Tài chính

Bất cập "trồng rừng bằng tiền", phá xong loay hoay trồng lại

Quy định trồng rừng bằng tiền khiến nhiều diện tích rừng bị mất đi, khó trồng lại do thiếu quỹ đất. Trong khi đó, hậu quả do mất rừng thì nhãn tiền khi thiên tai ngày càng thảm khốc.

Có tiền nhưng thiếu đất

Bất cập "trồng rừng bằng tiền", phá xong loay hoay trồng lại - Ảnh 1.

Dự án Khu du lịch thiên nhiên Robinson tại đảo Sung của Công ty CP Đầu tư du lịch Hòa Bình. Năm 2022, tỉnh Hoà Bình chấp thuận cho chủ đầu tư trồng rừng thay thế bằng tiền với diện tích 4ha, số tiền 251 triệu đồng

Theo quy định tại Luật Lâm nghiệp, chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế. Trường hợp không tự trồng rừng thay thế thì nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

Một trong những dự án "trồng rừng bằng tiền" điển hình là dự án Khu du lịch thiên nhiên Robinson do Công ty CP Đầu tư du lịch Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Thanh tra dự án chuyển đổi đất rừng

Theo báo cáo mới đây của Bộ TN&MT, chỉ tiêu sử dụng đất rừng phòng hộ đến hết năm 2025 cả nước tăng 53.400ha, nhưng đến hết năm 2022 chỉ tăng 2.090ha (3,9%).

Bộ TN&MT nhận xét, việc phát triển rừng ở nhiều địa phương chưa được quan tâm, đặc biệt là rừng phòng hộ. Do đó, tới đây, bộ sẽ tập trung thanh tra một số dự án có giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; một số dự án có chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và đất rừng phòng hộ do HĐND cấp tỉnh thông qua.

Năm 2018, Hòa Bình cho chủ đầu tư thuê 436.000m2 đất, trong đó có 336.000 m2 rừng phòng hộ tại đảo Sung, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc làm dự án. Năm 2022, tỉnh chấp thuận cho chủ đầu tư trồng rừng thay thế bằng tiền với diện tích 4ha, số tiền 251 triệu đồng (giá trồng rừng 62 triệu đồng/ha).

Hay như tại dự án trồng rừng kết hợp với du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương, tỉnh Hòa Bình cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển du lịch Hiền Lương chuyển mục đích 137.619m2 đất rừng sản xuất tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc làm dự án. Chủ đầu tư trồng rừng bằng cách nộp tiền với số tiền 140,7 triệu đồng (giá trồng rừng 10,7 triệu đồng/ha).

Mới đây, Hòa Bình cũng quyết định phê duyệt trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng đối với dự án sân golf Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần golf An Việt Hòa Bình trồng rừng thay thế là 131ha với giá 35 triệu đồng/ha. Tổng tiền trồng rừng thay thế phải nộp là 4,6 tỷ đồng.

Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng là 61 dự án với tổng diện tích 615,79ha. Trong đó, rừng phòng hộ là 45,42ha, đất rừng sản xuất là 570,37ha.

Bất cập "trồng rừng bằng tiền", phá xong loay hoay trồng lại - Ảnh 3.

Để thực hiện dự án sân golf Phúc Tiến ở Hòa Bình, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần golf An Việt Hòa Bình đã nộp 4,6 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế (131ha, giá 35 triệu đồng/ha).

Tương tự tại Bắc Giang, Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết, từ năm 2018 đến nay, tỉnh Bắc Giang có 116 dự án chuyển đổi đất rừng với diện tích 986,2ha.

Đáng nói, việc sử dụng quỹ bảo vệ và phát triển rừng để phục vụ trồng rừng đang bị ách tắc do thiếu đất.

Từ năm 2018 đến nay, Bắc Giang có 74 dự án nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh với diện tích 729,87ha, tương ứng với số tiền đã nộp là 42,694 tỷ đồng. Bắc Giang đã phân bổ 16,199 tỷ đồng để trồng 393,67ha rừng tập trung trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên và thành phố Bắc Giang.

Số tiền còn lại khoảng 23,400 tỷ đồng, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ NN&PTNT cho phép Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chuyển về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế ở địa phương khác.

Tính riêng năm 2023, trên địa bàn tỉnh này có 42 dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư cũng không bố trí được đất trồng rừng thay thế. Bắc Giang đã đề nghị Bộ NN&PTNT chấp thuận trồng rừng thay thế ở địa phương khác. Đến thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT mới thông báo số tiền phải nộp với 14 dự án.

Trong khi tỉnh Bắc Giang chia sẻ thẳng thắn công tác quản lý quỹ bảo vệ và phát triển rừng thì Sở NN&PTNT Hòa Bình né tránh thông tin dù đã có phiếu chuyển của văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình (số 6205/PC-VPUBND) giao sở này làm việc với PV Báo Giao thông.

Siết quy định "trồng rừng bằng tiền"

Dưới góc độ nghiên cứu địa chất, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất cho rằng, nhiều địa phương chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác, đất trồng cây công nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng là việc làm quan trọng.

Tuy nhiên, cần có những tiêu chí cụ thể về loại cây, giống cây, đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm phòng chống thiên tai, trượt lở.

Ông Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, việc cho phép các chủ đầu trồng rừng bằng tiền là một khe hở của pháp luật.

"Các chủ đầu tư chỉ đóng tiền mà không quan tâm trồng rừng ở đâu. Còn các địa phương thì loay hoay vì không tìm được đất. Bởi chỗ nào trồng được thì đã trồng rồi", ông Thế Anh nói.

Cũng theo vị này, quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở các địa phương rất nhiều nhưng sử dụng như thế nào không ai quản lý.

Bất cập "trồng rừng bằng tiền", phá xong loay hoay trồng lại - Ảnh 4.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Bắc Giang có 116 dự án chuyển đổi đất rừng với diện tích 986,2ha. Ảnh minh hoạ.

Do đó, ông Anh cho rằng, quy định này cần siết lại, chỉ cho phép chuyển đổi khi một dự án đã có kế hoạch trồng rừng thay thế, kế hoạch đó phải lập trước, thể hiện đầy đủ về vị trí, quy mô, giống cây trồng thay thế. Đối với đất rừng tự nhiên, chỉ ưu tiên những dự án quốc gia.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ NN&PTNT thừa nhận, khi đụng vào bất cứ diện tích rừng nào kể cả rừng trồng hay tự nhiên đều tác động đến môi trường.

"Nếu cứ tiếp tục cho phép trồng rừng bằng đóng tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng như thế, rõ ràng nhìn trong tương lai, sẽ không còn đất trồng rừng", ông Thiện nói và cho biết, tới đây Cục Kiểm lâm sẽ tham mưu sửa lại thông tư quy định về trồng rừng thay thế (Thông tư 25).

Theo đó, có hai biện pháp, một là sửa lại thông tư về trồng rừng thay thế theo hướng, trồng rừng theo kế hoạch được lập rõ ràng từ trước (không để tình trạng các địa phương cứ cho chuyển đổi, thu tiền quỹ rồi không biết trồng lại rừng ở đâu - PV).

Hai mở rộng theo hướng, quỹ phát triển rừng chuyển kinh phí sang trồng rừng gỗ lớn. "Bình thường, Nhà nước hỗ trợ 1ha rừng gỗ lớn là 5 - 10 triệu đồng. Tới đây, sẽ trích từ quỹ ra chi", ông Thiện cho hay.

Về hoạt động quản lý quỹ và sử dụng quỹ bảo vệ và phát triển rừng do Bộ NN&PTNT quản lý vào hoạt đồng trồng rừng thời gian qua, Báo Giao thông đã đặt ra một loạt câu hỏi như: Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, cả nước có bao nhiêu dự án chuyển đổi đất rừng? Trong số đó, có bao nhiêu dự án áp dụng chính sách nộp tiền quỹ bảo vệ rừng? Có bao nhiêu diện tích rừng trồng mới, cụ thể là trồng ở những đâu?...

Tuy nhiên, với những nội dung này, ông Thiện không thông tin vì cho rằng, Cục Lâm nghiệp phụ trách quản lý quỹ.

Theo hướng dẫn của ông Thiện, PV tiếp tục liên hệ với Cục Lâm nghiệp nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.

Diện tích rừng tự nhiên giảm

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2022, diện tích rừng bao gồm rừng trồng chưa khép tán là 14.790.075ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%.

Cụ thể, trong số diện tích rừng trồng chưa khép tán 14.790.075ha, rừng tự nhiên có 10.134.082ha, rừng trồng có 4.655.993ha; diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13.926.043ha.

Trong đó, đáng chú ý là diện tích rừng tự nhiên giảm 37ha, từ 10.171.757ha năm 2021 xuống 10.134.082ha năm 2022.

Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT thông tin, 4 năm trở lại đây, thống kê chung số trận thiên tai (gồm cả lũ lụt, sạt lở, bão...) đều gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nếu như năm 2018 chỉ có 240 trận thiên tai, thì đến năm 2022 dã tăng lên 1.069 trận. Riêng 7 tháng đầu năm 2023 xảy ra 861 trận. Bình quân mỗi năm thiên tai làm chết, mất tích khoảng 250 người, thiệt hại hơn 20.000 tỷ đồng về tài sản.

Nhìn nhận về nguyên nhân dẫn đến những vụ thiên tai, sạt lở đất nghiêm trọng, ngoài hậu quả trực tiếp từ mưa lớn, các chuyên gia cũng chỉ ra những nguyên nhân gián tiếp từ các hoạt động xây dựng giao thông, nhà ở, phá, chuyển đổi đất rừng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.