Bất động sản

Huế: Bất động sản sôi động nhờ động lực giao thông

24/07/2024, 10:30

Với việc quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển đô thị theo trục giao thông trọng điểm, Thừa Thiên - Huế đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản.

Rục rịch chuyển mình

Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức đấu giá sáu lô đất ở tỉnh lộ 10A, thuộc thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang. Lô có giá cao nhất là 40,5 triệu/m2. 

Đây là lần đầu tiên, một vị trí đất cấp huyện tại Thừa Thiên - Huế có giá trúng thầu cao như vậy.

Huế: Bất động sản sôi động nhờ động lực giao thông- Ảnh 1.

Thị trường bất động sản ở Huế được quan tâm nhiều hơn khi địa phương này sẽ thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2025.

Khu vực đất đấu giá ở Phú Vang nằm trong vùng quy hoạch đô thị mới phía nam TP Huế, sát sân bay Phú Bài và lan tỏa về hướng biển.

Ở đây có hàng loạt công trình lớn đang hình thành, như: Trung tâm hành chính, siêu thị AEON Mall, bệnh viện Đa khoa Quốc tế, tổ hợp FPT Campus… Do đó, đây hứa hẹn sẽ là một điểm nhấn đầu tư mới, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Đầu tháng 4/2024, Thừa Thiên - Huế tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Riêng TP Huế sẽ có thêm 13 xã, phường sáp nhập vào, mở rộng đô thị lên gấp 5 lần hiện tại. Điều này đã góp phần kích thị trường bất động sản tại Huế sôi động hơn.

Từ đầu năm 2024, làn sóng đầu tư công vào dải đất miền Trung, nơi bắt đầu cho hàng loạt công trình giao thông với nguồn vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. 

Cùng với việc đầu tư mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam qua miền Trung cũng đang dần được hoàn thiện. 

Có thể nói, giao thông kết nối với Huế đã được hoàn thiện, sẵn sàng để địa phương này đáp ứng được điều kiện để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương.

Tại TP Huế hiện nay, các khu đô thị mới đã được đầu tư bài bản. Có thể kể đến dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall với tổng vốn đầu tư lên đến 170 triệu USD, đang thu hút quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản.

Động lực bứt phá

Thừa Thiên - Huế lấy bốn trục đường đi qua nằm song song nhau làm động lực phát triển là: Đường cao tốc, quốc lộ 1A, quốc lộ 49B, đường ven biển. Bốn trục đường này được kết nối bằng tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 1A.

Huế: Bất động sản sôi động nhờ động lực giao thông- Ảnh 2.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế chấp thuận đầu tư cho 8 dự án nhà ở xã hội, với diện tích đất hơn 17ha với 6.238 căn hộ.

Đây là tuyến đường kết nối cao tốc đến cảng biển Chân Mây và biển Lăng Cô, giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Nhiều khu đô thị mới đang được hình thành trên trục đường huyết mạch này, sau đó mở rộng ra các đô thị vùng ven.

Có bờ biển trải dài, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang trở thành những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Rất nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào đây.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đô thị Chân Mây - Lăng Cô đang được tỉnh quan tâm đầu tư để trở thành đô thị ven biển hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế.

Hiện nay, công tác quy hoạch, huy động vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng đã được Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khẩn trương triển khai. 

Một số hạng mục đã được đưa vào sử dụng như: Cầu Bù Lu, đường Tây cảng Chân Mây, đường trung tâm đô thị Chân Mây, khu tái định cư Lộc Vĩnh...

Một số tuyến đường thiết yếu phục vụ các khu du lịch cũng được đầu tư như: Đường du lịch Lăng Cô, đường ven biển Cảnh Dương, hệ thống đường ven đầm Lập An, đường ven sông Bù Lu, ven núi Phú Gia...

Một lợi thế nữa là hằng năm, Chính phủ đã bố trí một khoản kinh phí riêng để đầu tư cho khu kinh tế (từ 100-150 tỷ đồng). 

Mặc dù nguồn vốn không lớn nhưng đã góp phần quan trọng, tạo tiền đề cơ bản để đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, thu hút các nhà đầu tư.

Cần chính sách thu hút đầu tư

Theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay, toàn tỉnh có 10 dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị đã được chấp thuận đầu tư với diện tích hơn 230ha, khoảng 7.146 căn hộ, tương ứng hơn 2 triệu m2 sàn. 

Các dự án đô thị đều lấy hạ tầng giao thông làm không gian phát triển.

Huế: Bất động sản sôi động nhờ động lực giao thông- Ảnh 3.

Lăng Cô với nét hoang sơ dưới chân đèo Hải Vân hứa hẹn thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản trong tương lai gần.

Anh Hồ Văn Lợi, chuyên gia bất động sản tại miền Trung cho biết, việc phát triển Thừa Thiên - Huế thành đô thị di sản loại 1 trực thuộc Trung ương sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức phát triển các dự án bất động sản trong thời gian tới.

Địa phương cần khuyến khích và thu hút những dự án đem lại cơ hội việc làm, thu nhập cao trong tương lai; xây dựng chính sách khuyến khích nhà đầu tư ứng vốn đầu tư hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh cho cả trong và ngoài ranh giới dự án, các tuyến đường kết nối bao quanh, đổi lấy các ưu đãi về đầu tư và vận hành dự án...

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, phát triển bất động sản phải đặt trong định hướng đô thị hóa, hiện đại hóa, phát triển ngành nghề và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Thừa Thiên - Huế nói chung và TP Huế nói riêng.

"Phát triển bất động sản phải tập trung, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, tư nhân giữ vai trò chủ đạo, Nhà nước là đối tác đồng hành, nhân dân giám sát. 

Điều đó sẽ tạo được việc làm tốt và thu nhập cao hơn cho người dân địa phương, cải thiện được sinh kế và chất lượng sống của họ", ông Cung nói.

Thị trường mới mẻ, sáng giá

Cùng với lực đẩy từ hạ tầng giao thông và tốc độ đô thị hóa nhanh, Thừa Thiên - Huế còn được đánh giá là thị trường bất động sản sáng giá khi đất đai, nhà cửa ở các đô thị lớn đang bão hòa.

Trong những năm gần đây, các "ông lớn" như Bitexco, Apec, BRG... đã đua nhau rót hàng nghìn tỷ đồng thực hiện các dự án đô thị, nghỉ dưỡng để khai thác tối đa tiềm năng du lịch Thừa Thiên - Huế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.