Sáng 15/11, bão số 13 đổ bộ Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tới 10 giờ hôm nay, 13/11, vị trí tâm bão số 13 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão.
Vùng nguy hiểm do bão số 13 trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,0 đến 117,0 độ Kinh Đông. Vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) và phía Bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao từ 4-6m, vùng gần tâm bão 8-10m; biển động dữ dội. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Dự báo bão số 13 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong sáng 15/11; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm nay (13/11), vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.
Dự báo thời tiết trên đất liền từ sáng mai, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng ven biển có nơi cấp 9, giật cấp 11.
"Các địa phương cần lưu ý lốc xoáy, gió giật mạnh sẽ xuất hiện từ chiều tối mai, trước khi bão cập bờ.
"Từ ngày 14-16/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 350mm; các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa 50-150mm. Mưa lớn dồn dập sẽ tập trung tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, và Đà Nẵng".
Từ ngày 14-16/11, trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện một đợt lũ ở mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét sạt lở đất", ông Khiêm nhấn mạnh.
Lưu ý vận hành hồ chứa an toàn, góp phần cắt lũ
Tại cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão số 13 trong sáng 13/11, báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết có gần 60.000 tàu, thuyền đã được thông báo về diễn biến của bão để di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện, không còn phương tiện trong vùng chịu ảnh hưởng của bão.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: "Mặc dù khi đổ bộ vào bờ, bão số 13 đã giảm cấp nhưng vẫn giật cấp 11, nhà cấp 4 không kiên cố khó có thể trụ được; đồng thời hoàn lưu bão gây mưa lớn diện rộng tại miền Trung khiến nguy cơ ngập úng, sạt lở đất cao. Do đó, nếu không có biện pháp sơ tán dân thì thiệt hại khó lường”.
Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định không chủ quan, tiếp tục rà soát các tàu thuyền, đảm bảo không bỏ sót. Tại những khu neo đậu tàu thuyền, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản cũng phải kiểm tra, khi cần thiết phải cưỡng chế người dân về nơi an toàn. Yêu cầu đảm bảo an toàn trên biển, từ Thanh Hóa tới Bình Định thuộc phạm vi có ảnh hưởng bão số 13 phải kiểm đếm tàu thuyền, đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trên đất liền Phó thủ tướng yêu cầu đảm bảo công tác sơ tán người dân, bảo vệ các công trình sản xuất, khu vực kinh doanh dịch vụ ven biển... Đặc biệt yêu cầu các địa phương rà soát hồ đập; vận hành an toàn hồ chứa thủy điện vừa góp phần cắt lũ vừa bảo đảm an toàn đập.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận