GS.TS. Nguyễn Đình Tấn |
Nhận định trên được GS.TS. Nguyễn Đình Tấn, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đưa ra khi trao đổi với Báo Giao thông về thực trạng bạo lực học đường đang ngày càng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng.
Đáng báo động
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ nữ sinh bị đánh hội đồng, thậm chí có em còn bị đánh tới cấm khẩu, ngất xỉu; nam sinh “dàn trận” đánh nhau không khác gì xã hội đen... Đón nhận thông tin về các vụ việc trên, ông có suy nghĩ gì?
Bạo lực học đường là một hiện tượng xã hội và điều đáng buồn là nó ngày càng có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Đây là hồi còi báo động đối với xã hội nói chung. Là một người trong ngành giáo dục, tôi thực sự thấy lo ngại trước thực trạng này.
Một điều tương đối lạ là nhiều vụ bạo lực học đường do nữ sinh gây ra, đánh nhau rất thô bạo, độ tuổi của các nữ sinh có hành vi bạo lực ngày càng trẻ. Xưa kia, nữ sinh thường chỉ nói xấu nhau, tìm cách hạ uy tín của nhau, mắng mỏ nhau, cùng lắm là cào cấu nhau. Nhưng gần đây là những hành vi đánh hội đồng với những cử chỉ rất thô bạo, phản cảm, rồi quay cả clip và đưa lên mạng… Đây là việc rất khó lý giải và ngay bản thân tôi có hàng chục năm nghiên cứu xã hội học cũng chưa thể cắt nghĩa nổi.
Đây không phải là lần đầu tiên những vụ việc như vậy xảy ra, nhiều người lo ngại việc giáo dục đạo đức trong nhà trường đang thực sự có vấn đề. Quan điểm của ông thế nào?
Quan điểm này đã được nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục đề cập tới. Ở Việt Nam, giáo dục về đạo đức, nhân cách, về cách học làm người đang bị buông lỏng. Sự buông lỏng đó xảy ra gần như trên cả nước chứ không ở riêng vùng miền nào. Nói chung, nền giáo dục của chúng ta vẫn còn khuôn cứng, mang nhiều dấu ấn của thời kỳ bao cấp, lý thuyết nhồi nhét rất nhiều, nhưng kỹ năng sống lại hạn chế.
Phải nói là trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân thuộc về nhà trường. Điều lệ, quản lý quy chế của nhà trường chưa thật nghiêm, còn khe hở, còn lỏng lẻo. Tiếp đó là vai trò của những người được phân công như giáo viên phụ trách lớp. Ví dụ như trường hợp nữ sinh bị đánh ở Trà Vinh cho thấy, ấm ức, mâu thuẫn giữa các em đã xuất hiện từ lâu, nhưng giáo viên trực tiếp phụ trách lớp lại không nắm được nên mới để sự việc xảy ra. Dường như các thầy cô chỉ quan tâm về đào tạo kỹ năng, kiến thức nhà trường, còn kỹ năng sống, chuẩn mực đạo đức, kiến thức pháp luật rất bị xem nhẹ.
Nữ sinh bị đánh hội đồng (hình ảnh được cắt từ clip) |
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống
Để xảy ra những sự việc như thế, theo ông, liệu còn có nguyên nhân từ phía gia đình, hay xã hội và đâu là nguyên nhân quan trọng nhất?
Đương nhiên là có nguyên nhân thuộc về gia đình, ví dụ những gia đình tan vỡ, hay mâu thuẫn thì cũng ảnh hưởng tới các em. Ra ngoài xã hội, các em lại gặp vô vàn những cạm bẫy, những “tấm gương” lệch chuẩn nên dễ dàng nhiễm những thói hư tật xấu. Nói chung là cả gia đình, nhà trường và xã hội đều có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách của các em. Cũng có một nguyên nhân khác ít được nhắc tới, đó là một phần do quy định pháp luật còn lỏng lẻo, chưa nghiêm. Ví dụ như quy định chỉ những người đủ 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự chẳng hạn, nên chăng đã đến lúc cần xem lại quy định này?
Sau khi sự việc xảy ra, một số nhà trường chọn biện pháp xử lý đuổi học những học sinh liên quan. Theo ông, cách xử lý như vậy có giải quyết được vấn đề?
Có nhà xã hội học cho rằng, cần phải tăng cường hình phạt, tăng cường hình thức răn đe; răn đe càng nghiêm khắc, kịp thời thì mức độ nguy hại và các hành vi bạo lực càng giảm đi. Cũng có ý kiến cho rằng nếu như hình phạt của chúng ta cứ tăng lên như vậy thì sẽ không tốt. Bởi quá trình xã hội hóa con người không chỉ ở riêng trong nhà trường, mà còn cả gia đình và xã hội. Tôi nghiêng về ý kiến cho rằng không nên quá lạm dụng các hình phạt, vì đối với tuổi trẻ học đường, tuổi vị thành niên thì đó là lứa tuổi chưa phải là người lớn hoàn toàn, nhưng cũng không còn là trẻ em nữa. Lứa tuổi này luôn muốn khẳng định cái tôi của mình rất mạnh mẽ, nếu tăng hình phạt thì có thể thui chột đi khả năng của các em, vì thế cần phải dung hòa, tức là trong từng trường hợp cụ thể, có lúc cần tăng hình phạt lên, có lúc cần giảm lược hình phạt đi.
Theo tôi, trước hết, ngoài hình phạt nghiêm túc, ngay, trúng và đúng thì cần có biện pháp giáo dục pháp luật để các em nhận thức được về nó mà phòng tránh. Giải pháp phải căn cứ vào phức hợp các nguyên nhân. Quan trọng nhất là tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trong đó đặc biệt chú trọng đến đạo đức học đường và cốt lõi phải dạy các em cách học làm người.
Cảm ơn ông!
TS. Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội):
Bạo lực học đường gia tăng cũng phản ánh bạo lực gia tăng ngoài xã hội, trẻ em bắt chước tất cả những gì của người lớn và rất nhiều hành động của người lớn trong xã hội đang là tấm gương xấu cho trẻ em. Lý do thứ hai là chương trình giáo dục của chúng ta nặng về nhồi nhét kiến thức mà không trang bị cho các em những kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, kỹ năng hóa giải những mâu thuẫn…, bởi vậy nên hễ mâu thuẫn là các em sử dụng bạo lực thay vì hóa giải bằng các biện pháp tích cực. Để hạn chế tình trạng này, chúng ta phải có dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, về kỹ năng sống, về cách giải quyết mâu thuẫn trong nhà trường, xã hội; thay đổi chương trình giảng dạy trong nhà trường. Tôi thấy trong nhiều trường hợp, nhà trường thường đưa ra cách xử lý là đuổi học học sinh đánh nhau, nhưng theo tôi, đây là một biện pháp rất tiêu cực, nó thể hiện sự bất lực của nhà trường. Nếu đuổi học thì đẩy các em đi đâu? Chắc chắn, sẽ chỉ đẩy các em ra một môi trường xấu hơn và nguy hiểm hơn. Hoài Vũ (Ghi) |
||
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận