Bão số 16 là cơn bão rất đặc biệt, đổ bộ vào cuối năm với cấp độ mạnh chưa từng có trong lịch sử |
Chiều nay 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão số 16 với tên quốc tế là Tembin- Trâu mộng.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, cho biết: Tính tới chiều nay, bão số 16 đang ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa, đến chiều ngày 25/12, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Côn Đảo; tối và đêm ngày 25/12, bão ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; sau đó tiếp tục gây nguy hiểm cho vùng biển từ Cà Mau tới Kiên Giang và các địa phương trong đất liền với gió cấp 10, giật cấp 13.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão số 16 |
"Đây là cơn bão rất đặc biệt, trong lịch sử chưa từng có cơn bão nào hoạt động ở thời điểm này ở cấp độ mạnh như vậy. Vì vậy, việc ứng phó cũng phải ở cấp độ rất đặc biệt.", ông Cường nói.
Trước diễn biến của bão Tembin, ông Trần Quang Hoài, tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 9 huy động máy bay trực thăng bay dọc ven biển, hải đảo, khu vực cửa sông nhất là tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động ven bờ, người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, đến 15 giờ ngày 24/12, các địa phương đã hoàn thành việc tổ chức cấm biển. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp với các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.120 phương tiện/343.163 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Về công tác sơ tán dân, 4 tỉnh, thành phố đã có báo cáo, di dời được 13.564 người/853.604 người thuộc 9 tỉnh có kế hoạch di dời (gồm Bình Dương 1.638/3.998 người đạt 24%; TP HCM 4.926/4.926 người đạt 100%; Bạc Liêu 7.000/350.634 người đạt 2%).
Chiều tối 24/12, cơ quan khí tượng cũng phát đi cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và khu vực Nam Bộ. Cụ thể, do ảnh hưởng mưa của cơn bão số 16, chiều và đêm mai (25/12), nguy cơ cao xảy ra ngập úng diện rộng, sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực Nam Bộ. Đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ ở vùng trũng thấp, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, đặc biệt các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông có nguy cơ xảy ra trên các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận