Tỉnh lộ 587 đoạn qua xã Húc bị sạt lở, dân nơm nớp lo sợ
Tỉnh lộ 587 là tuyến đường độc đạo dẫn vào các thôn, bản của xã Húc (huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) nên lượng người và phương tiện qua lại rất đông.
Vừa qua, mưa lũ kéo dài đã khiến hàng chục điểm trên tuyến tỉnh lộ, đoạn qua xã này bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá đổ ập xuống với khối lượng lớn.
Trên đỉnh đồi đoạn Km 8 xuất hiện nhiều vết nứt nẻ, sụt lún có nguy cơ gây sạt trượt đất đá xuống đường bất cứ lúc nào. Điều này khiến người dân rất lo lắng.
Ông Hồ Văn Trọn, Phó Chủ tịch UBND xã Húc cho hay, đơn vị vừa có báo cáo nhanh gửi cơ quan chức năng huyện Hướng Hóa về việc trên địa bàn xuất hiện các điểm nứt nẻ có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, yêu cầu người dân hạn chế đi qua đoạn đường trên, đặc biệt lúc trời mưa to.
“Khi mưa lớn, UBND xã sẽ cắt cử lực lượng túc trực, theo dõi tại các điểm sạt lở để cảnh báo cho người dân được biết. Đến hôm nay (7/11), xã cũng đã có văn bản đề nghị cơ quan liên quan cắm biển cảnh báo nguy hiểm và có biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Trọn nói.
Đợt mưa lũ, sạt lở đất vừa qua đã khiến 9 người trên địa bàn xã Húc bị tử vong và 1 người bị thương nặng. Địa bàn xã này bị chia cắt, cô lập trong nhiều ngày vì sạt lở đất và hàng loạt đập, ngầm tràn qua suối bị lũ cuốn trôi.
Núi Ta Bang xuất hiện vết nứt, khẩn cấp di dời dân
Tuyến đường dẫn vào xã miền núi Hướng Sơn (Hướng Hoá, Quảng Trị) vẫn đang ngổn ngang bùn, đất đá và gỗ cây giăng kín do sạt lở. Việc tiếp cận địa bàn này gặp nhiều trắc trở, trong khi đó, đời sống bà con vốn đã vất vả nay lại khó khăn trăm bề.
Từ phản ánh của người dân, chính quyền xã Hướng Sơn đã đi kiểm tra và phát hiện trên đỉnh núi Ta Bang (thuộc thôn La Ry - Rào) xuất hiện vết nứt khoảng 150 - 200m, rộng từ 40 - 50 cm. Dưới những vết nứt là khoảng trống sâu hoắm, khiến quả đồi có nguy cơ sạt bất cứ lúc nào, gây nguy hại trực tiếp đến 24 hộ dân với 81 nhân khẩu sinh sống dưới chân núi này.
Trong khi đó, dọc con suối Ra Lu (cách suối Ta Bang khoảng 2km) có 21 hộ dân với 90 nhân khẩu sinh sống. Đợt mưa lũ vừa qua, lượng đất đá, cây cối đổ về gây ảnh hưởng đến 7 hộ dân, trong đó có 2 hộ bị sập nhà.
Những hộ dân sống vùng hạ du chân núi Ta Bang này đều là người đồng bào Vân Kiều, thuộc hộ nghèo và cận nghèo nên đời sống đặc biệt khó khăn. Mọi nguồn thu nhập của họ dựa vào canh tác trồng lúa nước, sắn và cây tràm để trang trải sinh hoạt, bữa đói bữa no cũng nhờ… trời. Thế nhưng, đợt lũ quét vừa rồi, toàn bộ diện tích đất sản xuất và cây trồng đều bị bùn đất, đá bồi lấp, san bình địa. Cầu tạm để bà con có đường di chuyển cũng bị lũ cuốn phăng, mất dạng… Nhà nhà, người người đều lâm cảnh cơ cực.
Anh Hồ Văn Phong (trú thôn La Ry - Rào) kể rằng, mưa lớn kèm theo nước ở thượng nguồn đổ về ào ạt khiến suối Ta Bang và Ra Lu dâng cao. Người dân sống dọc con suối này không kịp trở tay, rơi vào cô lập. Đến nửa đêm, một tiếng nổ vang rền vọng từ phía núi Ta Bang như xé toạc màn đêm, khiến bà con hoảng loạn, lo sợ. Ngay lúc đó, một khối lượng lớn đất, đá, gỗ cây từ vách núi tràn về vùi lấp cây cối, hoa màu và vật nuôi, nhiều ngôi nhà cũng bị ảnh hưởng, hư hỏng.
Cũng theo anh Phong, trước đây, núi Ta Bang cũng từng xảy ra những vụ sạt lở nhỏ nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, lần này là trận lũ quét đỉnh điểm khiến bà con rất lo lắng.
“Bà con sống dưới chân núi Ta Bang luôn trong tâm lý nơm nớp lo sợ, nhất là khi ngọn núi đã xuất hiện vết nứt. Sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng tôi mong muốn chính quyền sớm di dời, bố trí đất tái định cư để bà con yên tâm, ổn định đời sống”, anh Phong nói.
Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho biết, xã đã có tờ trình gửi Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Hướng Hóa về việc di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở dưới chân núi Ta Bang.
“UBND xã Hướng Sơn đã đề nghị cấp trên xem xét và có phương án di dời tái dịnh cư cho 45 hộ dân với trên 170 nhân khẩu ở các khu vực nguy hiểm nêu trên. Hiện, xã đã tìm được diện tích đất để bố trí tái định cư cho các hộ dân này”, ông Tường chia sẻ.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng trị, vết nứt trên đỉnh núi Ta Bang rất nguy hiểm, trước mắt chính quyền địa phương cần di dời khẩn cấp những hộ dân dưới chân núi và dọc 2 bên bờ suối. Ngay trong tuần tới, cơ quan liên quan sẽ có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Trị để đề nghị bố trí tái định cư, đưa người dân đến khu vực an toàn sinh sống.
Nhiều xã miền núi Hướng Hoá thiệt hại lớn về người và tài sản do sạt lở đất
Không chỉ xã Hướng Sơn và Húc, nhiều địa bàn khác thuộc huyện miền núi Hướng Hoá cũng xảy ra tình trạng sạt lở núi tương tự, gây thiệt hại lớn về người và tài sản trong đợt mưa lũ vừa qua. Cụ thể, vào 1h sáng 18/10 ở xã Hướng Phùng, hơn 2 triệu m3 đất đá, gỗ cây sạt xuống từ quả núi san bằng 4 dãy nhà, vùi lấp 22 cán bộ chiến sỹ Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337. Phải mất 2 ngày sau, ngành chức năng mới đưa được toàn bộ 22 thi thể quân nhân ra khỏi đống đổ nát.
Riêng tại xã Hướng Việt, xã này chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ, mọi thứ vẫn đang còn ngổn ngang do sạt lở đất, nước lũ và bùn non làm hư hại chưa thể khắc phục xong. Trong nhiều ngày liền, xã này bị cô lập do sạt lở làm đứt đường, không điện, không sóng điện thoại. Sạt lở núi cũng khiến 3 người chết, 1 người mất tích, 2 người bị thương nặng, 9 ngôi nhà bị cuốn trôi và sập hoàn toàn; hơn 60 nhà bị hư hỏng, ngập sâu trong bùn từ 0,5 - 1,2m; trường học và trạm y tế chưa thể đưa vào sử dụng vì ngập sâu trong bùn. Toàn bộ diện tích hoa màu của bà con bị bùn, đất đá vùi lấp hết cả; gia súc gia cầm bị chết, cuốn trôi rất nhiều.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có công điện khẩn, cắt cử lực lượng túc trực, thường xuyên cảnh báo và di dời dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; cũng như chủ động trong phòng chống, ứng phó với thiên tai.
Hiện nay, lượng mưa lớn khiến đất đai bị nhão, no nước nên nguy cơ sạt lở rất cao. Tỉnh đang khảo sát để thống kê những vùng có nguy cơ sạt lở khác để chủ động di dời người dân, tìm nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.
“Về lâu dài, cần bố trí tái định cư khu dân cư để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân”, ông Đồng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận