Vận tải

Bao giờ container lên được đường sắt?

08/04/2015, 07:29

Từ khi ngành Đường sắt kêu gọi vốn cho 17 dự án XHH đường sắt, đã có nhiều “ông lớn” sốt sắng tham gia.

71
Tàu chở container tại cảng Hải Phòng

Từ khi ngành Đường sắt công khai kêu gọi vốn cho 17 dự án xã hội hóa đường sắt, đã có nhiều “ông lớn” sốt sắng tham gia. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là “khơi thông” cơ chế và gỡ các thủ tục đang còn vướng mắc để các dự án này nhanh chóng được hiện thực hóa.

Cơ chế vướng

Chưa có quy hoạch, thiếu sự vào cuộc quyết liệt nên việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào đường sắt đang chậm. Ngay cả một đề án quan trọng là đề án container vận tải đường sắt để “chia lửa” cho đường bộ cũng đang thực hiện rất chậm.

Thực tế cho thấy, khi nguồn vốn hạn hẹp, việc kêu gọi các nhà đầu tư xã hội hóa là một hướng đi đúng, đôi bên cùng có lợi. Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) cho biết, đơn vị này đã có riêng một đề án vận tải container giảm tải cho đường 5 nhưng hai năm qua không làm được do đường sắt không có cơ sở tác nghiệp container hiện đại như một cảng thông quan nội địa (ICD).

"Nếu có Trung tâm logistics ở Yên Viên sẽ hút được toàn bộ luồng hàng container đường biển. Một đối tác chuyên kinh doanh logistics của Singapore liên doanh với công ty Logistics đường sắt ITL và công ty Ratraco muốn đầu tư vào Yên Viên theo hình thức thuê mặt bằng, bỏ tiền đầu tư toàn bộ và quan trọng là khai thác container”.

Ông Vũ Tá Tùng
Tổng giám đốc
Tổng công ty Đường sắt VN

“Chúng tôi muốn thu hút vốn đầu tư của họ và còn thu hút được cả luồng container của họ đang đi trên đường bộ nữa. Nếu quyết định được thì trong tháng này sẽ bắt tay làm ngay. Vấn đề ở đây là, phải sớm quyết định theo hình thức nào để triển khai”, ông Tùng nói.

Không chỉ có kho bãi, một số tuyến đường sắt cũng được các nhà đầu tư quan tâm. Ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng ban PPP Bộ GTVT cho biết, tuyến Hà Nội - Hải Phòng đang có Tập đoàn Phát triển công cộng Ý - Thái nghiên cứu đầu tư một tuyến đường mới trong phạm vi hành lang đường sắt hiện nay, phải giải tỏa khoảng 10km. Bộ GTVT đang hỗ trợ để hoàn thiện thủ tục.

Còn ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, việc xã hội hóa liên quan đến cơ chế và nhiều bộ phận nữa. Nếu không mời Nhà đầu tư ngoài ngành, Nhà nước cũng không có vốn để đầu tư. Vấn đề là vướng cơ chế. Nhà đầu tư khi đầu tư vào đường sắt thì được cái gì? Bao năm hoàn vốn, có lãi và đường sắt được cái gì cần phải rõ ràng. Ví dụ như bãi hàng ở Yên Viên, hay các kho bãi khác, nhà đầu tư sẽ đầu tư toàn bộ và được thu phí lưu kho, bốc xếp trong bao nhiêu năm. Còn đường sắt sẽ được công nghệ vận tải hiện đại, có kho bãi...

Bộ trưởng Thăng làm Trưởng ban chỉ đạo xã hội hóa hạ tầng đường sắt

Từ những vướng mắc về cơ chế như trên, ông Vũ Tá Tùng đề xuất có cơ chế đổi hạ tầng lấy công trình. “Ga Sài Gòn cũng đang có Tập đoàn của Hàn Quốc liên doanh với đối tác ở TP Hồ Chí Minh rất nhiệt tình đầu tư xây dựng tổ hợp vận tải và thương mại dịch vụ. Nhưng cái khó hiện nay là quy hoạch chi tiết chưa có. Cần có cơ chế để chào mời nhà đầu tư hơn nữa”, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết.

Tại cuộc họp mới đây với VNR, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, việc kêu gọi xã hội hóa đang chậm, một phần do vướng cơ chế nhưng phần khác là do các cơ quan, đơn vị của Bộ chưa vào cuộc thực sự để tháo gỡ khó khăn.

“Các cục, vụ phải có cách gỡ cho đường sắt chứ. Cứ làm như thế thì bao giờ container lên được đường sắt”, Bộ trưởng gay gắt và yêu cầu các đơn vị liên quan phải trực tiếp tham mưu cho doanh nghiệp, sao lại cứ cản trở doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho rằng Yên Viên lẽ ra phải làm lâu rồi, kể cả nhà đầu tư yêu cầu Nhà nước làm mấy km đường sắt cũng được, coi đấy là phần vốn góp Nhà nước. “Tôi sẽ trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo thực hiện xã hội hóa kết cấu hạ tầng đường sắt. Tôi cũng sẽ trực tiếp làm việc với nhà đầu tư tuyến Hà Nội - Hải Phòng để đẩy nhanh tiến độ. Nhà đầu tư làm tuyến mới 1.435 mm là đúng chủ trương, chiến lược và quy hoạch nên cần phải thúc đẩy, làm nhanh lên. Đề án container thành công thì tốt quá, doanh nghiệp tốt, dân hưởng lợi, không ùn tắc và TNGT”.

Cũng tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đồng ý ga Yên Viên sẽ được làm theo hình thức BOT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.