Cường độ bão không ngừng tăng
Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 4h sáng nay (5/9), tâm bão Yagi đang trên vùng biển bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 550km. Bão theo hướng Tây, sau chếch lên bắc một chút, tốc độ 10km/h, đến 4h ngày mai sẽ cách đảo Hải Nam khoảng 210km, sức gió 184 - 201km/h, cấp siêu bão.
Vẫn giữ hướng và tốc độ 10 - 15km/h, bão sau đó đổ bộ khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng và đi sâu vào miền Bắc, trong đó có Hà Nội.
Như vậy, trong vòng 24 giờ qua, cường độ bão số 3 đã tăng liền 4 cấp từ cấp 11 lên cấp 15.
Dự báo trong 24h tới hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10 - 15km/h và bão có khả năng mạnh lên thành siêu bão. Đến 4h sáng mai 6/9, tâm bão số 3 ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 210km về phía Đông, cường độ bão mạnh cấp 16 (184 - 201km/h), giật trên cấp 17.
Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17, biển động dữ dội.Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đi qua khu vực phía Nam bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) rồi đi vào vịnh Bắc Bộ, cường độ bão có khả năng suy yếu do ma sát với đất liền.
Sang sáng 7/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Đông Bắc vịnh Bắc Bộ, cường độ bão mạnh cấp 13 - 14, giật cấp 17. Trong 48 - 72 giờ tiếp theo (ngày 7/9), bão có khả năng đi vào đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng, trọng tâm ảnh hưởng là các tỉnh, thành Quảng Ninh - Ninh Bình.
Sau đó bão số 3 đi sâu vào đất liền phía Tây Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, rồi vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11 - 13, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14 - 16, giật trên cấp 17, biển động dữ dội.
Về vùng biển, trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 7 - 9m, vùng gần tâm bão 10 - 12m. Biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Cơ quan khí tượng cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 (rủi ro rất lớn) ở khu vực Bắc Biển Đông và rủi ro thiên tai cấp 3 (rủi ro lớn) ở khu vực vịnh Bắc Bộ. Từ khoảng đêm 6 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 300mm, có nơi trên 500mm.
Chủ động an toàn về người và tài sản
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định mối nguy hiểm của bão Yagi là tâm bão chưa vào nhưng khi cách đất liền Việt Nam 400 - 500km thì Bắc Bộ đã có thể xuất hiện mưa giông kèm lốc sét.
Theo ông Lâm với cơn bão này, các trung tâm dự báo quốc tế đều đồng nhất về hướng di chuyển, còn cường độ cực đại của bão còn tương đối phân tán. Đài khí tượng Bắc Kinh, Hong Kong (Trung Quốc) nhận định cường độ bão có thể mạnh cấp 17. Nhật Bản dự báo cuối cấp 15, Việt Nam dự báo cấp 16.
"Khoảng 70 - 80% bão số 3 sẽ đi qua eo giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam rồi vào vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên vẫn có khả năng (20 - 30%) bão sẽ đi lên bán đảo Lôi Châu và đi vào phía đất liền Trung Quốc", ông Lâm nói.
Nhận định về cơn bão Yagi, TS Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho rằng, cơn bão này có thể sẽ được ghi nhận là cơn bão có tốc độ tăng cấp nhanh nhất lịch sử các cơn bão hoạt động trong Biển Đông.
Nhờ điều kiện vô cùng thuận lợi của Biển Đông với mặt biển ấm và đứt gió yếu, nguồn năng lượng dồi dào nên bão YAGI đã tăng cấp rất nhanh. Từ cường độ mạnh cấp 8 khi vào Biển Đông, chỉ sau hơn một ngày bão tăng 5 cấp với cường độ mạnh lên cấp 13, giật cấp 16 vào chiều qua (4/9).
Thời điểm hiện tại, bão số 3 vẫn tiếp tục tăng cấp và có thể đạt mức siêu bão vào tối nay (5/9) với vận tốc lên đến trên 200km/h. Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng, bão số 3 là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông. Trong 8 năm qua, chúng ta chưa ghi nhận cơn bão mạnh nào đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bắc Bộ kể từ sau bão số 1 (Mirinae) năm 2016.
Theo TS Huy, với cấp gió được dự báo như hiện tại (100 - 120km/h) và gió giật mạnh cho thấy nguy cơ phá hủy hạ tầng lớn nên người dân cần chủ động các phương án để phòng ngừa rủi ro.
“Chủ động chằng chống nhà cửa, cắt tỉa hệ thống cây xanh, neo đậu tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản”, TS Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 86 ngày 3/9/2024 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận