Xã hội

Tiễn 22 quân nhân Đoàn 337 hy sinh khi cứu hộ ở Quảng Trị về với quê nhà

22/10/2020, 06:51
image

Lễ truy điệu, đưa tang 22 đồng chí Đoàn 337 hy sinh tại xã Hướng Phùng (Hướng Hóa - Quảng Trị) được tổ chức theo nghi thức quân đội sáng 22/10.

Trực tiếp lễ tang 22 đồng chí
Trực tiếp lễ tang 22 đồng chí liệt sỹ, quân nhân Đoàn 337 hy sinh khi cứu hộ ở Quảng Trị được tổ chức tang lễ theo nghi thức quân đội

11h: Xe Cảnh sát giao thông dẫn đoàn xe đưa linh cữu 22 liệt sĩ về quê nhà. Xe chở linh cữu liệt sĩ Lê Văn Quế, quê Thanh Hoá xuất phát đầu tiên.

img
img
Rất đông người dân ra đường tiễn biệt 22 liệt sĩ
img

10h40: Linh cữu các liệt sĩ được di chuyển ra phía ngoài nhà tang lễ, đưa lên xe để về quê nhà.

img
img

10h30: Kết thúc điếu văn, 1 phút mặc niệm dành cho 22 chiến sĩ. Sau đó, Ban tổ chức tiến hành di quan. Hơn 60 xe chờ phía ngoài cổng để đưa các chiến sĩ về quê nhà.

img
Đồng đội chào vĩnh biệt 22 quân nhân Đoàn 337 hy sinh khi cứu hộ ở Quảng Trị
img
Người nhà đau đớn đưa các anh về thăm quê nhà lần cuối cùng

img
img

10h: Thiếu tướng Nguyễn Đức Hoá, Phó chính uỷ Quân khu 4 đọc điếu văn.

Trong điếu văn nêu: Khi người dân gặp hiểm nguy do bão lũ, cán bộ, chiến sỹ Đoàn kinh tế quốc phòng 337 đã hành quân về xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa để cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân bảo vệ tính mạng, tài sản do mưa lũ, sạt lở. Sau những ngày dầm mình trong mưa gió, bộ đội trở về doanh trại để hôm sau tiếp tục lên đường giúp dân. Nhưng vụ sạt lở xảy ra lúc 1h30 ngày 18/10 đã vùi lấp khu nhà ở đơn vị.

"Chúng ta đã vĩnh viễn mất đi 22 cán bộ, nhân viên, chiến sỹ ưu tú của của Quân đội nhân dân Việt Nam; của LLVT Quân khu và Đoàn KT-QP 337. Các đồng chí đã nêu cao tinh thần quả cảm, sẵn sàng đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới để thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy.

Chúng ta đã, đang thực sự sống trong cuộc chiến đấu giữa thời bình, không có tiếng súng nhưng máu của người lính vẫn đổ. Hành động “phía trước là nhân dân” với mệnh lệnh từ trái tim, luôn sẵn sàng có mặt ở nơi hiểm nguy để cứu giúp nhân dân là hành động cao đẹp, thể hiện sâu sắc phẩm chất sáng ngời và bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới", dẫn điếu văn.

Cũng theo điếu văn, đây là sự mất mát vô cùng to lớn không thể bù đắp đối với chúng ta và thân nhân các gia đình liệt sỹ.

"Trong giờ phút tiễn đưa các đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng, Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng; Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu; cùng cấp ủy chính quyền và nhân dân địa phương và toàn thể cán bộ, chiến sĩ xin được chia sẻ nỗi mất mát không thể bù đắp đến gia đình các đồng chí đã hy sinh. Mong thân nhân gia đình các đồng chí nén đau thương, mất mát để tiếp tục vươn lên, xứng đáng với sự hy sinh của các Liệt sỹ.

Thân nhân gia đình các Liệt sỹ hãy nhận ở chúng tôi - Những người bạn chiến đấu lòng tiếc thương vô hạn và sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc nhất", Thiếu tướng Nguyễn Đức Hoá nói.

Thay mặt lực lượng vũ trang Quân khu 4, thiếu tướng Nguyễn Đức Hoá gửi lời chào vĩnh biệt 22 chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh.

"Chúng tôi xin gửi lời chào vĩnh biệt, cầu mong các đồng chí hãy yên lòng an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng trong lòng đất mẹ. Những hoài bão trong sự nghiệp và ý nguyện trong cuộc sống của các đồng chí sẽ được tiếp tục thực hiện bằng sự nỗ lực cao nhất của chúng tôi; những cán bộ, chiến sỹ của toàn quân nói chung; LLVT Quân khu 4; Đoàn KT-QP 337 nói riêng, cũng như người thân gia đình và bạn bè của các đồng chí. Hình ảnh, phẩm chất, đạo đức và sự hy sinh cao đẹp của các đồng chí luôn sống mãi trong trái tim của gia đình, đồng chí, đồng đội và bạn bè.

Vĩnh biệt các đồng chí, chúng tôi nguyện ra sức học tập, noi gương hy sinh anh dũng của các đồng chí, nêu cao ý chí quyết tâm, tiếp tục sát cánh, chung sức cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn gian khó; cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; xây dựng LLVT Quân khu cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, bảo vệ an toàn tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân mà các đồng chí đã chiến đấu và hy sinh".

9h50: Lễ viếng kết thúc, Ban tổ chức Lễ tang chuẩn bị làm Lễ truy điệu.

9h30: Người dân tiếp tục đến viếng các liệt sĩ, nhiều người không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh bố mẹ già, vợ trẻ, con thơ đứng chịu tang tại lễ tang.

Người thân Liệt sỹ Lê Hương Trà (SN SN 1984) cho hay, vợ chồng anh Trà có 2 người con, đứa lớn mới 10 tuổi, đứa nhỏ mới 3 tuổi. Vợ anh Trà là giáo viên mầm non, hoàn cảnh rất khó khăn.

Vào ngày anh Trà cùng 21 đồng nghiệp gặp nạn, 9 người trong gia đình anh lên xe ô tô do quân đội bố trí, cấp tốc vào hiện trường vụ sạt lở và túc trực suốt nhiều ngày đêm qua. Trên đường đi, vợ con anh Trà khóc nức nở nhưng vẫn cố gắng trấn an rằng: "Anh đang đi làm nhiệm vụ rồi anh về".

Giữa tháng 7 vừa rồi, anh Trà cắt phép để về quê ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) để cúng giỗ ông nội và xây mộ cho em gái. Sau đó, anh trở lại đơn vị để cùng đồng nghiệp giúp dân phòng chống Covid-19 và mưa bão trong đợt vừa qua. Đến rạng sáng ngày 18/10 thì gặp nạn.

"Ngoài chăm lo cho vợ con, Trà còn cấp dưỡng nuôi con của đứa em gái đã mất. Vừa rồi, nó gọi điện về bảo sẽ vay tiền sửa nhà cho bố mẹ, chưa thực hiện được thì nó đã đi", một người thân Liệt sỹ Trà nước mắt ngắn dài nói.

Chị Hoàng Thị Diệu (trú tại Cửa Lò, Nghệ An) - vợ liệt sỹ Trung tá Phùng Thanh Tùng (SN 1979) không chịu nổi cú sốc quá lớn, ngất ra nền nhà, người thân phải liên tục bấm huyệt, xoa dầu.

img
Chị Hoàng Thị Diệu, vợ Trung tá Phùng Thanh Tùng ngã quỵ trước lễ tang chồng

Người thân cho hay, vợ chồng chị Diệu có 3 người con, trong đó, đứa lớn 12 tuổi, đứa út mới 5 tháng tuổi. Chị Diệu làm nghề thợ may, thu nhập bấp bênh, còn anh Tùng là lao động chính trong nhà. 3 năm trước, hai vợ chồng vét hết tiền dành dụm rồi vay mượn thêm để xây căn nhà cấp 4 có chỗ trú mưa trú nắng, ổn định cuộc sống.

"Tùng bị bệnh thoát vị đĩa đệm nặng, vừa rồi mới được đơn vị cho nghỉ phép về nhà để chữa bệnh. Được ít ngày thì anh phải trở vào để cùng đồng đội giúp dân phòng chống, khắc phục mưa lũ, nào ngờ nó đi luôn. Nợ nần còn chồng chất, con cái thì nhỏ, không biết 3 mẹ con sẽ sống sao nữa", một người nhà anh Tùng khóc nói.

8h30: Đoàn tỉnh Hà Tĩnh vào viếng

img

Trong lúc lễ viếng đang cử hành, bà Trương Thị Khuyên (trú tại Cam Thành, Cam Lộ) - mẹ của liệt sỹ Lê Tuấn Anh (2000) vội lui vào góc tường, ngồi thụp xuống ôm mặt khóc nức nở.

Bà Khuyên kể rằng, vợ chồng bà đều làm nông, quanh năm bám mặt cho đất bám lưng cho trời. Lúc nông nhàn, bà Khuyên đi làm mướn, ai thuê gì làm nấy, còn chồng bà thì làm thợ nề, cóp nhặt từng đồng nuôi các con nên người.

Mấy năm nay, cả hai đều đổ bệnh, đau ốm thường xuyên nên hoàn cảnh rất khó khăn. Tuấn Anh là con út trong gia đình có 2 anh em.

Trước đây, em có tham gia một lớp học nghề, đang dang dở thì nghỉ để đi nghĩa vụ quân sự. Dự định sau khi xuất ngũ, Tuấn Anh sẽ về đi xuất khẩu lao động, thế nhưng sau 8 tháng nhập ngũ thì em gặp nạn. "Kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, tội con tôi lắm trời ơi", bà Khuyên nấc nghẹn.

img
Bà Trương Thị Khuyên (trú tại Cam Thành, Cam Lộ) - mẹ của liệt sỹ Lê Tuấn Anh khóc nghẹn khi cử hành tang lễ con trai và đồng đội.

8h: Đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng làm trưởng đoàn vào viếng.

img

Có mặt tại lễ tang, chị Lê Thị Thu Hòa (trú tại TP. Đông Hà), em gái của liệt sỹ Lê Thế Linh (SN 1995) nước mắt lưng tròng kể rằng, anh Linh là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh em, chưa lập gia đình, tính tình hiền lành nên bạn bè, bà con chòm xóm đều yêu quý.

img
Chị Lê Thị Thu Hòa (trú tại TP. Đông Hà), em gái của liệt sỹ Lê Thế Linh (SN 1995)

Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng anh Linh luôn cố gắng vươn lên. Tháng 2/2020, anh Linh nhập ngũ và được phân công nhiệm vụ tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đóng tại thôn Cợp (Hướng Phùng, Hướng Hóa).

Đợt mưa lũ vừa rồi, nước tràn vào nhà ngập 0,5m, nhưng anh Linh bận giúp dân, không thể về nên gọi điện dặn dò cả nhà chủ động phòng chống.

"Tối hôm anh Linh gặp nạn, anh còn gọi điện về tâm sự với mẹ. Anh bảo, hoàn thành nghĩa vụ quân sự xong sẽ về xin việc làm, kiếm tiền phụng dưỡng cha mẹ già yếu", chị Hòa nức nở.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình viết sổ tang:

“Vô cùng thương tiếc 22 đồng chí đã hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ngày 18/10/2020. Đây là sự hy sinh to lớn để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân cả nước, đồng thời là nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp được của gia đình và người thân các đồng chí đã hy sinh.

Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận công lao, sự hy sinh to lớn của 22 đồng chí, những cán bộ, chiến sĩ quả cảm, sẵn sàng đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới để thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Tinh thần dũng cảm, sự hy sinh dũng cảm của các đồng chí đã góp phần tô thắm phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội cụ Hồ” và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thay mặt Chính phủ xin gửi đến gia đình, người thân của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất, mong các gia đình, người thân hãy nén đau thương, mất mát, sớm vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các đồng chí!”.

7:20: Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước do Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng đoàn vào viếng.

Tiếp đó là các đoàn Đoàn Ủy ban quốc gia ứng phó thiên tai, Đoàn Bộ Tổng Tham mưu, Đoàn Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Đoàn Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam... vào viếng.

img
Đoàn lãnh đạo Đảng nhà nước do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vào viếng
img
img
Đoàn Bộ Tổng Tham mưu do Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng làm trưởng đoàn vào viếng.

img<>img

img
Đoàn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vào viếng
img
img
Gia đình, người thân của 22 chiến sĩ về dự lễ tang

Ông Hoàng Như Thanh (trú tại Đô Lương, Nghệ An), người nhà của liệt sỹ Nguyễn Cảnh Trung về dự lễ tang thất thần cho hay, khi nghe hung tin Trung gặp nạn, phía gia đình gồm 7 người tức tốc thuê xe cấp cứu đi xuyên đêm vào Quảng Trị.

Trong 4 ngày qua, mọi người túc trực tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị để chuẩn bị lễ tang cho anh Trung.

Ông Thanh cho biết, anh Trung có 2 con nhỏ đang trong tuổi đi học, vợ là giáo viên nhưng sức khỏe yếu, đứa con út mới bị tai nạn gãy tay.

Chị Hoàng Thị Thanh Nga (vợ anh Trung) không chịu nổi cú sốc, ngã quỵ, lúc tỉnh lúc mê. Vì sức khỏe yếu nên không thể vào chịu tang chồng. Người thân, bạn bè và hàng xóm đang túc trực chia sẻ, động viên mong chị vượt qua đau thương mất mát.

"Cả năm nay, Trung cùng đồng đội giúp dân phòng chống dịch Covid-19 rồi đến mưa bão nên chỉ về thăm nhà vỏn vẹn có 1 lần. Trung có nói xong đợt mưa lũ này sẽ về quê thăm nhà, sửa lại xe đi học cho các con mà nào ngờ nó lại đi như thế này", ông Thanh nức nở.

img

7:00: Công tác chuẩn bị Lễ tang 22 cán bộ chiến sỹ Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 đã được sẵn sàng, bắt đầu theo nghi thức quân đội trang trọng.

img
Ngay từ sáng sớm, các lực lượng chức năng đã sẵn sàng cho lễ truy điệu, đưa tang 22 đồng chí Đoàn 337 hy sinh tại xã Hướng Phùng (Hướng Hóa - Quảng Trị)
img
img
img

Theo Kế hoạch của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, lễ tang 22 đồng chí hi sinh trong thực hiện nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được tổ chức trang trọng theo nghi thức quân đội tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Lễ viếng dự kiến từ 7h đến 10h ngày 22/10; Lễ truy điệu và di quan từ 10h giờ 11h cùng ngày. Sau đó, linh cữu các đồng chí hy sinh sẽ được đưa về địa phương an táng theo nguyện vọng của gia đình.

Công nhận là liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 22 chiến sĩ

Ngày 21-10, ông Hà Sĩ Đồng, phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, xác nhận 22 cán bộ chiến sĩ tử nạn trong vụ sạt lở đất tại xã Hướng Phùng đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công.

Ông Đồng cũng xác nhận 22 cán bộ chiến sĩ này vừa được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định truy tặng huân chương Vì Tổ quốc. Trong đó có 5 huân chương hạng nhì và 17 huân chương hạng ba.

Thủ tướng Chính phủ cũng có quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 22 liệt sĩ. Cả hai quyết định này đều ghi nhận thành tích của 22 cán bộ chiến sĩ trong việc thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn trong đợt mưa lũ vừa qua.

Truy thăng quân hàm cho các chiến sĩ

Ngày 19/10, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Thư gửi gia đình các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong thư, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, sự cố sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra rạng sáng 18/10 trên địa bàn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị làm 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337, Quân khu 4 hy sinh để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với cán bộ, chiến sỹ toàn quân và nhân dân cả nước, đồng thời là nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp được của gia đình và người thân các đồng chí đã hy sinh.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định truy thăng quân hàm cho các đồng chí cán bộ thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4) hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ngày 18/10/2020 trên địa bàn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Theo quyết định: Thăng quân hàm từ Thượng tá lên Đại tá đối với đồng chí Lê Văn Quế, Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337; từ Thiếu tá lên Trung tá đối với đồng chí Phùng Thanh Tùng, Trợ lý Tổ chức Lao động tiền lương, Phòng Tham mưu-Kế hoạch, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337; từ Thiếu tá QNCN lên Trung tá QNCN đối với đồng chí Phạm Ngọc Quyết, Trợ lý Tổ chức lao động tiền lương, Phòng Tham mưu-Kế hoạch, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337; từ Trung úy lên Thượng úy đối với đồng chí Lê Hải Đức, Trợ lý Kế hoạch, Phòng Tham mưu-Kế hoạch, Đoàn Kinh tế -Quốc phòng 337.

Trong 2 ngày 18 - 19/10, lực lượng cứu nạn đã khẩn trương tìm kiếm các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 bị vùi lấp vì sạt lở đất xảy ra rạng sáng 18/10. Sau 40 giờ nỗ lực tìm kiếm, đến chiều 19/10, thi thể của toàn bộ 22 chiến sĩ đã được tìm thấy, trong đó có 2 thi thể được phát hiện trong bể nước bị lật úp phải dùng 3 máy xúc mới nâng lên được.

Trước đó, vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra vào rạng sáng ngày 18/10 tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (đóng quân tại Hướng Phùng, Hướng Hoá) khiến 22 cán bộ, chiến sỹ bị vùi lấp. Ngay lập tức, ngành chức năng đã huy động tối đa lực lượng và phương tiện, cấp tốc đến hiện trường tham gia cứu hộ cứu nạn. Đến 14h30 ngày 19/10, toàn bộ 22 thi thể đã được tìm thấy và đưa về Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị để khâm liệm.

Danh sách 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 gặp nạn trong vụ sạt lở núi ở Hướng Hóa, Quảng Trị gồm các đồng chí:

1. Lê Văn Quế - Sỹ quan. Quê quán: Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị

2. Lê Hải Đức - Sỹ quan. Quê quán: Lộc Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình

3. Phùng Thanh Tùng - Sỹ quan. Quê quán: Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, Nghệ An

4. Phạm Ngọc Quyết - Sỹ quan. Quê quán: Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình

5. Nguyễn Cao Cường - Quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Cường Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

6. Nguyễn Cảnh Trung - Quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Thượng Sơn, Đô Lương, Nghệ An

7. Nguyễn Văn Thu - Quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Tăng Thành, Yên Thành, Nghệ An

8. Lê Đức Thiện - Quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Định Tăng, Yên Định, Thanh Hóa

9. Trần Văn Toàn - Quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An

10. Trần Quốc Dũng - Quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh

11. Bùi Đình Toản - Quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An

12. Ngô Bá Văn - Quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh

13. Lê Hương Trà - Quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

14. Lê Cao Cường - Quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An

15. Lê Tuấn Anh - Chiến sỹ. Quê quán: Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị

16. Nguyễn Anh Duy - Chiến sỹ. Quê quán: Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An

17. Phạm Văn Thái - Chiến sỹ. Quê quán: Hải Thành, Đồng Hới, Quảng Bình

18. Lê Sỹ Phiêu - Chiến sỹ. Quê quán: Thuần Thiện, Can Lộc, Hà Tĩnh

19. Cao Văn Thắng - Chiến sỹ. Quê quán: Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh

20. Hồ Văn Nguyên - Chiến sỹ. Quê quán: Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị

21. Lê Thế Linh - Chiến sỹ. Quê quán: Phường 5, Đông Hà, Quảng Trị

22. Nguyễn Quang Sơn - Chiến sỹ. Quê quán: Thái Sơn, Đô Lương, Nghệ An.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.