Tài chính

"Bão" thổi bay 1.000 tỷ vốn hóa của doanh nghiệp sở hữu Zalo VNG

06/09/2024, 18:54

Giữa lúc Việt Nam gồng mình chống bão số 3 Yagi, nhiều nhà đầu tư cổ phiếu VNZ của Công ty Cổ phần VNG cũng phải "gồng lỗ" khi vốn hóa của doanh nghiệp bốc hơi hơn 1.000 tỷ đồng chỉ trong một ngày.

Sắc đỏ bao trùm cổ phiếu VNG

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay 6/9, chỉ số VN-Index ở mức 1273.96 điểm, tăng 0,45% so với tham chiếu. Về giao dịch khối ngoại, nhóm ngoại đã mua ròng trở lại trên toàn thị trường với giá trị 253 tỷ đồng.

Trái ngược với sắc xanh của thị trường, trên sàn UPCoM, một hiện tượng lạ bất ngờ xảy ra sau khi hàng loạt nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu VNZ của Công ty Cổ phần VNG.

Trong phiên, cổ phiếu VNZ bắt đầu rớt giá mạnh từ sau 11h sáng và đến trước giờ đóng cửa nghỉ trưa giảm kịch sàn còn 437.800 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, VNZ dậm chân tại mức giá 480.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần 7%, vốn hóa thị trường còn 12.500 tỷ đồng.

"Bão" thổi bay 1.000 tỷ vốn hóa của doanh nghiệp sở hữu Zalo VNG- Ảnh 1.

Cổ phiếu VNZ của VNG bị bán tháo. Ảnh: Trading view.

Phiên giao dịch hôm nay cũng ghi nhận số cổ phiếu VNZ sang tay cao bất thường với 16.351 đơn vị, trong khi ngày 5/9 chỉ ghi nhận 179 đơn vị.

Việc VNZ bị bán tháo đã ngay lập tức "thổi bay" hơn 1.000 tỷ đồng vốn hóa của VNG.

Theo tìm hiểu, động thái của các nhà đầu tư có thể bắt nguồn từ những tin đồn, hình ảnh không kiểm chứng được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội trong ngày 6/9 liên quan đến VNG.

Dù vậy, hiện tại vẫn chưa có bất kỳ thông tin đính chính hay cụ thể nào từ các bên liên quan đến sự việc này.

Nhìn lại đà sụt giảm của mã VNZ, có thể nhận thấy kể từ mức đỉnh 1.279.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu này liên tục bị nhà đầu tư quay lưng và gần như chưa tìm được động lực để tăng trưởng trở lại.

Điều các nhà đầu tư băn khoăn có lẽ chính từ kết quả kinh doanh sa sút các năm trở lại đây của "Kỳ lân" công nghệ VNG.

VNG vẫn tiếp tục thua lỗ

Trong nửa đầu năm 2024, VNG đã ghi nhận doanh thu đạt 4.314 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, mảng trò chơi trực tuyến – lĩnh vực chủ lực của VNG – chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu, với tỷ lệ đóng góp lên đến 73,25%, tương đương 3.162 tỷ đồng.

"Bão" thổi bay 1.000 tỷ vốn hóa của doanh nghiệp sở hữu Zalo VNG- Ảnh 2.

Trụ sở công ty VNG ở quận 7, TP.HCM. Ảnh: VNG.

Dù đạt được tăng trưởng doanh thu, VNG vẫn phải đối mặt với tình trạng thua lỗ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty báo cáo khoản lỗ gần 586 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là một bước cải thiện đáng kể so với mức lỗ 1.205 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2023, tương đương giảm một nửa.

Khoản lỗ trong nửa đầu năm 2024 đã có tác động lớn đến lãi sau thuế chưa phân phối của VNG, khiến con số này giảm hơn 50,6% so với đầu năm, xuống còn hơn 1.402 tỷ đồng. Điều này đặt ra thách thức lớn cho công ty trong việc đạt được các mục tiêu tài chính cả năm.

Cụ thể, VNG đã đề ra kế hoạch doanh thu cho năm 2024 là 11.069 tỷ đồng, cùng với mục tiêu lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng. Với kết quả hiện tại, công ty mới chỉ hoàn thành gần 39% mục tiêu doanh thu, trong khi mục tiêu lợi nhuận vẫn còn rất xa vời. Điều này đòi hỏi VNG phải có những chiến lược mạnh mẽ và cải thiện hiệu quả hoạt động trong nửa cuối năm nếu muốn đạt được kế hoạch đã đề ra.

Trên bảng cân đối kế toán, tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của VNG đã đạt hơn 10.126 tỷ đồng, tăng hơn 5,5% so với đầu năm.

Trong kỳ, công ty đã có sự gia tăng đáng kể về đầu tư tài chính dài hạn, từ 1.181 tỷ đồng lên 1.310 tỷ đồng, chủ yếu là khoản đầu tư vào Công ty phát triển Phần mềm VTH. 

VTH từng là một công ty con của VNG, nhưng kể từ ngày 23/10/2023, VNG đã ký hợp đồng chào bán cổ phiếu VTH cho một nhóm nhà đầu tư chiến lược, và giao dịch được hoàn tất vào ngày 17/05/2024. Sau khi giao dịch này hoàn tất, tỷ lệ sở hữu của VNG tại VTH đã giảm từ 65% xuống còn 35%, và VTH được chuyển sang ghi nhận là công ty liên kết của tập đoàn.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các công ty liên kết của VNG lại không hoàn toàn khả quan. Trong tổng số 9 công ty liên kết, ngoại trừ Daione ghi nhận lãi gần 11 tỷ đồng, hầu hết các công ty còn lại đều báo lỗ.

Đáng chú ý là Tiki Global lỗ tới 510 tỷ đồng và Telio cũng ghi nhận mức lỗ 310,3 tỷ đồng. Những khoản lỗ này phản ánh sự khó khăn chung của thị trường thương mại điện tử và các dịch vụ công nghệ trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và môi trường kinh doanh không thuận lợi.

Song song với việc đầu tư vào các công ty liên kết, trong nửa đầu năm 2024, VNG cũng tăng mạnh đầu tư vào các công ty con, từ 4.838 tỷ đồng lên 6.435 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là việc công ty đã tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Zion – đơn vị sở hữu ứng dụng thanh toán Zalopay – từ 72,65% lên 99,99%. 

Tổng giá trị đầu tư vào Zion đạt hơn 5.141 tỷ đồng, thể hiện sự cam kết của VNG trong việc đẩy mạnh phát triển mảng thanh toán điện tử, một lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng lớn trong tương lai. Bên cạnh đó, giá trị dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con cũng tăng từ 3.297 tỷ đồng lên 4.778 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.