phủ đầu tư 3 nhóm công trình kết nối với cao tốc- Ảnh 1.

Một nút giao trên tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Các đề xuất được phân loại thành 3 nhóm. Nhóm 1 có 22 đề xuất các kết nối đang chuẩn bị đầu tư hoặc đang được triển khai xây dựng.

Đối với các đề xuất nhóm này, Bộ GTVT cho biết các kết nối đã được Bộ GTVT, địa phương chuẩn bị đầu tư, bố trí nguồn vốn để triển khai, một số kết nối đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Các kết nối chủ yếu thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Một số nút giao đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, triển khai như nút giao Túy Loan trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nút giao trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thuộc dự án thành phần 1 của tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, nút giao trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thuộc dự án thành phần 3 của tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Nhóm thứ 2 có 23 đề xuất là các nút giao, đường kết nối cần ưu tiên sớm đầu tư để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao hiệu quả đầu tư của đường cao tốc.

Các kết nối này chủ yếu thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tổng nhu cầu vốn khoảng 5.410 tỷ đồng.

Về nguồn vốn đầu tư nhóm này, Bộ GTVT cho biết, ngày 6/5/2024 Bộ đã có kiến nghị bố trí vốn từ nguồn tăng thu Ngân sách Trung ương hằng năm, nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, việc bố trí vốn từ các nguồn vốn nêu trên là hết sức khó khăn.

Ngoài ra, các đề xuất đầu tư cơ bản nằm ngoài danh mục dự án đầu tư công trung hạn, trong khi việc bổ sung dự án, bố trí vốn và công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài, khó có thể triển khai đầu tư trong năm 2025. Vì vậy, nên xem xét, ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Nhóm 3 có 113 đề xuất kết nối được xem xét, nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn tiếp theo. Các đề xuất này chủ yếu liên quan đến việc đầu tư hoàn thiện nút giao, bổ sung các nút giao, mở rộng hoặc đầu tư mới các tuyến kết nối, trong đó liên quan đến các tuyến cao tốc đang khai thác, các tuyến đang thi công xây dựng và các tuyến đang được chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công năm 2025.

Các đề xuất này chưa cấp thiết so với các đề xuất tại nhóm 2, cần được nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết kế cụ thể trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực làm cơ sở đầu tư trong các giai đoạn tiếp theo.

Ưu tiên đầu tư kết nối với cao tốc đã khai thác

Theo Bộ GTVT đến nay đã có 2.021km được đưa vào khai thác khai thác, đang thi công khoảng 1.700km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 1.300km, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000km và đến năm 2030 có trên 5.000km.

Khẳng định sự cần thiết đầu tư hệ thống kết nối với đường cao tốc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương, tuy nhiên Bộ GTVT cho biết, do nguồn lực còn khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư hoàn thiện kết nối đường cao tốc rất lớn. Thống kê sơ bộ khoảng 181.240 tỷ. Vì vậy, cần có giải pháp đầu tư hợp lý, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư bảo đảm đồng bộ với các tuyến cao tốc, nhất là các tuyến sắp đưa vào khai thác.

Từ đây, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và 11 địa phương (Yên Bái, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng) đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, sớm đưa vào khai thác đối với các nút giao, tuyến kết nối đang được chuẩn bị đầu tư hoặc đang triển khai xây dựng.

Đối với các kết nối còn lại, Bộ GTVT và các địa phương thuộc thẩm quyền đầu tư của mình rà soát, ưu tiên bố trí vốn đầu tư các kết nối (thuộc nhóm 2) trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá sự cần thiết, nhu cầu đầu tư của các kết nối (thuộc nhóm 3) để ưu tiên bố trí vốn, huy động nguồn lực để có thể sớm đầu tư các kết nối này trong giai đoạn 2026 - 2030 và các giai đoạn tiếp theo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.