Chuyện dọc đường

Bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh

10/10/2017, 07:30

Hiện nay, khối kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP và tạo khoảng 60% việc làm cho cả nước.

21

Xử lý tham nhũng trong lĩnh vực tư cũng là góp phần chống tham nhũng trong lĩnh vực công (ảnh minh họa)

Hiện nay, khối kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP và tạo khoảng 60% việc làm cho cả nước. Nhưng cùng với đó, một số biểu hiện tiêu cực của khối kinh tế tư nhân cũng dần bộc lộ và gây tác động đến KT - XH.

Một trong những biểu hiện đó là tình trạng tham nhũng trong khu vực tư với các hành vi như đưa hối lộ, nhận hối lộ, tham ô, biển thủ…

Các hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, tác động xấu đến sự phân bổ hợp lý các nguồn lực xã hội, khiến tăng trưởng kinh tế không bền vững và gây ra bất công xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự can thiệp của Nhà nước bằng các biện pháp thích hợp để kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng trong khu vực tư.

Từ trước đến nay, khái niệm tham nhũng vẫn thường dùng để chỉ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm mưu lợi cá nhân. Cách định nghĩa này tự nó đã giới hạn rằng tham nhũng chỉ xảy ra ở khu vực công, nơi có những cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được trao chức vụ, quyền hạn. Khu vực tư tham gia vào tham nhũng chỉ là bên liên quan với các hành vi như đưa hối lộ, giúp che đậy hành vi tham nhũng, chứ không phải là chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng.

Tham nhũng trong khu vực công dễ dàng hơn do cơ chế người dân ủy quyền cho Nhà nước rất phức tạp và khó bị kiểm soát hơn lĩnh vực tư. Đặc biệt, tham nhũng trong khu vực công ảnh hưởng đến toàn xã hội nên dễ nhận được sự đồng thuận. Ngược lại, tham nhũng trong lĩnh vực tư đa dạng hơn nhiều và được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như “lợi dụng tín nhiệm”, “mâu thuẫn lợi ích”, “giao dịch tư lợi”…

PCTN trong khu vực tư là cần thiết nhưng vấn đề quan trọng là nội dung, cách thức như thế nào cho phù hợp. Liệu có nên buộc chủ DN phải kê khai tài sản như từng đưa ra tại dự thảo trước đây? Liệu các cơ quan pháp luật có thể dễ dàng vào DN, can thiệp vào các giao dịch dân sự với mục tiêu PCTN hay không? Đây là vấn đề cần cân nhắc thận trọng.

Mở rộng PCTN trong lĩnh vực tư cần xem xét hết sức cẩn trọng vì tôi lo ngại sẽ có một số nguy cơ. Trước hết là nguy cơ chuyển định hướng của các cơ quan PCTN. Vì PCTN trong khu vực công vốn đã khó khăn, rất động chạm; giờ mở thêm quyền hạn PCTN sang khu vực tư thì các cơ quan PCTN sẽ “ưu tiên” PCTN ở khu vực tư hơn. Lo ngại thứ hai là việc là lạm quyền. Vì đây là một cớ hợp pháp để hình sự hóa các quan hệ kinh tế, giao dịch dân sự nên xu hướng lạm dụng quyền lực của cơ quan công quyền hoàn toàn có thể xảy ra. Mục tiêu thì tốt nhưng cơ chế nào để giám sát, phòng ngừa tình trạng lạm quyền cũng là câu hỏi lớn.

Hiện tại, tình trạng quá nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN đã rất chồng chéo rồi, không hiểu với quyền hạn được trao để giám sát và ngăn chặn các hành vi tham nhũng trong nội bộ DN, với rất nhiều giao dịch có thể dễ dàng diễn giải có nguy cơ tham nhũng thì số lượng những cuộc thanh tra này còn đi đến đâu!

Lo ngại nữa, đó là hiệu ứng hiểu ngược từ người dân. Người dân có quyền đặt ra câu hỏi là với bộ máy, nguồn lực hiện tại, công tác PCTN thời gian qua trong khu vực công thực hiện còn chưa xong thì có mở rộng ra khu vực tư liệu có được không.

Nhưng dù thế nào, việc ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực tư cũng là điều rất cần thiết, vì dù tác động của mỗi vụ việc không lớn, nhưng số lượng vụ việc lại rất nhiều. PCTN trong lĩnh vực tư sẽ góp phần bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, tin cậy, giảm các chi phí để vận hành các thiết chế, hoạt động kiểm soát, từ đó tiết kiệm chi phí kinh doanh.

Đáng lưu ý, tham nhũng trong lĩnh vực tư có khả năng “lây lan” sang lĩnh vực công, bởi nếu các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư được xã hội nhìn nhận là “bình thường” thì các hành vi tương tự trong lĩnh vực công sẽ không được ngăn chặn thích đáng. 

 Đậu Anh Tuấn
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.