Xã hội

Báo chí - "Người tình" nắm tay doanh nghiệp vượt qua đại dịch

20/06/2020, 19:00

Trong lúc khó khăn, sự đồng hành của báo chí sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức.

img
Ông Vũ Tiến Lộc

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, hơn lúc nào hết, trong lúc khó khăn, sự đồng hành của báo chí sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức.

“Người tình” nắm tay doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Ông từng nói báo chí là “người tình” của doanh nghiệp, vậy trong và sau đại dịch Covid-19, ông đánh giá mối quan hệ này thế nào?

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nghiệp luôn quan tâm đến báo chí. Với chúng tôi, báo chí là ân nhân, chúng tôi cảm ơn nhà báo thấu hiểu, sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp và doanh nhân.

Báo chí với doanh nghiệp là quan hệ cộng sinh khi báo chí tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, doanh nghiệp tiên phong trên mặt trận kinh tế. Báo chí là người chia sẻ buồn vui cùng doanh nghiệp, là cánh chim báo tin khi doanh nghiệp đón niềm vui và là nơi chia sẻ khi doanh nghiệp gặp nỗi buồn. Không chỉ bảo vệ doanh nghiệp, báo chí còn luôn hiến kế cùng doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách thể chế.

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng chống, diễn biến tình hình dịch bệnh… đều được báo chí nhanh chóng truyền tải đến công chúng nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Báo chí không những là một trong những lực lượng tiên phong trong phòng chống dịch mà còn là cầu nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp trong việc phản biện chính sách hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.

Theo ông, trong bối cảnh “bình thường mới”, doanh nghiệp và báo chí đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào cần phải vượt qua?

Trong tháng 5, một cuộc khảo sát về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp cho kết quả có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố vào tháng 4.

Cũng theo kết quả khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp đã tích cực và chủ động triển khai các biện pháp chống dịch tại nơi làm việc theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền các địa phương, đồng thời cố gắng nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Nhiệm vụ kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp. 73% số doanh nghiệp đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các doanh nghiệp nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động.

Những hoạt động trên đều đã được báo chí bám sát và phản ánh càng góp phần khích lệ tinh thần doanh nghiệp và thị trường.

Về phía cơ quan báo chí, cũng đang chịu “tác động kép” sau dịch và quy hoạch báo chí. Nhìn từ góc độ kinh tế, báo chí là loại hàng hóa đặc biệt, còn tòa soạn cũng là một dạng doanh nghiệp đặc biệt, tức phải tạo ra được lợi nhuận kinh tế. Do đó, báo chí đang phải cân trên vai cả nhiệm vụ kinh tế lẫn chính trị để không bị đẩy vào vòng xoáy thương mại hóa.

Qua đây, tôi cũng muốn chia sẻ khó khăn với báo chí về kinh tế do sụt giảm nguồn thu từ quảng cáo, phát hành vì ảnh hưởng của dịch bệnh, cũng như những khó khăn, nguy hiểm, vất vả của phóng viên trong tác nghiệp về dịch bệnh Covid-19, nhất là tại các ổ dịch, vùng dịch.

Báo chí là cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp

Theo ông, thời gian tới, đâu là những thông tin báo chí mà doanh nghiệp cảm thấy cần thiết trong giai đoạn vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế?

Thúc đẩy thực hiện tốt các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, dù là rất quan trọng, nhưng chỉ là việc trước mắt. Còn việc góp phần cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế để có thể phát triển nhanh và bền vững sau đại dịch là một cuộc trường chinh.

Một điểm cần nhấn mạnh, phục hồi không phải trở lại ngày hôm qua và tái khởi động không phải là vẫn làm theo cách cũ. Thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm hơn.

Đây là thời cơ vàng để tái khởi động, để phục hồi khi chúng ta là một trong số ít những nền kinh tế đã sớm kiềm chế được dịch bệnh để mở cửa nền kinh tế. Sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu như một vận hội mới. Các địa phương sẽ có cơ hội vàng để đón nhận các dòng vốn đầu tư mới với chất lượng cao hơn.

Để đón nhận cơ hội này, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. Cần xoá bỏ những chồng chéo, bất hợp lý, bảo đảm sự minh bạch, nhất quán trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng… để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nhanh các dự án sản xuất kinh doanh và phát triển cơ sở hạ tầng. Qua đó, với tiếng nói của mình, báo chí góp phần quan trọng và tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, trở thành cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cộng đồng dân cư. Trong khó khăn, sự đồng hành của báo chí sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức.

Vậy ông mong muốn báo chí sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp như thế nào để cùng vượt khó sau đại dịch?

Trong suốt chiều dài phát triển đất nước, ít tổ chức nào gắn với chữ “nghiệp” như doanh nghiệp. Cái “nghiệp” quan trọng của doanh nghiệp là kinh doanh và góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Sự chia sẻ của xã hội với doanh nhân trong việc đổi mới sáng tạo là vô cùng cần thiết.

Tôi còn nhớ một câu nói rất hay: “Muốn biết một cuộc chiến thành hay bại, hãy nhìn vào thái độ của người mẹ tiễn con đi”. Trong thời bình, câu nói ấy có thể được hiểu là “Muốn biết nền kinh tế thành hay bại thì hãy nhìn vào thái độ của xã hội với doanh nghiệp, doanh nhân”. Do đó, tôi mong báo chí đã đi sâu vào đời sống doanh nghiệp thì hãy luôn cảm thông, chia sẻ với doanh nhân, nhất là thời buổi của cơ hội, của khó khăn.

Cảm ơn ông!

Câu chuyện chiếc khẩu trang và vai trò báo chí

img
Ông Vũ Minh Quân ​​

Báo chí là góc nhìn chân thực nhất về cuộc sống, là cầu nối thông tin giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Báo chí len lỏi vào thị trường phản ánh thực trạng phát triển của doanh nghiệp, từ đó Chính phủ thấy được thực tiễn. Ví như câu chuyện chiếc khẩu trang bán với giá “cắt cổ”, nếu không có báo chí thông tin, chúng ta có thể phải mua với mức giá còn đội lên nhiều lần và cũng không có cơ sở để các doanh nghiệp ngành Dệt may có thể chuyển biến một cách ngoạn mục khi tăng cường sản xuất khẩu trang vải.

Thông qua kênh báo chí, doanh nghiệp nắm bắt được chính sách Nhà nước đang triển khai như các gói hỗ trợ hậu Covid-19, những ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp… Hay nói cách khác, báo chí không những là tiếng nói của doanh nghiệp mà còn là kho tàng kiến thức không bao giờ cạn cho doanh nghiệp trên con đường phát triển.

Ông Vũ Minh Quân, Giám đốc Công ty DVC Hà Nội

Báo chí như bác sĩ đầy dũng khí trong mùa dịch

img
Ông Trần Anh Tuấn

Vừa qua, trong công tác chống dịch Covid-19, báo chí không chỉ là kênh thông tin mà còn được ví như một vị bác sỹ đầy dũng khí khi vừa làm nhiệm vụ đào tạo cho người dân cách chống dịch chưa có trong tiền lệ; vừa là một nhà tâm lý học khi động viên tạo niềm tin cho nhân dân, trấn an tinh thần; góp tiếng nói chung để nhân dân đồng lòng cùng với sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ quyết tâm chống dịch thắng lợi.

Doanh nghiệp cũng từ đó đặt niềm tin nhiều vào báo chí để khai thác những thông tin, cũng như có những định hướng truyền thông mạnh mẽ đối với sản phẩm của mình.

Báo chí góp phần biểu dương những doanh nghiệp có cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những doanh nhân nỗ lực vượt qua khó khăn. Đồng thời, cũng đấu tranh phê phán những hoạt động sản xuất kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, huỷ hoại môi trường.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Fitcorp

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.