Ông đánh giá như thế nào về hậu họa mà cơn bão số 3 Yagi gây ra cho môi trường sống?
Cơn bão số 3 Yagi vừa xảy ra cách đây mấy ngày đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nhiều tỉnh, thành phố bị lũ, lụt ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Tại những vùng ngập lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do phân, rác, nước thải, bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật... bị cuốn chung vào nguồn nước.
Các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường. Cây cối, hoa màu bị chết vì bị ngâm trong nước lâu ngày; xác chết của một số loài động vật, gia súc, gia cầm gây nguy cơ dịch bệnh cho người và động vật.
Ô nhiễm như vậy ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe của người dân? Những dịch bệnh nào có nguy cơ xảy ra, thưa ông?
Môi trường ô nhiễm, làm virus, vi khuẩn phát sinh dẫn đến bệnh truyền nhiễm gia tăng.
Khi không có nước sạch để sử dụng dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh da liễu, đau mắt. Ngoài ra, người dân cũng dễ mắc các bệnh hô hấp như cúm, cảm lạnh.
Nhiều người mắc bệnh mạn tính, nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể mắc một bệnh cấp tính khác. Người lao động mệt mỏi cũng dễ mắc bệnh do lâu ngày thiếu dinh dưỡng, ăn uống không đủ chất.
Môi trường sống bị ô nhiễm thường nảy sinh một số bệnh như tiêu chảy, lỵ, thương hàn, ngộ độc thức ăn, viêm phổi... Ngoài ra còn có thể có những bệnh do véc tơ gây ra như sốt xuất huyết.
Trong, hoặc sau bão, lũ, ngập lụt, người dân không chỉ đối mặt với nguy cơ cao về dịch bệnh, mà còn có thể bị đuối nước, bị chấn thương nhưng lại không được tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời.
Bên cạnh đó, cũng có những tình huống khẩn cấp như bệnh đột quỵ, đẻ rơi, tai biến sản khoa… Đó đều là những mối đe dọa thường trực với người dân trong thiên tai, bão, lũ và chúng ta cần có sự chuẩn bị cho những trường hợp như vậy có thể xảy ra.
Đâu là việc người dân cần ưu tiên làm khi xảy ra bão lũ, ngập lụt?
Sau bão lũ, ngập lụt, nước rút đến đâu cần vệ sinh môi trường, quét dọn đến đó, nhất là đối với miền núi phía Bắc - những nơi chịu thiệt hại vì lũ ống, lũ quét… Nước ngập lâu ngày thường kèm bùn đất, chất bẩn. Chính vì vậy, dọn dẹp nhanh chóng vừa hạn chế phát sinh dịch bệnh, vừa giúp cho công việc diễn ra nhanh hơn.
Tiếp đó, người dân phải tiếp cận với nguồn nước sạch, phục vụ cho mục đích ăn uống và sinh hoạt. Thiếu nước sạch ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tới tính mạng của người dân. Những hư hỏng trong hệ thống thu gom xử lý nước thải và rác thải có thể làm ô nhiễm các nguồn nước, suy thoái môi trường, tạo điều kiện cho virus gây bệnh có thể phát triển, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Tình trạng này còn trở nên trầm trọng hơn tại các nơi sơ tán, nơi thường tập trung đông người, thiếu nước sạch cũng như các công trình vệ sinh. Trong bão lụt, khi các dịch vụ cấp nước và vệ sinh bị gián đoạn, người dân thường phải tự tìm đến các nguồn nước khác thường là không đảm bảo vệ sinh.
Cần thau rửa sạch bể chứa nước, giếng nước, kể cả những bể ở trên nóc nhà. Có thể sát khuẩn nước bằng chất Cloramin B để có nước sạch dùng. Một viên Cloramin B hàm lượng 0,25g khử trùng được 25 lít nước và 1 viên Aquatabs 0,67g có thể khử trùng được 20 lít nước.
Bên cạnh đó, người dân nên phòng bệnh bằng cách ăn chín, uống chín, diệt bọ gậy, các côn trùng. Trong trường hợp bị mắc bệnh do lũ lụt gây ra, người dân cần tiếp cận ngay với dịch vụ y tế.
Còn về phía chính quyền các cấp thì sao, cần ưu tiên làm gì để người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế, đồng thời từng bước ổn định đời sống?
Có rất nhiều việc cần đến sự vào cuộc tích cực của chính quyền. Các nhà máy nước, hệ thống thu gom và xử lý rác thải có thể gặp khó khăn trong mưa bão do cơ sở hạ tầng bị phá hỏng. Cùng lúc các nhà máy phải đáp ứng nhu cầu nước sạch và vệ sinh của người dân trong tình huống khẩn cấp, khôi phục hoạt động, chuẩn bị để ứng phó với các thảm họa trong tương lai sẽ là những thách thức mà ngành cấp nước và vệ sinh phải đối mặt.
Để phòng chống ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho nhân dân trong và sau bão, lũ, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các phương án về nhân lực, nguồn lực để đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh trong các tình huống thiên tai. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cách xử lý nước và vệ sinh môi trường cho cán bộ y tế, người dân tại các tỉnh, thành bị bão, lũ, hay ngập lụt.
Cứu trợ người dân khốn khó trong thiên tai, bão lũ… đã trở thành nét văn hóa ở đất nước ta. Tuy nhiên, hỗ trợ đời sống người dân sau khi bão tan, nước rút có vẻ chưa được nhìn nhận đúng mức và đúng cách, thưa ông? Từ thực tiễn công tác cứu trợ những ngày vừa qua, ông thấy có điều gì cần thay đổi, điều chỉnh?
Việc làm thiện nguyện, những tấm lòng nhân ái, tinh thần đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn là truyền thống của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, người dân chủ yếu vẫn làm tự phát mà chưa được tổ chức một cách khoa học, hợp lý. Ngoài cứu đói, cứu rét… người dân vừa thoát khỏi bão, lũ hay ngập lụt rất cần sự hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Chẳng hạn, có thể giúp đỡ những gia đình neo người dọn dẹp, vệ sinh môi trường, hoặc trợ giúp về thuốc men, vật tư y tế.
Cơn bão số 3 tàn khốc cướp đi nhiều mạng sống và tàn phá tài sản nghiêm trọng của người dân. Cả nước đã một lòng hướng về những địa phương phải hứng chịu thiên tai, góp phần chia sẻ phần nào những đau thương, mất mát của đồng bào không may mắn.
Tuy nhiên, hành trình chia sẻ người dân hậu bão lũ còn rất dài với nhiều việc phải làm, trong đó số 1 là hỗ trợ họ chăm lo sức khỏe, ổn định đời sống như tôi chia sẻ ở trên. Bởi nếu không, nguy cơ dịch bệnh, ốm đau cũng sẽ là một gánh nặng, phí tổn lớn cho chính họ, gia đình họ và toàn xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận