Quản lý

Bao giờ có Nghị định hướng dẫn Luật PPP?

Các nghị định hướng dẫn thi hành vẫn chưa được ban hành gây không ít khó khăn trong việc áp dụng các quy định của Luật PPP vào thực tiễn.

img

Đến nay, cả 3 nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP vẫn chưa được ban hành, gây vướng mắc trong việc thực hiện một số dự án (Trong ảnh: Hầm đường bộ Đèo Cả được đầu tư theo hình thức BOT)

Sau hơn 2 tháng kể từ thời điểm Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có hiệu lực (từ 1/1/2021), đến nay, các nghị định hướng dẫn thi hành vẫn chưa được ban hành.

Nhà đầu tư lúng túng

Tháng 6/2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết ban hành Luật PPP. Để triển khai thực hiện, Chính phủ dự kiến ban hành 3 nghị định hướng dẫn. Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao chủ trì xây dựng hai nghị định: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PPP và nghị định quy định về lựa chọn nhà đầu tư. Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng nghị định về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức PPP.

Tuy nhiên, đến nay, cả 3 nghị định vẫn chưa được ban hành, gây vướng mắc trong việc thực hiện một số dự án PPP.

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, trước khi Luật PPP có hiệu lực, các dự án đầu tư theo hình thức PPP áp dụng theo quy định của Nghị định 63/2018.

“Luật PPP có hiệu lực từ 1/1/2021 nhưng đến nay vẫn chưa có các nghị định, thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, trong Luật cũng không nói rõ Nghị định 63/2018 còn hay không còn hiệu lực khiến nhiều nhà đầu tư rất lúng túng, không biết thực hiện thế nào. Đặc biệt, đối với việc đàm phán hợp đồng các dự án đang triển khai, rồi những dự án đang chuẩn bị lập chủ trương đầu tư gặp một số khó khăn nhất định”, ông Chủng nói.

Theo ông Chủng, trước đây, VARSI đã có nhiều văn bản góp ý với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những bất cập trong thực tiễn triển khai dự án PPP như: Cơ chế bình đẳng giữa các nhà đầu tư với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Việc thực hiện cam kết theo hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu tại các dự án… nhưng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ông Chủng dẫn chứng trong Luật PPP chỉ quy định cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới sau thời điểm Luật PPP có hiệu lực mà chưa làm rõ phạm vi cơ chế, cũng như hướng dẫn áp dụng đối với các dự án đã và đang triển khai nhằm chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

“Chia sẻ rủi ro doanh thu, nhất là những dự án chuyển tiếp đã ký hợp đồng được các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt nhưng trong dự thảo nghị định về cơ chế tài chính trong đầu tư PPP do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cũng chưa nói gì đến việc này và nghị định cũng chưa ban hành khiến các nhà đầu tư rất lúng lúng”, ông Chủng cho hay.

Dự kiến ban hành trong tháng 3

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nói: “Đối với những dự án PPP đang trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư rồi các dự án đã ký hợp đồng đang trong giai đoạn thương thảo hợp đồng rất cần có quy định hướng dẫn cụ thể để thống nhất các điều khoản trong hợp đồng giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành để việc đàm phán hợp đồng dự án PPP được thuận lợi, các điều khoản được rõ ràng, minh bạch”.

Ông Thế cũng băn khoăn về việc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam liệu có được áp dụng theo Luật PPP hay không.

“Các dự án cao tốc Bắc - Nam được phê duyệt chủ trương trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực. Tuy nhiên, quá trình đàm phán ký kết hợp đồng, đặc biệt là công tác thu xếp vốn tín dụng lại diễn ra sau thời điểm Luật PPP có hiệu hiệu lực. Chúng tôi đang chờ đợi cơ quan chức năng ban hành nghị định hướng dẫn về các điều khoản chuyển tiếp của Luật PPP để nhà đầu tư, ngân hàng yên tâm khi rót vốn vào các dự án này”, ông Thế chia sẻ.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện các dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện Luật PPP cùng với dự Luật một cách đồng bộ và đúng thời hạn, theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật.

Sau khi Luật PPP được thông qua, Nghị định hướng dẫn cũng đã được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ từ tháng 11/2020. Đến nay, Nghị định vẫn đang được các thành viên Chính phủ cho ý kiến và dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 3 này.

Đề cập đến tình hình triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP, đại diện Vụ Đối tác công - tư (PPP, Bộ GTVT) cho biết, cả 3 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đều đã công bố nhà đầu tư trúng thầu. Hiện nay, Bộ GTVT đã thành lập các tổ đàm phán với nhà đầu tư.

“Quá trình đàm phán, xuất hiện một số ý kiến của nhà đầu tư đề cập đến nội dung liên quan về tài chính như quy chế, cơ chế giải quyết nguồn vốn Nhà nước, việc điều chỉnh bổ sung các hạng mục mà không do lỗi của nhà đầu tư và cơ chế chia sẻ rủi ro theo quy định của Luật PPP… vẫn chưa được các bên đồng thuận do chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể”, đại diện Vụ PPP nói và cho biết, đối với những nội dung vượt thẩm quyền trong quá trình đàm phán hợp đồng, Bộ GTVT sẽ phải tiếp tục xin ý kiến các Bộ Tư pháp, Tài chính, KH&ĐT để xem xét, xử lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.