Xã hội

Báo chí tham gia “làm” Luật Đất đai

19/06/2024, 08:00

Luật Đất đai (sửa đổi) là luật phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Quá trình lấy ý kiến nhân dân, báo chí đóng vai trò quan trọng và để lại nhiều dấu ấn.

Kế hoạch truyền thông bài bản

Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới. Theo đề xuất của Chính phủ, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, thay vì ngày 1/1/2025, nhằm sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Báo chí tham gia “làm” Luật Đất đai- Ảnh 1.

Báo chí đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến xây dựng Luật Đất đai. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, quá trình hoàn thiện luật, các cơ quan truyền thông, báo chí đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến, mở nhiều chuyên mục trao đổi, thảo luận, phản ánh kịp thời ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý...

Cùng với nhiều cơ quan báo chí khác, Báo Giao thông là một trong những tờ báo lập riêng chuyên mục Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi), ngay khi dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến lần đầu (3/1 - 15/2/2023).

Hàng chục bài viết tập hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân, phản ánh những điểm bất cập, những nội dung cần sớm sửa đổi, bổ sung. Trong đó, có nhiều bài viết gắn liền với việc phát triển hạ tầng giao thông.

Đơn cử như bài viết "Cần chặn "biến" đất trả tiền hàng năm thành dự án", chỉ ra hệ lụy từ việc lách luật, chuyển đổi từ đất Nhà nước cho thuê hàng năm thành dự án nhà ở, không qua đấu giá, đấu thầu, dễ gây thất thu ngân sách. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm ngăn chặn hiện tượng này.

Hay bài viết "Quy hoạch, lấy giao thông làm xương sống", phản ánh bức tranh toàn cảnh ùn tắc giao thông tại một số thành phố lớn xuất phát từ nguyên nhân thiếu quy hoạch bài bản; các bài viết chỉ ra kẽ hở thu hồi đất giá rẻ, phát triển nhà ở thương mại...

Luật sớm vào cuộc sống nhờ báo chí

Chia sẻ với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân ghi nhận, việc triển khai các hoạt động truyền thông chính sách liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 đã được Bộ TN&MT, các cơ quan, đơn vị và cơ cơ quan truyền thông, trong đó có Báo Giao thông phối hợp triển khai tích cực, hiệu quả ngay từ giai đoạn tổng kết thi hành luật.

Hơn 20.000 tin bài đã được đăng tải

Theo Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Chính phủ, có 20.537 tin, bài, ghi nhận nội dung liên quan dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ý kiến của nhân dân được các cơ quan báo chí đăng tải. Trong đó, nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: 4.429 tin, bài (chiếm 21,6%); giá đất và định giá đất: 4.190 tin, bài (chiếm 20,4%)...

Có hàng chục nghìn tin, bài liên quan đến việc sửa đổi luật được đăng tải trên báo chí và các phương tiện truyền thông. 

Các hoạt động truyền thông được triển khai đa dạng dưới nhiều hình thức, phương thức. Các cơ quan báo chí luôn theo sát quá trình sửa đổi, kịp thời đăng tải góp ý, bài viết phân tích sâu sắc, thiết thực, đa chiều.

"Thông qua các bài báo, ý chí, nguyện vọng của nhân dân được truyền tải kịp thời, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và hoàn thiện luật", Thứ trưởng Ngân cho biết.

Cũng theo ông, ở chiều ngược lại, thông qua báo chí, các quy định mới đề xuất trong luật cũng đã được truyền tải đầy đủ tới người dân, doanh nghiệp. Từ đó, người dân doanh nghiệp thấy được các bất cập đã và đang được chỉnh sửa thế nào, đã phù hợp với thực tế hay chưa.

"Thông qua việc giám sát, phản ánh thực tiễn, đưa ra các tiếng nói đa chiều, đề xuất kiến nghị và thực hiện vai trò phản biện xã hội, báo chí đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước", Thứ trưởng Lê Minh Ngân chia sẻ.

Lãnh đạo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), cũng đánh giá cao các cơ quan truyền thông, báo chí đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phản ánh kịp thời ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng luật: "Đây là yếu tố rất quan trọng để luật sớm đi vào cuộc sống, sau khi được ban hành".

Nhiều điểm mới đột phá

Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Việc luật được ban hành là sự kiện quan trọng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, tồn tại của pháp luật về đất đai.

Về nội dung thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, luật quy định cụ thể 32 trường hợp nhà nước thu hồi với nhiều nhóm tiêu chí.

Luật quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bổ sung một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, thu hồi đất liên quan đến quốc phòng, an ninh...

Phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không phân biệt theo đối tượng sử dụng đất. Trình tự, thủ tục thu hồi với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, kịp thời.

Luật đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 1/1 của năm tiếp theo.

Luật phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho chủ tịch UBND cấp huyện, quy định cụ thể 4 phương pháp định giá đất, điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp định giá đất…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.