Giá bất động sản bắt đầu tăng
Cuối tháng 12/2024, một lô đất tại khu tái định cư mặt tiền tỉnh lộ 4 thuộc xã Quảng An, huyện Quảng Điền được đấu giá lên tới trên 2,7 tỷ đồng, mức khá cao so với mặt bằng chung cùng thời điểm.
Anh Lê Công Trắng, một người dân địa phương cho biết, giữa tháng 6/2024 anh cũng đấu giá một lô đất ngay gần đó, mặt tiền tỉnh lộ 4 chỉ giá có 1,3 tỷ đồng. Với lô đất 2,7 tỷ đồng, anh cho rằng "2 tỷ đồng là vừa".
Năm 2024, bất động sản TP Huế có dấu hiệu tích cực hơn trước, nhờ vào những dự án hạ tầng lớn như dự án mở rộng quốc lộ 1A, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn… Bên cạnh đó, với việc quy hoạch các khu đô thị mới, khu dân cư, thị trường nhà ở cũng có sự ghi nhận sự gia tăng về nguồn cung, thêm nhiều cơ hội mua bán.
Tại Thừa Thiên Huế, khu vực gần trung tâm và các vùng ven có hạ tầng phát triển như Hương Thủy, Hương Trà và Phú Vang, thị trường nhà đất có chuyển biến, nhất là năm 2024, trước thềm Huế lên thành phố trực thuộc.
Người mua nhà ở đây chủ yếu là người dân địa phương có nhu cầu ở lâu dài. Ngoài ra cũng có một số nhà đầu tư từ Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Nội và TP.HCM cũng tới tìm kiếm cơ hội.
Động lực từ hạ tầng giao thông
Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương với định hướng lấy bốn trục đường đi qua nằm song song nhau làm động lực phát triển gồm: Đường cao tốc, quốc lộ 1A, quốc lộ 49B, đường ven biển. Bốn trục đường này được kết nối bằng tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 1A.
Đây là tuyến đường kết nối cao tốc đến cảng biển Chân Mây và biển Lăng Cô, thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá. Nhiều khu đô thị mới đang được hình thành trên trục đường huyết mạch này, sau đó mở rộng ra các đô thị vùng ven. Có bờ biển trải dài, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang trở thành những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Rất nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào đây.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đô thị Chân Mây - Lăng Cô đang được tỉnh quan tâm đầu tư để trở thành đô thị ven biển hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế.
Một số tuyến đường thiết yếu phục vụ các khu du lịch cũng được đầu tư như đường du lịch Lăng Cô, đường ven biển Cảnh Dương, hệ thống đường ven đầm Lập An, đường ven sông Bù Lu, ven núi Phú Gia...
Một lợi thế nữa là hằng năm, Chính phủ bố trí một khoản kinh phí riêng để đầu tư cho khu kinh tế, từ 100-150 tỷ đồng. Theo ông Phương, mặc dù nguồn vốn không lớn nhưng góp phần quan trọng, tạo tiền đề cơ bản để đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, thu hút các nhà đầu tư.
Nhiều triển vọng nếu được đầu tư tốt
Theo các nhà đầu tư, việc thị trường bất động sản Huế trong quý IV/2024 đã tăng nhiệt rõ nét là do cộng hưởng từ nhiều sự kiện quan trọng, như Trung tâm thương mại Aeon Mall đi vào hoạt động cuối tháng 9/2024 và việc Thừa Thiên Huế trở thành phố trực thuộc Trung ương.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã thành lập các nhóm hỗ trợ cho 28 dự án có thể khởi công trong quý IV/2024 và quý I/2025.
Đơn cử, đối với lĩnh vực thương mại – dịch vụ, du lịch, vào ngày 30/9/2024, dự án Hue Amusement & Beach Park (H.A.B Park) tại huyện Phú Vang đã được khánh thành đi vào hoạt động giai đoạn 1.
Dự án này có diện tích 49,5ha với tổng mức đầu tư 1.060 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, dự án bao gồm các hạng mục xây dựng khách sạn quy mô 120 phòng, 2 bể bơi, nhà hàng, nhà hội nghị, nhà tập gym & spa…
Tại xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, dự án sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ và biệt thự nghỉ dưỡng đã hoàn thành và đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào ngày 28/9/2024. Dự án có diện tích 128ha với tổng mức đầu tư 3.164 tỷ đồng.
Cạnh đó, dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại khu A – Đô thị mới An Vân Dương thuộc phường An Đông, thành phố Huế cũng được hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 9/2024, có tổng mức đầu tư tối thiểu 3.916 tỷ đồng. Những dự án trên tăng thêm sức hút cho bất động sản ở Huế.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bất động sản Huế chưa thể tạo sự đột phá ngay, bởi định hướng xây dựng đô thị của Huế là phát triển bền vững, dựa trên cơ sở các giá trị văn hoá bản sắc riêng.
Tuy vậy, trong trường hợp chính quyền TP Huế có những định hướng và chính sách mới đột phá về thu hút đầu tư vào các khu vực có tiềm năng, các khu quy hoạch mở rộng TP Huế hiện nay tạo ra sự cải thiện về quy mô, chất lượng dịch vụ, hạ tầng đô thị, thì sẽ kéo theo sự tăng trưởng của thị trường bất động sản.
"TP Huế hiện nay vốn đã là một đô thị lớn, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chắc chắn sẽ được quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, việc chính quyền địa phương có sẵn sàng thay đổi, tăng cường đầu tư hạ tầng theo hướng hiện đại hay không mới là yếu tố quyết định sự phát triển của thị trường bất động sản.
Tại thời điểm này, sự quan tâm của giới đầu tư cả nước đối với Huế có thể chỉ ở mức độ chú ý hơn. Nhưng trong tương lai, việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ giúp bất động sản Huế hội tụ được các điều kiện để phát triển lên một tầm cao mới", ông Đính nhận định.
Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến hết quý III/2024, lượng giao dịch bất động sản tại địa phương này đạt trên 279 tỷ đồng, tăng gần 150 tỷ đồng so với quý trước đó.
Các giao dịch chủ yếu tập trung vào sản phẩm chung cư, nhà ở riêng lẻ. Trong đó, dự án Eco Garden tại đô thị mới An Vân Dương của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản Cotana Capital ghi nhận có số lượng giao dịch lớn nhất, với 63 căn chung cư và 5 căn nhà ở riêng lẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận