Xã hội

Báo chí cần lan tỏa những điều tốt đẹp, tử tế

21/06/2019, 06:00

Đã có những câu chuyện, những sự việc được các nhà báo dày công, viết lên những bài báo rất xúc động, chạm đến trái tim người đọc.

img
Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi

Làm thế nào để báo chí vừa đấu tranh với tiêu cực, phản ánh mặt trái của xã hội nhưng vẫn không quên sứ mệnh chuyển tải những thông điệp, việc làm tử tế, lấy cái tốt át cái xấu? Báo Giao thông trao đổi với nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Tỷ lệ tin bài nêu về người tốt việc tốt vẫn còn ít

Trong một năm qua, ông đánh giá thế nào về việc báo chí hay đưa tin tiêu cực, phản ánh mặt trái mà quên đi trách nhiệm nêu gương người tốt việc tốt, tình hình có gì khác trước hay không?

Trong thời gian tương đối dài, xuất hiện tình trạng có một số nhà báo, một số cơ quan báo chí dường như chỉ hứng thú với việc nêu mặt xấu, mặt tiêu cực trong xã hội mà quên đi trách nhiệm ca ngợi cái tốt, tôn vinh cái đẹp, phê phán cái xấu. Trong khi trách nhiệm của báo chí vẫn là phải góp phần xây dựng nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội, phải hướng xã hội đến điều tốt đẹp.

Tôi nghĩ rằng đó là một sứ mệnh hết sức cao cả và thiêng liêng của nhà báo, và đó cũng là niềm tin mà xã hội đặt lên vai nhà báo. Báo chí phải có trách nhiệm để xây đắp niềm tin đó.

Trước mỗi một sự việc xảy ra trong xã hội, kể cái xấu, cái tiêu cực, báo chí phải khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải. Nhưng trước khi viết, buộc chúng ta phải đặt ra những câu hỏi: viết cho ai, viết để làm gì, cuối cùng mới đến viết cái gì, viết như thế nào? Cho nên mục đích của báo chí, lý tưởng làm nghề của chúng ta phải luôn luôn dược đặt lên hàng đầu.

Gần đây, do đã có những chấn chỉnh mạnh mẽ và quyết liệt từ các cơ quan quản lý, tình trạng này đã được khắc phục đáng kể và chúng ta thấy rằng trên mặt báo gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn những thông tin tích cực những việc làm tốt, những con người điển hình tiên tiến. Tuy nhiên, so với tin bài nói về mặt trái, mặt xấu thì tỷ lệ tin bài nêu về người tốt việc tốt vẫn còn ít.

Gần đây, có những tin bài viết về những việc làm nhỏ nhưng đã tạo sự lan tỏa lớn, chẳng hạn như một người đi đường thấy cục bê tông gây mất ATGT nên đã dừng lại, dùng búa đục bê tông, giúp nhiều người tránh được tai nạn; hay việc một nam lao công nghèo quét rác nhặt được cả chục ngàn USD mà không tham lam, quyết tìm người đánh rơi để trả lại… Theo ông, việc không có nhiều những tin bài nói về việc tử tế là bởi báo chí không chịu tìm tòi phản ánh hay những việc tử tế trong xã hội chưa nhiều?

Tôi nghĩ trong xã hội hiện nay tuy còn có những điều làm chúng ta chưa thật yên tâm, chưa thật hài lòng, vẫn đâu đó vẫn còn những nhức nhối, nhưng đó chỉ là những hiện tượng, sự việc đơn lẻ, không phản ánh bản chất xã hội. Bức tranh chung của xã hội là tươi sáng, tốt đẹp, người tốt là chủ yếu và việc tốt cũng rất nhiều, nó có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Họ làm việc tốt trong âm thầm lặng lẽ, vì thế mà nếu không đi sâu tìm hiểu thì không dễ để nhận biết. Bởi nếu không thì làm sao đất nước chúng ta phát triển được như ngày hôm nay và tương lai rất tươi sáng có thể nhìn thấy trước?

Những trường hợp như bạn kể, phải trở thành phản xạ tự nhiên của mỗi người, là cái chúng ta phải hướng đến, để xã hội thấy được việc gì thì nên làm và việc gì nên tránh, không những tránh mà còn phải đấu tranh để bài trừ.

Đó là thực tế, nhưng tại sao ở trên báo ít thấy xuất hiện? Đây là điều rất đáng lưu tâm, rất đáng báo động về trách nhiệm của những người làm báo. Trách nhiệm trước hết là của các cơ quan báo chí, phải chú trọng hơn nữa phát hiện những gương tốt, những gương điển hình, những cái hay, cái đẹp trong xã hội.

Hiện nay vẫn còn một số tờ báo chỉ có “đánh đấm”, giật gân, bởi họ nghĩ chỉ làm như vậy mới câu khách, thu hút được người đọc, người xem, người nghe. Chúng ta không phủ nhận nhu cầu về thông tin, nhu cầu biết cái mới, cái lạ của độc giả, nhưng chạy theo điều đó mà không hướng độc giả đến những giá trị tốt đẹp thì rất cần phải chấn chỉnh, uốn nắn.

Những bài báo chạm đến trái tim người đọc

img
Những hành động, việc làm tốt đẹp vẫn diễn ra hàng ngày trong xã hội
(Trong ảnh: Nhóm bạn trẻ đứng trên cầu Long Biên nhắc người dân thả cá không vứt
túi ni lông xuống sông Hồng). Ảnh: Khánh Linh

Cũng có thực tế là tin bài về người tốt việc tốt thường không nhận được sự quan tâm nhiều bằng tin tức về các vụ án ly kỳ hay đời tư của quan chức, đại gia, tình tiết rùng rợn của các vụ án… Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến báo chí buộc phải chạy theo để phản ánh những cái xấu, cái tiêu cực, những mặt trái của xã hội?

Sao chúng ta không đặt ngược vấn đề là tại sao viết về người tốt việc tốt mà người đọc lại không quan tâm? Một phần độc giả bị hút vào theo thói quen. Nhưng một phần nữa là chúng ta viết về gương tốt, việc tốt chưa đủ sức lay động, chưa dồn vào đó nhiều tâm huyết để làm cho những việc tốt, những con người tốt đó, những câu chuyện của họ khiến người khác xúc động. Ở đây là câu chuyện về trình độ, về năng lực và cả tâm huyết của người làm nghề nữa. Là một nhà báo vừa có đạo đức, vừa có tay nghề tốt, vừa có tâm huyết thì anh mới đủ sức để làm nên tác phẩm báo chí có sức lay động.

Thời gian qua, cũng có những tờ báo duy trì rất thường xuyên chuyên mục viết về gương người tốt việc tốt nhưng viết rất nhạt, đôi khi nó như là một cái trích ngang lý lịch, kể lể rất thô sơ và chẳng gợi lên một điều gì.

Tuy nhiên, gần đây trên một số báo đã có những câu chuyện, những sự việc được các nhà báo để tâm, dày công tìm kiếm tư liệu, tiếp xúc gặp gỡ nhân chứng... và đã viết lên những bài báo rất xúc động, chạm đến trái tim của người đọc.

Lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi đã giảm nhiều

Thưa ông, Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam được công bố cuối năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Từ đó đến nay, hoạt động báo chí nói chung và đạo đức các nhà báo nói riêng đã có thay đổi thế nào? Đã có ai bị xử phạt do vi phạm bộ quy định này chưa?

Bộ quy định được ban hành và thực hiện đến nay đã được 2,5 năm. Có thể nói từ khi chúng ta đi vào thực hiện cùng với việc thực hiện Luật Báo chí năm 2016, đã có những chuyển biến rất tích cực trong hoạt động của báo chí. Những hiện tượng tiêu cực, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, để làm những điều không trong sáng cũng đã giảm bớt đi rất nhiều.

Đến nay đã thành lập hội đồng xử lý vi phạm nghề nghiệp từ Trung ương xuống địa phương với khoảng gần 300 đơn vị. Tức là cấp Hội nhà báo nào cũng có hội đồng xử lý vi phạm. Thơi gian qua đã có nhiều vụ buộc phải xử lý ở các mức như nhắc nhở phê bình, cảnh cáo và hàng năm vẫn có một số nhà báo do vi phạm về luật pháp, do vi phạm về đạo đức nghề nghiệp đã phải xử lý bằng cách tước thẻ, khai trừ hội viên ra khỏi Hội nhà báo Việt Nam.

Liên quan quy định “Nhà báo phải nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội”, tình trạng nhà báo viết trên báo một đằng, nói trên mạng xã hội lại khác có được cải thiện nhiều không, thưa ông?

Trong 10 điều qui định về đạo đức nghề nghiệp thì có Điều 5 là điều rất quan trọng, liên quan trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội. Ngoài ra, Hội nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, trong đó có nêu rõ 4 điều nên làm và 8 điều không được làm. Bộ quy tắc bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2019.

Hiện nay vẫn còn một số nhà báo sử dụng mạng xã hội để đưa những thông tin không đáng tin cậy, thậm chí thông tin sai lệch, đưa ra những bình luận không có tính xây dựng, có ý đồ xấu để dẫn dắt dư luận, không chuẩn mực. Nhiều người hỏi tôi thế nào là chuẩn mực, tôi trả lời rằng chuẩn mực là thấy cái tốt phải bảo vệ. Không chuẩn mực là thấy cái tốt bị đe dọa mà không bảo vệ và thấy cái xấu không đấu tranh, thậm chí còn a dua theo. Có thể nói từ khi ban hành bản quy tác này thì dư luận xã hội, báo giới hoan ngênh và thực hiện tốt.

Tuy nhiên gần đây có xảy ra một số việc mà trong đó nhà báo sử dụng mạng xã hội không chuẩn mực. Hội nhà báo Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức hội trực thuộc, nhất là hội đồng xử lý vi phạm ở cấp cơ sở chiếu theo bản quy tắc để xử lý. Với những trường hợp nghiêm trọng, có thể phối hợp với các cơ quan khác để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tình trạng “sáng đăng - trưa gặp - chiều gỡ” đã được quán triệt từ lâu, và Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã có phần mềm theo dõi các báo gỡ bài. Trong năm qua, tình trạng này thế nào, thưa ông? Hội đã xử lý bao nhiêu cơ quan báo chí vi phạm?

Tình trạng “sáng đăng- trưa gặp- chiều gỡ” là một tình trạng đáng phê phán, kéo dài trong nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các doanh nghiệp phàn nàn rất nhiều về chuyện này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của những người làm báo chân chính nói chung.

Với phần mềm theo dõi việc đăng bài và gỡ bài, trước đây, qua thống kê, 1 tuần có hàng trăm bài báo đăng lên rồi lại gỡ xuống. Nhưng dần dần số lượng các bài gỡ xuống ít dần đi. Bởi nếu đăng lên rồi gỡ xuống thì phải giải trình với Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam. Thực tế, sai phạm thời gian qua chưa có vụ nào quá lớn buộc phải xử lý, mà mới dừng lại ở mức nhắc nhở mà thôi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.