Xã hội

Báo động đánh nhau nhập viện Tết tăng đột biến

09/02/2017, 09:19
image

Số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau trong 7 ngày Tết Đinh Dậu là 5.675 trường hợp, tăng hơn 1.500 trường hợp.

đánh nhau dịp Lễ hội tăng

Tình trạng ẩu đả xảy ra thường xuyên trong những dịp lễ, Tết.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau trong 7 ngày Tết Đinh Dậu là 5.675 trường hợp, tăng hơn 1.500 trường hợp so với dịp Tết Bính Thân 2016. Trong đó, có 28 trường hợp tử vong. Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số ca khám, chữa bệnh do đánh nhau, đáng báo động là có 619 trường hợp xác định nguyên nhân do rượu bia, dẫn đến mất kiểm soát, xô xát.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, với người Việt, uống rượu bia là văn hóa, nhưng điều này hiện nay đã chệch hướng khi nhiều người gặp nhau là “ép” uống bia rượu, nhất là trong dịp tiệc tùng. Không chỉ gây tác động tiêu cực tới xã hội, rượu bia còn là tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi nhiều người lạm dụng sử dụng rượu bia. Chính vì vậy, ông Quang nhấn mạnh: Kiểm soát bia rượu cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. “Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đang được Vụ Pháp chế nghiên cứu, sớm hoàn thành và trình Quốc hội năm 2018.

Trong quá trình nghiên cứu, Bộ Y tế sẽ làm rõ thêm bằng chứng khoa học để đưa ra các điều, luật phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, hành vi của người Việt”, ông Quang thông tin. Theo đó, phương án cấm bán rượu bia vào một thời gian và địa điểm nhất định để hạn chế tình trạng say rượu, đánh nhau và các tệ nạn khác có thể sẽ được tính đến trong dự thảo.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý xã hội Việt Nam cho hay: “Việc số người nhập viện vì đánh nhau tăng lên một cách đáng báo động trong dịp Tết, nói lên sự thật một bộ phận người Việt ngày càng hung hãn, vì muốn giành phần thắng trong các cuộc tranh cãi, muốn chứng minh bản lĩnh bản thân đã để cái tay nhanh hơn cái đầu, dẫn đến những hậu quả đáng buồn”.

Cũng theo ông Sơn, thực tế có thể dễ dàng nhận ra hiện nay, là một bộ phận người trẻ thường hay bốc đồng, nóng tính, mất kiểm soát, nhất là sau khi họ có ít men rượu trong người. Theo chuyên gia tâm lý, sự bất an và lo lắng là điều đầu tiên có thể nhận ra sau mỗi vụ đánh nhau, những thương tích không chỉ về mặt thể xác mà cả những tổn thương trong tâm lý. “Bạo lực làm cho con người ngày một hung hăng hơn. Chính sự hung hăng lại làm cho con người dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề. Một khi con người ta cảm thấy không còn lo lắng, sợ hãi trước các vụ bạo lực diễn ra thường xuyên, thì mọi giá trị trong xã hội đang có dấu hiệu bị đảo lộn”, PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn nhận định.

Trong khi đó, theo PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), những con số thống kê về các vụ việc đánh nhau mới chỉ là mặt nổi của tảng băng chìm. Bên cạnh tác nhân về lạm dụng bia rượu thì gánh nặng, áp lực cuộc sống cũng khiến con người luôn trong trạng thái thường trực chờ đón xung đột, giải tỏa. “Để giải quyết vấn đề này không phải chuyện sớm chiều, ngay từ chính mỗi người phải tự chế ngự được cảm xúc, hành vi, bên cạnh những ổn định xã hội về mặt vĩ mô khác”, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình cho biết.

Qua nghiên cứu của Bộ Y tế, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á, với 90% đàn ông Việt uống rượu bia. Trong đó, 25% sử dụng rượu bia ở mức độ có hại.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.