Xã hội

Báo động bất bình đẳng giới trong giáo dục

01/04/2016, 19:15

Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo “Sáng kiến về bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái ở Việt Nam”...

18

Số người mù chữ là trẻ em gái và phụ nữ  ngày càng gia tăng - Ảnh minh họa: Tạ Tôn

Số liệu điều tra mới nhất về hiện trạng mù chữ theo độ tuổi ở phụ nữ của 63 tỉnh, thành trong cả nước cho biết: Với độ tuổi từ 15-25, toàn quốc có hơn 128.000 người mù chữ, trong đó có hơn 61.000 nữ; Trong độ tuổi 26-35 tuổi có 278.000 người mù chữ thì 150.000 là nữ. Đáng nói, đối tượng nữ là người dân tộc thiểu số bị mù chữ chiếm đa số.

Trước những con số trên, ông Trần Kim Tự, Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Đây là những con số đáng báo động về tình trạng bất bình đẳng giới trong giáo dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái khu vực dân tộc thiểu số”.

Theo bà Trần Thị Phương Nhung, cán bộ quản lý chương trình UNESCO tại Hà Nội, trẻ em gái và phụ nữ ở nông thôn, miền núi vẫn bị ràng buộc bởi các phong tục, tập quán có ảnh hưởng tiêu cực đến việc đạt được bình đẳng giới trong giáo dục. Bên cạnh đó, nạn tảo hôn vẫn còn phổ biến ở những khu vực dân tộc thiểu số khiến tỷ lệ trẻ em gái bỏ học, thất học nhiều hơn so với trẻ em trai.

Không chỉ bất bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội, phụ nữ và trẻ em gái còn bị đối xử thiếu công bằng ngay cả trong… sách vở. Dẫn chứng về thực trạng này, PGS. TS. Hoàng Bá Thịnh, đại diện Ban Đổi mới chương trình và sách giáo khoa thông tin: “Chúng tôi đã có những kiến nghị bằng văn bản tới Bộ GD&ĐT về việc cần chỉnh sửa về nội dung và hình thức trong nhiều cuốn sách giáo khoa để đảm bảo tính công bằng, đặc biệt cho trẻ em và phụ nữ”.

Theo ông Thịnh, hiện nay, trong sách giáo khoa có rất nhiều hình ảnh gây bất bình đẳng: “Trong 3 cuốn sách mà chúng tôi khảo sát là sách Tự nhiên xã hội lớp 1, Giáo dục công dân lớp 6 và lớp 10 có rất nhiều bài viết, hình ảnh mang nặng định kiến giới: Nói về việc lau nhà, rửa bát, đi chợ thì vẽ hình ảnh mẹ và con gái, việc đá bóng, vi phạm luật giao thông, chơi bời, xem ti vi thì nhất thiết là hình bé trai và bố. Hay sách văn học cũng vậy, các câu ca dao tục ngữ nói về thân phận hẩm hiu, khổ sở của phụ nữ quá nhiều, truyện Kiều thì đưa các đoạn thơ nói về việc Kiều an phận, chịu khổ với tần suất lớn; Sách lịch sử thì dày đặc những câu chuyện về vị anh hùng này, anh hùng kia là nam giới trong khi đó nữ giới cũng có rất nhiều nhân vật anh hùng… Như thế là không công bằng và rất cần thiết phải thay đổi”, ông Thịnh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.