Bí mật vận động hành lang chính phủ
Hãng tin Guardian cùng nhiều hãng thông tấn khác đã đăng tải thông tin về việc rò rỉ các hồ sơ mật với cáo buộc hãng xe công nghệ Uber phạm luật, lợi dụng tình trạng bạo lực đối với lái xe công nghệ để thu được lợi ích cho công ty và bí mật vận động hành lang quan chức nhiều chính phủ trên thế giới trong quá trình mở rộng hoạt động của công ty ra toàn cầu.
Theo Guardian, thông tin rò rỉ bao gồm 124.000 tài liệu với 83.000 email, tin nhắn iMessages và WhatsApp, được gọi là "Hồ sơ Uber", liên quan tới giai đoạn hoạt động trong 5 năm (2013-2017) của Uber dưới sự lãnh đạo của nhà đồng sáng lập Travis Kalanick.
Qua đó, vén bức màn về các phương pháp Uber sử dụng để trở thành một công ty đa quốc gia, tiết lộ cách Uber mở rộng hoạt động tại 40 quốc gia trên thế giới và đưa dịch vụ taxi công nghệ tới nhiều thành phố.
Lái xe taxi Pháp biểu tình phản đối app taxi công nghệ như Uber. Ảnh - Shutterstock
Đáng chú ý, trong khối lượng thông tin rò rỉ có tin nhắn giữa ông Kalanick và ông Emmanuel Macron, khi đó giữ chức Bộ trưởng Kinh tế Pháp.
Theo Guardian, Uber thường xuyên được tiếp cận trực tiếp với ông Macron và các nhân viên của ông. Ông Macron cũng được cho là bí mật giúp đỡ hoạt động của Uber tại Pháp.
Chẳng hạn như có tài liệu cho thấy ông Macron đã nói với Uber rằng ông đã môi giới một thỏa thuận bí mật với những người phản đối Uber trong nội các Pháp.
Từ Moscow (Nga) tới Johannesburg (Nam Phi), Uber áp dụng chính sách trợ giá các chuyến xe, sử dụng các chương trình ưu đãi về giá không có tính bền vững để thu hút lái xe và hành khách sử dụng ứng dụng Uber.
Theo Guardian, Uber bị cáo buộc gây áp lực khiến chính phủ các nước phải sửa đổi luật để mở đường cho mô hình ứng dụng taxi công nghệ. Nhằm xử lý tình trạng phản đối công ty và đạt được thay đổi về luật lao động và luật liên quan tới dịch vụ taxi theo hướng có lợi, Uber đã dự định chi 90 triệu USD trong năm 2016 cho hoạt động vận động hành lang và quan hệ công chúng.
Một xe Uber tại Moscow. Ảnh - Alamy
Chính sách của công ty bao gồm tạo quan hệ trực tiếp với thị trưởng các thành phố cũng như các quan chức chịu trách nhiệm về giao thông vận tải.
Ban lãnh đạo Uber đã gặp gỡ trực tiếp nhiều chính trị gia như ông Macron, gặp ông Joe Biden - khi đó là Phó Tổng thống Mỹ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thủ tướng Ireland Enda Kenny, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào thời điểm đó.
Công ty đạt được sự hậu thuẫn của các cá nhân quyền lực tại Nga, Italia và Đức qua việc đưa các nhân vật này thành nhà đầu tư chiến lược của công ty.
Để giải quyết tranh cãi liên quan tới chính sách hoạt động của công ty, Uber trả tiền cho các học giả để thực hiện nghiên cứu ủng hộ khẳng định của công ty về lợi ích của mô hình kinh doanh của Uber.
Lợi dụng biểu tình để gây sức ép?
Tháng 1/2016, Uber vấp phải sự phản đối dữ dội của lái xe taxi truyền thống tại Bỉ, Tây Ban Nha, Italia và Pháp, những người lo ngại kế sinh nhai của họ sẽ bị ảnh hưởng trước sự mở rộng của Uber.
Trong khi các cuộc biểu tình, đình công của lái xe taxi tại Paris diễn ra, ông Kalanick đã yêu cầu ban lãnh đạo Uber tại Pháp khuyến khích các lái xe Uber tham gia biểu tình đối đầu với taxi truyền thống.
Khi được cảnh báo việc này có thể dẫn tới nguy cơ lái xe Uber bị tấn công, ông Kalanick vẫn kiên quyết yêu cầu ban lãnh đạo Uber thực hiện theo kế hoạch và khẳng định “Tôi nghĩ điều này đáng giá. Bạo lực đảm bảo thành công”.
Lái xe taxi truyền thống biểu tình, chặn đường phản đối quyết định cấp phép cho Uber hoạt động tại Anh năm 2016. Ảnh- EPA
Một cựu giám đốc cấp cao của Uber chia sẻ với Guardian về chiến lược “vũ khí hóa” lái xe và lợi dụng bạo lực với lái xe Uber để thổi bùng tranh cãi. Các email rò rỉ cho thấy chiến lược này được áp dụng tại Italia, Bỉ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Hà Lan.
Chẳng hạn, khi các lái xe taxi truyền thống đe dọa tài xế Uber tại Amsterdam vào tháng 3/2015, Uber đã tìm cách biến vấn đề này thành lợi thế để khiến Chính phủ Hà Lan phải nhượng bộ, theo thông tin từ tài liệu.
Về phần mình, phát ngôn viên của ông Kalanick bày tỏ nghi ngờ về tính chính xác của một số tài liệu và cho rằng ông Kalanick không bao giờ đề xuất lợi dụng tình trạng bạo lực đối với lái xe và khẳng định thông tin về việc ông Kalanick tham gia vào hành động này là ‘hoàn toàn sai lệch”.
Trong thông báo phản hồi trước vụ rò rỉ thông tin, Uber thừa nhận có một số sai lầm và sơ suất liên quan tới đãi ngộ với lái xe nhưng khẳng định đã thay đổi đáng kể từ năm 2017 dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành hiện tại là ông Dara Khosrowshahi. Phát ngôn viên Uber khẳng định không thành viên lãnh đạo nào, bao gồm ông Kalanick, mong muốn xảy ra bạo lực với lái xe.
Ông này đã bị buộc từ chức vào năm 2017 sau những cáo buộc ông có cách quản lý tàn bạo và nhiều lần quấy rối tình dục tại công ty.
Chiêu trò ngăn cản cơ quan điều tra?
Trong email nội bộ, bản thân nhiều lãnh đạo của Uber đã tỏ vẻ nghi ngờ tới hoạt động của công ty tại một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc, Pháp, Thụy Điển, Đức và Nga.
Một giám đốc cấp cao viết trong email rằng khuyến cáo, vì Uber còn chưa hợp pháp tại nhiều quốc gia nên cần tránh đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi
Còn một giám đốc khác bình luận về chiến lược mà công ty đã chuẩn bị né tránh lực lượng thực thi pháp luật rằng: “Chúng ta đã chính thức trở thành cướp biển”.
Ông Travis Kalanick, đồng sáng lập Uber. Ảnh - Reuters
Bên cạnh đó, Guardian dẫn một số thông tin rò rỉ cho biết Uber đã sử dụng các biện pháp tinh vi để ngăn cản cơ quan điều tra hoạt động của công ty. Khi một văn phòng Uber bị cơ quan chức năng điều tra, ban điều hành công ty sẽ chỉ đạo nhân viên công nghệ ngắt kết nối với hệ thống dữ liệu chính của công ty nhằm ngăn cản cơ quan chức năng thu thập bằng chứng.
Thông tin rò rỉ cho thấy phương pháp này đã được áp dụng ít nhất 12 lần trong các vụ khám xét văn phòng Uber tại Pháp, Hà Lan, Bỉ, Italia, Hungary và Romania.
Phát ngôn viên của ông Kalanick cho biết chính sách này chỉ là hoạt động bình thường trong kinh doanh và không phạm luật. Trong đó, họ không xóa dữ liệu và đã được bộ phận pháp chế của Uber thông qua.
Phát ngôn viên Uber cho biết chính sách này không được công ty sử dụng để ngăn cản cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ, công ty đã dừng sử dụng phương pháp này vào năm 2017.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận