Thưa ông, chúng ta đang phải chứng kiến cảnh nhiều tỉnh miền núi phía Bắc chìm trong biển nước. Số địa phương chịu cảnh ngập lụt vẫn tiếp tục mở rộng. Diễn biến sau bão Yagi này có bất thường, ngoài dự báo của chúng ta không?
Như chúng ta đã biết, hoàn lưu bão số 3 Yagi đang gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng. Mưa ở trên thượng nguồn là lý do khiến nước trên các con sông chảy về xuôi dâng cao. Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sáng nay (11/9), trong 12 - 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Cũng có ý kiến cho rằng, bên cạnh nguyên nhân do mưa lớn kéo dài, hoạt động xả lũ của một số hồ thuỷ điện góp phần khiến tình trạng ngập lụt càng thêm trầm trọng? Như tình cảnh ngập lụt ở Yên Bái, Thái Nguyên liên quan như thế nào đến thuỷ điện Thác Bà, hay Tuyên Quang chìm trong biển nước, thuỷ điện Tuyên Quang có "vô can" không, thưa ông?
Những ngày qua, mưa lớn ở lưu vực hồ Thác Bà khiến nước lũ đổ về nhiều. Ngày 10/9 và sáng nay phải xả mạnh. Dù vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo điều tiết. Cho đến thời điểm này mực nước bắt đầu giảm.
Hồ Thác Bà là hồ điều tiết nước cho hạ du nhiều năm qua, không phải năm nào mực nước cũng đầy. Năm nay, hồ Thác Bà đã đầy và phải xả lũ lần thứ hai. Việc xả lũ ở đây đương nhiên tác động đến vùng hạ du.
Thủy điện Thác Bà xả lũ phải chấp hành theo quy định, quy trình, chứ không phải cứ muốn là xả. Khi xả lũ phải tính toán và báo trước cho hạ du. Do lượng mưa trên thượng nguồn quá lớn, căn cứ vào tình hình thực tế, thủy điện Thác Bà phải xả lũ. Việc bảo đảm an toàn cho một hồ thủy điện là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, bởi nếu xảy ra sự cố thì đó là vấn đề rất lớn.
Ngoài nước từ hồ Thác Bà, nước từ bên Trung Quốc đổ về khiến mực nước sông Hồng dâng cao, cộng với mưa diễn ra trên diện rộng khiến một số khu vực bị ngập lụt.
Rất may cho chúng ta là mực nước trên sông Đà không quá lớn. Nếu không tình hình sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.
Một số khu vực tại Hà Nội đang phải đối mặt với lụt lội như Văn Quán, Phúc La quận Hà Đông, một số điểm ở quận Bắc Từ Liêm, thậm chí một số khu vực ngập sâu, bị cô lập như ở Chương Mỹ, Sóc Sơn… Ông nhận định ra sao về năng lực chống chọi của Thủ đô?
Ngập úng cục bộ là điều không thể tránh khỏi ở thời điểm hiện nay, trong bối cảnh chúng ta chưa hoàn thiện được toàn bộ hệ thống.
Không phải đến lúc xảy ra bão số 3 Yagi và sau đó là hoàn lưu bão thì một số khu vực tại Hà Nội mới bị ngập, lụt. Ví dụ như ở khu vực trạm bơm Yên Nghĩa, năng lực tiêu thoát đã được cải thiện đáng kể, nhưng hệ thống đường dẫn lại chưa hoàn thiện. Chính vì vậy, chỉ cần mưa lớn trong vài giờ đồng hồ là khu vực đại lộ Thăng Long bị ngập.
Trong những ngày qua, mưa kéo dài cộng với gió giật mạnh từ bão số 3 Yagi khiến nhiều cây, lá gãy đổ, rơi xuống dẫn đến cản trở đường tiêu thoát. Ngoài ra, sự cố mất điện ở một số nơi cũng khiến cho việc bơm tiêu thoát bị ảnh hưởng.
Nhiều ý kiến lo ngại, Hà Nội có thể phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt lịch sử như năm 2008? Mối lo này có cơ sở không, thưa ông?
Hiện nay, tôi nghĩ Hà Nội không phải quá lo lắng về vấn đề này. Chúng ta thấy mưa liên tục xảy ra trong những ngày qua, nhưng lượng mưa không lớn. Quan trọng, năng lực tiêu thoát hiện nay khác xa so với trước đây. Năm 2008, Hà Nội trải qua trận ngập lụt lịch sử, nhưng toàn bộ năng lực tiêu thoát khi đó chỉ vào khoảng 120m2/giây.
Sau trận ngập lụt lịch sử cách đây 16 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ quy hoạch tiêu úng cho Hà Nội, với toàn bộ công suất được phê duyệt là 545m2/giây.
Trạm bơm tiêu úng Vĩnh Tuy trước đây chỉ có công suất 45m2/giây, còn bây giờ được tăng lên 90m2/giây. Ngoài ra còn có trạm bơm Yên Nghĩa công suất bơm thoát 120m2/giây, trạm bơm Vĩnh Tuy cũng được nâng công suất lên gấp đôi. Trạm bơm Yên Sở có công suất tiêu thoát 90m2/giây.
Riêng năng lực tiêu thoát của trạm bơm Yên Nghĩa hiện nay bằng toàn bộ năng lực tiêu thoát của Hà Nội năm 2008. Đó là chưa kể đến các trạm Đào Nguyên, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2…
Toàn bộ năng lực tiêu thoát nước của Hà Nội hiện nay tăng gần gấp ba lần so với năm 2008. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn đề cao cảnh giác đối với bất cứ tình huống nào có thể xảy ra.
Đặt giả thiết "kịch bản" ngập lụt như hồi 2008 có thể tái hiện, theo ông chúng ta cần làm gì để ứng phó?
Trong tình huống xấu, mỗi người dân phải nâng cao ý thức, chấp hành khuyến cáo từ cơ quan chức năng.
Về mặt thông tin, người người dân phải tiếp cận với các nguồn chính thống từ các đơn vị hữu trách. Ví dụ như thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các trang thông tin điện tử của Chính phủ... Tự bản thân mỗi người cũng phải nắm bắt được những hiểm họa xung quanh, đối với từng loại hiểm họa khác nhau từ thiên tai để có biện pháp ứng phó phù hợp.
Nếu có thông tin báo bão, người dân phải chằng chống nhà cửa. Chuẩn bị sẵn sàng thực phẩm, hay các nhu yếu phẩm đủ dùng ít nhất trong vòng 5 ngày. Mưa bão, ngập lụt thường kèm theo là mất điện, nên người dân phải chuẩn bị những thứ thường dùng như sạc dự phòng cho điện thoại mới có thể duy trì liên lạc, đèn pin hay áo phao ở những nơi vùng trũng.
Đối với những khu vực hay bị ngập, lụt, người dẫn cần trữ nước vào can, các loại can dung tích khác nhau để tiện sử dụng. Khi hết nước, những chiếc can này có thể được dùng làm phao.
Mỗi khi xảy ra bão, lụt, người dân nên hạn chế đi lại, đề phòng cây đổ vào người, sét đánh, hoặc gặp tai nạn ở những chỗ bị ngập nước.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận