Những con số báo động
Năm 2023, ước tính 160.000 người Ấn Độ tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), trở thành một trong những nước có tỷ lệ tử vong do TNGT cao nhất thế giới.
Theo báo Scroll, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này bao gồm cơ sở hạ tầng không đảm bảo, số lượng phương tiện cơ giới tăng phi mã. Một nguyên nhân đáng chú ý khác là Ấn Độ thiếu hụt nghiêm trọng dịch vụ y tế khẩn cấp thiết yếu, khiến nhiều nạn nhân không thể vượt qua lằn ranh sinh tử sau tai nạn.
Chuyên gia nước này xác định, khoảng 50% số ca tử vong do tai nạn giao thông có thể được ngăn ngừa nếu nạn nhân được cấp cứu, điều trị y tế kịp thời ngay trong 60 phút đầu tiên.
Đánh giá của Viện Khoa học Y khoa Ấn Độ cho thấy, dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp (cấp cứu) tại hầu hết bệnh viện công lập và tư nhân đều không đáp ứng được nhiều tiêu chí. Trong đó, khoảng 90% xe cứu thương thiếu thiết bị y tế cần thiết, 95% phương tiện được vận hành bởi nhân viên không được đào tạo phù hợp.
Chuyên gia nhận định, đây là điều đáng báo động khi năng lực của hệ thống cấp cứu không đáp ứng gánh nặng nhu cầu cứu thương sau tai nạn giao thông.
Quản lý yếu kém
Không chỉ vậy, Ấn Độ không có số liệu, cơ sở hoặc nền tảng tập trung quản lý xe cứu thương, do đó không có thông tin chính xác về số lượng, chủng loại, khả năng phân phối xe cứu thương. Thậm chí, dữ liệu về xe cứu thương giữa Bộ Y tế, Bộ Đường bộ và Đường cao tốc có nhiều khác biệt.
Niên giám vận tải đường bộ 2019-2020 của Bộ Đường bộ và Đường cao tốc báo cáo có 45.498 xe cứu thương, với 59% thuộc quản lý của Cơ quan Y tế Quốc gia.
Trong khi đó, khoảng 26.800 xe cứu thương được Cơ quan Y tế Quốc gia quản lý, 63% có thể cung cấp hỗ trợ sự sống cơ bản, 7% cung cấp hỗ trợ sự sống nâng cao, còn lại chỉ là xe vận chuyển bệnh nhân. Không có thông tin đối với 41% xe cứu thương còn lại không do Cơ quan Y tế Quốc gia quản lý.
Việc phân bổ xe cứu thương cũng không đồng đều giữa các tiểu bang. Theo dữ liệu vận tải đường bộ, không có xe cứu thương nào được đăng ký tại bang Gujarat, Haryana, Jharkhand, Karnataka và Tây Bengal. Trong khi dữ liệu của Cơ quan Y tế Quốc gia cho thấy 5 tiểu bang đều có từ 2.000 - 3.000 xe cứu thương, riêng bang Haryana chỉ có 600 xe.
Theo báo cáo của Tổng kiểm toán và Tổng thanh tra năm 2021 tại bang Karnataka (Tây Nam Ấn Độ), khoảng 90.000 nạn nhân tai nạn giao thông tại tiểu bang này không được chăm sóc y tế kịp thời do xe cứu thương ở quá xa.
Có tới 6.000 trường hợp xe cứu thương tại bang Karnataka bị chậm trễ hơn 30 phút kể từ khi nhận được cuộc gọi cấp cứu, cho thấy lực lượng xe cứu thương không đủ năng lực cấp cứu.
Thiếu thiết bị, năng lực nhân viên yếu
Bên cạnh quản lý yếu kém, nhiều xe cứu thương hiện đang hoạt động trong tình trạng thiếu thốn thiết bị, thuốc men, nhân viên không đủ năng lực.
Dù Luật Xe Cứu thương Ấn Độ năm 2016 quy định rõ yêu cầu về kết cấu và chức năng của thiết bị phải có trên xe cứu thương, nhưng không có hướng dẫn về đăng ký, kiểm tra điều kiện của xe cứu thương trên thực tế.
Theo báo cáo của Tổng kiểm toán bang Bihar năm 2020, hầu hết xe cứu thương thiếu hụt trang thiết bị thiết yếu như bộ sơ cứu khẩn cấp, máy đo áp suất, thiết bị lấy máu tĩnh mạch, thiết bị hồi sức, chăn gối, vật tư cố định xương gãy, hồ sơ theo dõi tình hình bệnh nhân...
Không chỉ vậy, quá trình cấp giấy phép lái xe cứu thương không kiểm tra điều kiện trình độ học vấn. Bất kỳ ai có giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận mua bán xe, bảo hiểm, bằng lái xe, đủ điều kiện lưu thông trên đường là có thể đăng ký hoạt động xe cứu thương.
Luật pháp Ấn Độ không đặt ra tiêu chuẩn cho nhân viên cấp cứu trên xe cứu thương. Việc thiếu nhân viên được đào tạo bài bản đã làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cấp cứu, chăm sóc y tế khẩn cấp.
Dù bộ luật xe cứu thương đặt ra tiêu chuẩn trang thiết bị tối thiểu cho các loại xe cứu thương khác nhau, nhưng nhiều đơn vị không tuân thủ do còn nhiều lỗ hổng trong quản lý. Báo Scroll nhận định, cần có sự giám sát thống nhất từ một cơ quan chuyên trách để đảm bảo xe cứu thương được trang bị đầy đủ.
Chính phủ Ấn Độ đã ký kết Tuyên bố Stockholm, trong đó đặt mục tiêu giảm 50% số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ vào năm 2030. Điều đó đòi hỏi nước này ngoài các biện pháp tăng cường an toàn giao thông đường bộ còn phải nâng cấp phương tiện cứu hộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận