Sáng nay, bão Tembin-Trâu mộng đã chính thức vào biển Đông, trở thành cơn bão số 16 đi vào Việt Nam. |
Hiện nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang khẩn trương triển khai các biện pháp để phòng chống bão số 16.
Chiều 24/12, Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, đã chuẩn bị khoảng 150 phương tiện để chuyển dân ở các xã Tân Điền, Tân Thành…(Gò Công Đông), các xã của huyện Tân Phú Đông sang huyện Gò Công Tây và Chợ Gạo trước khi bão đến. Đồng thời gia cường cầu phao Tân Long. Ngoài ra, Sở cũng kiểm tra tất cả các bến phà ở các huyện, thị phía Đông... Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang yêu cầu các trường phải tổ chức trực 24/24, bảo vệ tài sản của trường và kiến nghị UBND tỉnh cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày 25 và 26-12…
Ông Nguyễn Hữu Lợi, Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 3 cho biết, Cảng vụ đã triển khai công tác phòng chống bão tại Tiền Giang và Bến Tre. Đồng thời thông báo chủ bến ở 2 tỉnh tổ chức neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn. “Ngay hôm nay, tạm ngưng không cấp phép tàu thuyền rời bến”, ông Lợi cho biết.
Điện Lực Tiền Giang huy động khoảng 400 nhân viên đơn vị sẵn sàng ứng phó với bão. Nếu cần thiết sẽ huy động thêm các công ty xây lắp điện trên địa bàn khoảng 100 người nữa. Điện lực dự phòng 400 trụ điện đã chuyển qua huyện Tân Phú Đông.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, huyện Tân Phú Đông đã kiểm tra, rà soát, thống kê số hộ, số dân di dời; chằng buộc nhà cửa thô sơ, tôn cao bờ bao, đê bao để bảo vệ sản xuất. Trường hợp bão có sức gió mạnh nhất dưới cấp 10 tổ chức sơ tán bước 1 trên 10.500 người/ 4.443 hộ, điểm đến 331 điểm tránh trú; đối với bão trên cấp 10, huyện sơ tán dân trong huyện trên 33.789 người, sơ tán sang huyện khác trên 10.000 người.
Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đã thống nhất cấm tàu thuyền ra khơi từ 8 giờ sáng 22/12, đồng thời học sinh toàn tỉnh được thông báo nghỉ học trong ngày 25 – 26/12 đề phòng bão đổ bộ. Ông Nguyễn Khánh Hoan, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre cho biết: “Tỉnh tổ chức họp, có chủ tịch các huyện để nêu rõ các biện pháp phòng chống, không chủ quan trước diễn biến của bão số 16. Chúng tôi đề ra 8 nhiệm vụ và 18 biện pháp để thực hiện. Cùng với đó, kiên quyết sơ tán dân, rà soát các điểm xung yếu. Tiến hành di dời dân trước 12 giờ ngày 25/12, bởi theo dự báo khả năng bão đổ bộ tối 25, sáng 26/12”.
Tiền Giang còn gần 800 tàu thuyền đánh bắt xa bờ trên biển. Ảnh: Hải Đường |
Riêng Cà Mau, hiện tỉnh sẵn sàng kế hoạch di dời 85 ngàn dân. Cụ thể, các huyện ven biển của tỉnh như U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Ngọc Hiển, Đầm Dơi,... đã sẵn sàng các phương án đi dời dân khi được yêu cầu. Nếu bão Tembin vào và sức gió dưới cấp 10, thì các địa phương này phải sơ tán khoảng 85 ngàn người dân. Nếu bão đổ mạnh trên cấp 10, toàn tỉnh Cà Mau sẽ sơ tán khoảng 230 ngàn người dân.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau tính đến thời điểm này, địa phương có 8.114/17.401 nhà đã triển khai chằng chống. Có 87.964 người thuộc diện phải di dời sơ tán. Đối với tàu đang khai thác trên biển, theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, đến 6 giờ sáng 24-12, còn 595 phương tiện của địa phương đang hoạt động trên biển, với 178 tàu đang hoạt động xa bờ. Đơn vị đã cán bộ chiến sĩ xuống tận nhà dân để liên lạc với tàu. Sau khi nắm được vị trí của từng tàu sẽ hướng dẫn người dân vào những khu tránh trú bão an toàn.
Ông Kim Ngọc Thái, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh cho hay, toàn tỉnh hiện có 1.216 tàu thuyền đánh cá với 4.861 ngư dân hành nghề. Tất cả tàu thuyền và ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn, đợi đến khi thời tiết thuận lợi cũng như có thông báo mới nhất.
“Bão số 16 sắp đi vào biển Đông, riêng Trà Vinh sẽ bị ảnh hưởng tại các huyện ven biển như: Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Thị xã Duyên Hải”, ông Thái nói và cho biết: đây là siêu bão với mức độ rủi ro khó lường, nên công tác chủ động ứng phó luôn được đặt lên hàng đầu đề phòng trường hợp xấu nhất.
Ngư dân Nguyễn Văn Cường (45 tuổi, ngụ xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), chủ tàu đánh cá gần bờ tại cửa biển Cung Hầu (huyện Cầu Ngang) cho biết, sau khi có thông tin bão, ông đã cho ghe vào bờ neo đậu an toàn và không ra biển từ sáng 23/12.
Từ chiều qua (23/12), Công an tỉnh Trà Vinh đã triển đến tất cả các lực lượng, Công an huyện, thị xã và thành phố và trực chiến 24/24, để chủ động kịp thời ứng phó với bảo lũ, giảm thiểu thiệt hại và bảo về tính mạng, tài sản cho người dân vùng bị ảnh hưởng.
Thượng tá Trần Trọng Lễ, Phó trưởng Công an huyện Duyên Hải cho biết, UBND huyện đã tổ chức họp và triển khai công tác ứng phó với bão với các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn. Trong sáng 24/12, lực lượng Công an xã trực tiếp kiểm tra các khu vực xung yếu, vùng ngoài đê và vận động, sơ tán các hộ dân có người già yếu, trẻ em đến nơi an toàn. Lực lượng Công an cũng tăng cường bám chặt địa bàn để bảo vệ tài sản, giữ gìn an ninh trật tự trong trường hợp nếu cần phải sơ tán người dân đi tránh bão.
Ở huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), trước tình hình bão số 16, huyện đã cấm tất cả tàu thuyền ra khơi và cho học sinh nghỉ học từ ngày 25/12 đến hết bão, đồng thời huyện kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, gia cố bè cá, đảm bảo chắc chắn; chằng chống nhà cửa. Đặc biệt, thống kê số người dân sống ven biển và lên phương án di dời dân đến nơi ở an toàn. Được biết, trên đảo Phú Quốc hiện có khoảng 20.000 học sinh đang theo học ở các trường THPT và THCS, tiểu học. Tổng số tàu đánh cá trên vùng biển Phú Quốc khoảng 2.600 tàu. Đa số các tàu cá đã vào nơi trú ẩn an toàn, địa phương tiếp tục, khẩn trương thông báo cho các tàu còn lại vào bờ, tránh bão.
Sáng ngày 24/12, để chủ động ứng phó với cơn bãoTembin( bão số 16), cơn bão được nâng lên cấp thảm họa và có xu hướng mạnh hơn cơn bão Linđa, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV, thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa có văn bản chỉ đạo đến các phòng, ban nghiệp vụ, các đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc về việc chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của bão này.
Cụ thể, đơn vị đã gửi văn bản chỉ đạo về 16 đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa trực thuộc tại các tỉnh ĐBSCL. Theo nội dung văn bản chỉ đạo, để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp, đồng thời nhằm đảm bảo an toàn về người và phương tiện, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV yêu cầu Trưởng các Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh. Triển khai các phương án, biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; bảo vệ văn phòng Đại diện, các Tổ Cảng vụ, nhà cửa, phương tiện, tính mạng cho cán bộ viên chức trong các đơn vị trực thuộc, hạn chế tối thiểu những thiệt hại do mưa, bão, lốc gây ra. Bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Bến Tre có khoảng 2.300 tàu thuyền với hơn 12.400 ngư dân. Ảnh: Hải Đường |
Song song đó, các đơn vị trực thuộc tại các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quản lý triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Khuyến cáo, hướng dẫn chủ phương tiện neo đậu tại những nơi an toàn để tránh bão; Không cấp giấy phép rời cảng, bến đối với những phương tiện hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa đang xảy ra bão, đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với phương tiện, đội ngũ thuyền viên và người lái phương tiện tại cảng, bến thủy nội địa. Đình chỉ hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan đình chỉ hoạt động của cảng, bến, phương tiện thủy nội địa trong khu vực có dự báo bão đổ bộ.
Ông Huỳnh Văn Út, Phó Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực IV cho biết, để chủ động ứng phó với bão, ngoài việc ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị Đại diện, đơn vị còn yêu cầu các đơn vị này bố trí lực lượng 100% túc trực 24/24, đồng thời tổ chức 3 đoàn công tác trực tiếp đến kiểm tra tại các đại diện (dự kiến có cơn bão đi qua), kiểm tra hiện trường các cảng, bến về công tác chuẩn bị, ứng phó với cơn bão. Song song đó, phối hợp với Ban phòng chống lụt bảo địa phương sẵn sàng tham gia cứu hộ cứu nạn kịp thời khi có yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận