Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. |
Ngày 6/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Cao Đức Phát đã họp trực tuyến với các tỉnh, thành trên cả nước về kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm.
Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm của người dân tăng cao, nhiều loại hàng hóa, trong đó có thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được tung ra thị trường. Nhiều vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm đã bị phát hiện và bắt giữ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định: “Đây chính là thời điểm sôi động nhất nhân dân mua bán và sử dụng thực phẩm. Nhu cầu này sẽ kéo dài cả trước Tết, sau Tết và mùa lễ hội”.
Trong khi đó, vấn đề thực phẩm bẩn đã thực sự trở nên nhức nhối, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhìn nhận, trong khi chúng ta xuất khẩu nhiều thực phẩm sạch thì trong nước vẫn còn nhiều thực phẩm chưa đảm bảo an toàn. Do vậy, phải tăng cường kiểm tra, kiểm sát để người dân Việt Nam được sử dụng thực phẩm an toàn như các nước khác.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, Cục đã cùng với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, mua bán, sử dụng chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý, cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép lưu hành.
Cục cũng tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối nông sản, thủy sản; Chú trọng kiểm tra việc lạm dụng các chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến trái phép, ngoài danh mục như: ure, hàn the…
Đặc biệt, trong giết mổ, Cục đã liên tục kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp giết mổ không đảm bảo vệ sinh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Kết luận tại buổi họp trực tuyến, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, năm 2015 là năm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, là mong đợi của nhân dân, của người tiêu dùng.
Đặc biệt, đối với sản phẩm thịt dư lượng nhiều nhất là kháng sinh, vi sinh. Do đó, việc giết mổ và buôn bán ở chợ cần phải giám sát chặt chẽ, phát hiện những cơ sở không đạt yêu cầu để xử lý nghiêm. Công tác giám sát cũng cần đặc biệt chú trọng vào rau và thịt là hai loại thực phẩm đang có dư lượng vượt mức cao nhất, Bộ trưởng Phát nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận