Xã hội

Bão Tembin giật cấp thảm họa, Nam bộ rốt ráo ứng phó

23/12/2017, 19:14

Trước diễn biến phức tạp của bão Tembin, Tiền Giang sơ tán khoảng 10.000 hộ dân, Bến Tre cho học sinh nghỉ học.

IMG_0429

Tiền Giang, Bến Tre kêu gọi hàng trăm tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn. Ảnh: Hải Đường 

Tin mới nhất về cơn bão Tembin: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16h ngày 23/12, vị trí tâm bão Tembin cách đảo Pa-la-oan (Philippin) khoảng 130km về phía Đông Nam với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão Tembin di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và có khả năng mạnh thêm. Dự báo, khoảng đêm nay (23/12), bão Tembin sẽ vượt qua phía Nam đảo Pa-la-oan (Philippin) và đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 16. Đến 16h ngày 24/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Bão trái mùa, diễn biến phức tạp

Trước diễn biến phức tạp của bão Tembin gần Biển Đông, sáng 23/12, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến ứng phó với bão Tembin.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nhận định đây là cơn bão mạnh đổ bộ vào Nam Bộ, một số địa phương còn chủ quan, kinh nghiệm ứng phó hạn chế.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Hoài, tập quán sinh sống, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng đang là những bất lợi khi bão đổ bộ. Khu vực Nam Bộ hiện có 29 điểm sạt lở khu dân cư tập trung ven biển với chiều dài 121 km, các tuyến đê biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau mới chỉ được thiết kế đảm bảo an toàn với bão cấp 9.

Tại hội nghị, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, dự kiến đêm nay, rạng sáng mai bão Tembin sẽ đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 16, bão di chuyển chủ yếu theo phía Tây với tốc độ 20-25km/h.

Cũng theo ông Cường, các trung tâm khí tượng của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hong Kong đều nhận định sau khi đi vào biển Đông, bão số 16 sẽ liên tục mạnh thêm, cao nhất khi vào đến phía Tây đảo Trường Sa có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 15, hướng vào Nam Bộ, ảnh hưởng trực tiếp Bà Rịa Vũng Tàu - Cà Mau vào đêm 25, rạng sáng 26/12.

Tuy nhiên do hoàn lưu bão lệch về phía Bắc và phía Tây nên vùng có gió lớn có thể mở rộng đến Bắc Bình Thuận.

“Khi vào bờ, bão có thể giảm nhẹ cấp nhưng thời gian từ đảo Trường Sa vào đến đất liền chưa đến 1 ngày nên tốc độ yếu đi chưa rõ ràng. Do đó cần ứng phó với phương án bão đổ bộ cấp 10-11, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4”, ông Cường nói. 

Thậm chí, nếu bão vẫn giữ nguyên cấp 12, giật cấp 15 khi đổ bộ thì lần đầu tiên phải nâng cấp độ rủi ro lên cấp 5 - cấp thảm họa.

1.

Đến thời điểm này, đa số tàu thuyền ở Cà Mau đã được vào nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: G.M

Cà Mau bắt đầu di dời 85.000 dân đến nơi an toàn

Chiều tối 23/12, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cà Mau cho biết, nhận định bão Tembin (khi vào biển Đông là bão số 16) sẽ đi rất nhanh, khoảng hai ngày nữa là có thể vào đất liền, và sẽ ảnh hưởng trưc tiếp đến Cà Mau. Hiện nay, công tác ứng phó bão của Cà Mau đã sẵn sàng.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã triển khai cho các thành viên ban chỉ huy xuống dưới các huyện họp ban chỉ huy phòng chống thiên tai cấp huyện. Huyện xuống xã, họp ở xã và triển khai xuống tận ấp, rà soát lại các phương án di dời dân, kêu gọi tàu thuyền, trước 16h chiều nay (23/12) cấm tàu, chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó với bão.

“Hiện nay các huyện ven biển trên địa bàn tỉnh như: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Ngọc Hiển, Đầm Dơi,...đã sẵn sàng các phương án di dời dân khi có lệnh. Nếu bão Tembin vào và sức gió tới cấp 10, thì các địa phương này phải sơ tán khoảng 85.000 người dân, ngay trong ngày hôm nay, tỉnh đang khẩn trương thực hiện phương án di dời số dân nói trên đến nơi an toàn ”, ông Hoai cho hay.

Tiền Giang sơ tán 10.000 hộ dân, Bến Tre học sinh nghỉ học

Chiều 23/12, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai tỉnh Tiền Giang cho biết, lãnh đạo tỉnh có mặt tại huyện cù lao Tân Phú Đông và huyện Gò Công Đông để kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó bão Tembin. Đến 19h tối nay, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ họp tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Gò Công Tây và thị Gò Công cùng dự họp kiểm điểm những gì đã làm, chưa làm để ứng phó với bão.

Dự kiến ngày 24/12, tỉnh sẽ sơ tán trước khoảng 10.000 hộ dân gồm người già, phụ nữ và trẻ em ở cù lao Tân Phú Đông sang đất liền và sơ tán tại chỗ cho hơn 10.000 hộ dân ở ven biển, ven sông vào các điểm an toàn; đã kêu gọi được khoảng 500 tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn. Chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng tỉnh Tiền Giang tiếp tục kêu gọi trên 700 tàu thuyền còn ngoài khơi vào nơi tránh bão. Tuy nhiên, số tàu thuyền này đều biết thông tin bão và chủ động tìm nơi nơi trú ẩn an toàn. Tỉnh đã ban hành công văn cấm tàu thuyền ra khơi từ 16h chiều 23/12.

Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã đến 3 huyện ven biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú để kiểm tra chỉ đạo các địa phương đối phó với siêu bão. Đến thời điểm này, hơn 2.000 tàu thuyền khai thác biển với trên 12.000 ngư dân đều đã liên lạc được với đất liền và đang vào bờ trú  ẩn. Tỉnh Bến Tre thực hiện phương án tại chỗ: triển khai các công tác cần thiết như sẽ di tản khoảng 20.000 hộ dân ở các cù lao ven cửa sông vào đất liền, bố trí lực lượng hộ đê và cho học sinh nghỉ học vào ngày 25-26/12.

Bình Thuận trực ban 24/24h

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 08/CĐ-UBND yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão Tembin (khi vào biển Đông sẽ là bão số 16), thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của cơn bão, hướng dẫn tìm nơi trú ẩn an toàn không đi vào vùng ảnh hưởng nguy hiểm của bão. Thông báo kịp thời cho nhân dân để điều chỉnh kế hoạch sản xuất và có các biện pháp phòng chống phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân, hỗ trợ người dân đưa tàu thuyền vào vùng an toàn, chằng chống nhà cửa chắc chắn…

Vũng Tàu lên kế hoạch sơ tán gần 80.000 người

Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang triển khai các phương án phòng chống bão Tembin. Từ ngày 22/12, tỉnh đã cấm không cho tàu ra khơi. Sáng 23/12, toàn tỉnh có trên 4.200 tàu neo đậu an toàn tại cảng, còn khoảng 1.600 tàu thuyền còn hoạt động trên biển, lực lượng biên phòng đã liên lạc với chủ tàu đề nghị tìm nơi tránh trú an toàn. Theo kế hoạch dự kiến, tỉnh sẽ sơ tán gần 80.000 người ở các khu vực, tập trung ở các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và Côn Đảo.

Ngay sau cuộc họp trực tuyến về công tác chủ động ứng phó bão Tembin, ông Lê Tuấn Quốc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh lập tức chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cập nhật thường xuyên thông tin về cơn bão, thông báo cho người dân nhanh chóng thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, thủy sản để giảm thiệt hại khi bão đổ bộ vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Đoàn thanh niên cùng bộ đội địa phương nhanh chóng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.