Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu vào năm 2025, khối lượng công việc còn rất lớn, những rào cản về thời tiết bất lợi, cùng những vướng mắc về mặt bằng, vật liệu cần được tháo gỡ kịp thời.
Sản lượng tăng vọt sau phát động 500 ngày cao điểm
Những ngày cuối năm 2024, trời lạnh cắt da, dù tối muộn nhưng trên công trường dự án Vũng Áng - Bùng đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh vẫn sáng rực ánh đèn.
Đang chuẩn bị đồ bảo hộ lao động để vào ca tối, công nhân lái máy lu Nguyễn Xuân Tiến (Thanh Hóa) cho biết: "Tiến độ rất gấp nên anh em ai cũng tập trung tối đa. Áp lực về thời gian nhưng chế độ lương thưởng hợp lý, công ty hỗ trợ chế độ ăn đêm để đảm bảo sức khoẻ, duy trì công việc".
Kỹ sư Nguyễn Văn Trung (Công ty CP Xây lắp 368) cho biết, giá trị hợp đồng của đơn vị tại dự án Vũng Áng - Bùng là 458 tỷ đồng, đến nay sản lượng thực hiện được hơn 400 tỷ, đạt 90%.
"Do mặt bằng không vướng nên các hạng mục cơ bản đã xong, dự kiến trong tháng 12 thảm bê tông các mặt cầu; phấn đấu trong năm 2024 hoàn thiện các hạng mục còn lại", ông Trung nói.
Cao tốc Vũng Áng - Bùng khởi công tháng 1/2023, với tổng mức đầu tư hơn 12.540 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT – chủ đầu tư), trước khi Thủ tướng phát động thi đua, sản lượng toàn tuyến đạt khoảng đạt 5.500 tỷ đồng tương đương 55%. Đến nay, sau 4 tháng, sản lượng đạt 6.580/8.650 tỷ đồng, tương đương 76%.
Tương tự, tại dự án Hàm Nghi - Vũng Áng, trước khi phát động thi đua, sản lượng đạt 67%, đến nay đạt 72%, tăng khoảng 7%.
Tại gói XL02 dự án Hàm Nghi - Vũng Áng, đại diện nhà thầu Xuân Trường cho biết, trong tổng số 18km tuyến chính, nhà thầu đã thảm được 15km lớp bê tông nhựa; lắp đặt hệ thống hộ lan tôn sóng, hàng rào bảo vệ.
"Chúng tôi mong địa phương sớm bàn giao phần diện tích đất vườn của các hộ dân trong phạm vi thi công nút giao Kỳ Trung và hệ thống đường gom dân sinh để tăng tốc thi công", đại diện nhà thầu Xuân Trường cho biết.
Mong sớm gỡ vướng mặt bằng
Theo đại diện nhà thầu Trường Thịnh, dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Bình dài 32km, đến thời điểm này trên toàn tuyến có nhiều vị trí đã thảm bê tông nhựa, lắp hộ lan, hàng rào bảo vệ. Tuy nhiên, trên phạm vi xây dựng tuyến chính cũng như tuyến đường hoàn trả (đường Hồ Chí Minh) vẫn còn vướng nhà dân, công trình.
Khối lượng công việc còn rất lớn
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, để hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025, khối lượng công việc còn rất lớn.
Riêng dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau, chủ đầu tư cần chủ động làm việc với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc cung ứng vật liệu san lấp đắp nền đường; nghiên cứu sử dụng cát biển tại các khu vực, phạm vi phù hợp.
Đối với các dự án giao địa phương làm cơ quan chủ quản, các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Dương, Tuyên Quang cần chỉ đạo các sở, ban ngành và huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia để quyết tâm hoàn thành GPMB.
Đại diện UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, sau thời gian tuyên truyền, vận động, một số hộ dân có nhà, tài sản án ngữ trên tuyến chính đã tự nguyện tháo dỡ, bàn giao mặt bằng. Dự kiến trong tháng 12, mặt bằng trên tuyến chính đoạn qua địa bàn sẽ thông suốt.
Theo ông Lưu Tuấn (Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - chủ đầu tư), từ nay đến 30/4/2025 chỉ còn lại 4 tháng để các đơn vị triển khai thi công. Đến nay dự án Vạn Ninh - Cam Lộ đã đắp nền đường được 93%, thảm bê tông nhựa C19 70%. "Chúng tôi đang đốc thúc nhà thầu tiếp tục thi công ngày đêm, hoàn thành bằng được tiến độ đề ra", ông Tuấn nói.
Tại dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, việc thi công đang được đẩy nhanh, gấp gáp hơn để bù lại khoảng thời gian công trường bị đình trệ do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão.
Tuy nhiên, nhiều đoạn qua tỉnh Tuyên Quang đang vướng mắc do mặt bằng bàn giao vẫn "xôi đỗ" khiến nhà thầu chỉ thi công cầm chừng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, dự án đã bàn giao mặt bằng được hơn 81,7%, còn lại hơn 12,7km vướng mắc về đất do các lâm trường quản lý và đất lúa vượt hạn mức, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng.
Ông Hà Văn Dương, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hàm Yên, Tuyên Quang cho biết, lãnh đạo huyện đã làm việc với các công ty có diện tích trên đất lâm trường, hiện đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục.
Bám tiến độ dù thời tiết bất lợi
Trong khi đó, tại dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn, khác hẳn với không khí nhộn nhịp, máy móc hoạt động hết công suất trước đó, đi dọc tuyến ngày 15/12, PV ghi nhận nhiều phương tiện nằm im. Suốt 10 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục có mưa khiến thi công gặp khó.
Giữa lúc mưa xối xả trút xuống, ông Hoàng Gia Đại, Trưởng ban điều hành của Tập đoàn Trường Thịnh tại gói thầu 12-XL vẫn tất bật lo giấy tờ, sổ sách, kiểm đếm lại khối lượng công việc.
Tại gói thầu 12-XL, Tập đoàn Trường Thịnh đảm nhận gần 6km, trong đó có 3,8km cần xử lý nền đất yếu, thời gian theo dõi lún mất 2 tháng khiến tiến độ không thể bứt phá. Đến nay, tiến độ đạt khoảng 51%.
Kế hoạch hoàn thành 3.000km cao tốc năm 2025
- 15 dự án/dự án thành phần nhóm 1: 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa; Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Cao tốc Bến Lức - Long Thành (không bao gồm 3km phạm vi cầu Phước Khánh); Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Dự án thành phần 7 thuộc Vành đai 3 TP.HCM.
- 7 dự án/dự án thành phần nhóm 2: Cần Thơ - Hậu Giang; Hậu Giang - Cà Mau; Hòa Liên - Túy Loan; Dự án thành phần 1 Vành đai 3 TP.HCM; Dự án thành phần 1, 3 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua Hà Giang.
- 6 dự án/dự án thành phần nhóm 3: Dự án thành phần 1, 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án thành phần 3, 5 Vành đai 3 TP.HCM; Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua Tuyên Quang; Dự án Cao Lãnh - An Hữu; Gói thầu J3-1 khu vực cầu Phước Khánh cao tốc Bến Lức - Long Thành.
"Hơn 20 ngày qua, mưa lớn kéo dài nhưng các nhà thầu đã chuẩn bị phương án ứng phó từ trước. Nhờ đó, dù khó lũy tiến sản lượng nhưng cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch", ông Đại cho hay.
Tại gói thầu này, Tập đoàn Sơn Hải đảm nhận 22km. Dù là đơn vị đầu tiên thảm nhựa trên toàn dự án và là đơn vị đi đầu về tiến độ, song nỗi lo vẫn thường trực trên gương mặt những người chỉ huy công trường.
Gần 300 công nhân của đơn vị phải "nằm chờ trời" suốt nhiều ngày qua. Hàng chục nghìn bộ hộ lan được nhập từ nước ngoài về đợi lắp ghép. Các mũi thi công thảm mặt đường buộc phải chững lại. Đường gom, nút giao vẫn đang thi công dang dở, trong khi nhân lực, máy móc lại "đứng bánh".
"Dù tiến độ đảm bảo theo yêu cầu, nhà thầu không được phép chủ quan, lơ là. Đơn vị đang tập trung nguồn lực để thi công hoàn thiện phần khối lượng của mình trong khoảng giữa năm 2025", một lãnh đạo ban điều hành của Sơn Hải tại gói 12-XL chia sẻ.
Tương tự, nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc yêu cầu 100% cán bộ, công nhân ứng trực trên công trường suốt những ngày xảy ra mưa lũ để sẵn sàng ứng phó. Đồng thời, sẵn sàng nguồn vật liệu để ngay khi thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành thi công đồng loạt các mũi trở lại để không "lụt" tiến độ.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư), ngoài việc tập trung phòng chống bão lũ, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu xây dựng kế hoạch thi công phù hợp với diễn biến của thời tiết. Nhờ đó, lũy kế sản lượng đến nay đạt hơn 57% hợp đồng, vượt tiến độ 0,07%.
Nhiều công việc cần hoàn thành dứt điểm
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tổng cộng có 28 dự án/dự án thành phần có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, được chia thành 3 nhóm.
Nhóm 1 gồm 15 dự án/dự án thành phần (771km) cơ bản không còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tại nhóm này, nhiều dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vượt tiến độ và đăng ký rút ngắn thời gian hoàn thành từ 3 - 6 tháng như: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong Vân Phong - Nha Trang.
Riêng dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có công trình hầm dài 3,2km tiến độ hoàn thành năm 2026 nhưng nhà thầu cũng đã đăng ký rút ngắn tiến độ hoàn thành trong năm 2025 (rút ngắn 9 tháng).
Theo ông Minh, với nhóm dự án 1 hiện nay, khối lượng còn lại của công tác GPMB, di dời đường điện cao thế tại một số dự án (Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Bến Lức - Long Thành) không nhiều, các chủ đầu tư cần đôn đốc để hoàn thành toàn bộ trong tháng 12/2024.
Cùng đó, tiến độ dự án Bến Lức - Long Thành còn chậm hơn so với kế hoạch do việc tổ chức thi công và điều kiện thời tiết khu vực đang mùa mưa, cần sự kiểm soát chặt chẽ.
Nhóm 2 gồm 7 dự án/dự án thành phần (265km) cần phải tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn GPMB, nguồn vật liệu, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành trong năm 2025.
Trong đó, dù các địa phương như: Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa đã nỗ lực bàn giao thêm nhiều diện tích, tuy nhiên mặt bằng vẫn còn là điểm nghẽn cần quan tâm tháo gỡ.
Về vật liệu, tại dự án Vành đai 3 TP.HCM và Cần Thơ - Cà Mau nguồn vật liệu cát đắp còn gặp nhiều khó khăn, khối lượng khai thác chưa đáp ứng tiến độ thi công.
Hai dự án thiếu nguồn cung cấp đá gồm Hoà Liên - Tuý Loan và Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua Hà Giang, các nhà thầu đang phối hợp với địa phương để tìm nguồn thay thế.
Nhóm 3 gồm 6 dự án và đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc dự án Bến Lức - Long Thành (tổng chiều dài 152km). Đây là dự án gặp nhiều khó khăn nhất, các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chủ quản cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn mới đáp ứng thời gian hoàn thành trong năm 2025.
Tại nhóm dự án này, công tác GPMB tại các dự án đều không đáp ứng tiến độ yêu cầu (trừ dự án Cao Lãnh - An Hữu).
Nguồn vật liệu cho các dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM mặc dù đã có nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nếu không giải quyết dứt điểm để khai thác trong tháng 12/2024 sẽ khó hoàn thành trong năm 2025.
Các dự án phía Nam tăng tốc
Tại khu vực phía Nam, không khí thi công trên công trường dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã sôi động trở lại. Tuyến có chiều dài 57,8km, tổng vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC làm chủ đầu tư.
Đến nay, các hạng mục trên tuyến đã có những chuyển biến rõ rệt. Đoạn 3,4km từ nút giao cao tốc Trung Lương đến quốc lộ 1 đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục, đang chờ đoạn tuyến nối với cao tốc Trung Lương. Ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc VEC cho biết sẽ đưa vào khai thác đoạn tuyến này trước Tết, không thu phí.
Trong khi đó, đoạn 22km từ nút giao quốc lộ 1 đến Nguyễn Văn Tạo cũng đang được các nhà thầu đẩy nhanh thi công. Phần tuyến chính đã cơ bản hoàn thành, nhà thầu đang thi công một số đoạn đầu cầu, khe co giãn, lan can.
Tổng công ty 319 là một trong những đơn vị trong liên danh thi công gói thầu XL-A2.2-4 thuộc dự án Bến Lức - Long Thành. Phụ trách chỉ đạo thi công tại dự án, đại tá Khương Văn Thủy, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 319 cho biết, gói thầu có tổng chiều dài là 8,4km.
Theo kế hoạch, đến 30/3/2025 mới hoàn thành hạng mục thảm bê tông nhựa, nhưng đơn vị sẽ huy động thêm nhân lực và thiết bị để thi công hoàn thành sớm hơn, bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào khai thác dịp 30/4/2025.
Với cầu Bình Khánh, một trong hai cầu dây văng lớn của tuyến cao tốc này cũng đang được nhà thầu tập trung thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8/2025.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76km, đi qua 4 địa phương gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng.
Ở Đồng Nai, sau khi giải quyết các vướng mắc, mặt bằng hiện đã bàn giao hơn 91%, nhà thầu đã huy động máy móc thiết bị thi công trải dài trên toàn tuyến.
Đoạn qua Bình Dương tiến độ hiện mới chỉ đạt 6% kế hoạch năm 2024 vì những vướng mắc về mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm. Đoạn qua Long An có tiến độ thi công tốt nhất, đạt trên 53%, trong đó cả ba gói thầu xây dựng đều vượt kế hoạch.
Trong khi đó, đoạn qua TP.HCM có 4 gói thầu xây lắp khởi công từ tháng 6/2023 đến nay với tiến độ chung đạt hơn 24%; 6 gói thầu xây lắp khởi công vào đầu năm 2024 đạt tiến độ khoảng 10%.
Còn tại dự án Cần Thơ - Cà Mau, không khí thi công cũng diễn ra rất nhộn nhịp.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tính đến ngày 9/12/2024 sản lượng thi công đạt 53% kế hoạch (trong khi tháng 8/2024, trước thời điểm phát động thi đua, sản lượng chỉ đạt đạt 37%).
Về mặt bằng, các địa phương đã bàn giao 100%, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã di dời xong toàn bộ.
Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền dự án khoảng 18,6 triệu m3, trong đó nhu cầu đến hết năm 2024 là 15,12 triệu m3. Hiện tại, dự án đã có 11,73 triệu m3. Tuy nhiên, do một số mỏ khai thác vượt độ sâu, sạt lở bờ sông hoặc chất lượng cát không đảm bảo nên dự kiến đến cuối năm 2024 chỉ khai thác thêm được khoảng 0,72 triệu m3 cát sông.
Đối với khối lượng còn thiếu, Ban đã làm việc với tỉnh Bến Tre để khai thác thêm, đồng thời yêu cầu nhà thầu bổ sung thêm nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia, nguồn cát biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận