Pháp đình

Bất thường hai bản khai vụ Hoa hậu Phương Nga: Luật sư nói gì?

26/06/2017, 08:04

Theo luật sư, từ tình tiết hai biên bản ghi lời khai giống nhau cần trả hồ sơ để làm rõ điểm bất thường.

21

Bị cáo Trương Hồ Phương Nga tại phiên xét xử sáng 23/6 - Ảnh: Minh Nghĩa

Nghi vấn hai biên bản ghi lời khai giống nhau

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản giữa ông Cao Toàn Mỹ và cựu Hoa hậu người Việt tại Nga 2007 Trương Hồ Phương Nga, tại các phiên xét xử ngày 22 và 23/6, luật sư của bị cáo đã xuất trình nhiều chứng cứ có lợi, mang tính bước ngoặt trong việc giải quyết vụ án, trong đó đặc biệt được chú ý là hai biên bản ghi lời khai của người bị hại Cao Toàn Mỹ ngày 9/9/2014 và Trương Hồ Phương Nga ngày 29/9/2014.

Tại phiên xét xử sáng 23/6, luật sư Phạm Công Hùng - người bào chữa cho bị cáo Nga đưa ra 2 biên bản ghi lời khai đáng ngờ của ông Mỹ và bị cáo Nga với cơ quan điều tra. Theo luật sư Hùng, hai biên bản ghi lời khai này được ghi cách nhau 20 ngày nhưng nội dung trình tự rất giống nhau, kể cả dấu chấm, phẩy.

“Tôi cho rằng, có dấu hiệu của việc sao chụp lời khai của Cao Toàn Mỹ để đưa vào bản khai của bị cáo Nga”, luật sư Hùng nói.

Trao đổi với Báo Giao thông về tình tiết này, luật sư Vũ Minh Tiến (Công ty Luật Thiên Thanh) cho rằng, trong hai biên bản ghi lời khai, tồn tại rất nhiều các lỗi sai về đại từ nhân xưng, khiến cho lời khai của các bên trở lên hơi “phi logic”, hoàn toàn bất lợi cho bị cáo. Dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ về tính pháp lý và sự thật đằng sau những lời khai này.

Đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, vụ án của hoa hậu Trương Hồ Phương Nga rất phức tạp và có nhiều vấn đề. Về mặt dư luận xã hội, hiện nay, nhiều ý kiến bày tỏ sự thương cảm và cho rằng, hoa hậu Phương Nga đang là một người yếu thế cần bảo vệ. Nhưng về lý, tòa xét xử căn cứ trên hồ sơ. Tòa án bảo vệ công lý nên phải bằng kinh nghiệm và phán đoán của mình xét xử cho công bằng, khiến dư luận tâm phục khẩu phục. Đây là vụ án hiếm hoi mà bị cáo sử dụng quyền im lặng. Trong trường hợp này, người cầm cân nảy mực phải có suy đoán, suy xét từ mọi góc độ để đưa ra phán quyết công bằng, bảo vệ lẽ phải.

Về tình tiết hai biên bản ghi lời khai gần như giống hệt nhau, luật sư Vũ Minh Tiến cho rằng, các biên bản ghi lời khai này được lập trong thời gian cơ quan điều tra giải quyết đơn tố cáo của ông Cao Toàn Mỹ. Do đó, việc đánh giá các lời khai này cần đặt trong mối tương quan với lời khai của người bị hại và bị can Phương Nga tại các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung và biên bản đối chất trong quá trình tố tụng của vụ án.

“Tại phiên xét xử, các bị cáo đều khai bị ép cung bởi cơ quan điều tra và mớm cung bởi một người mà các bị cáo hoàn toàn tin tưởng trước đó - bà Nguyễn Mai Phương - vắng mặt tại phiên tòa. Đồng thời, các bị cáo cũng đưa ra lời khai khác hoàn toàn với các lời khai tại cơ quan điều tra trước đó, đây là tình tiết mà HĐXX cần hết sức lưu tâm”, luật sư Tiến phân tích và cho rằng, HĐXX cũng có thể đề nghị cơ quan điều tra và điều tra viên trực tiếp ghi lời khai giải trình về sự nhầm lẫn và các lỗi sai trong các biên bản ghi lời khai nói trên, đề nghị cung cấp băng ghi âm, ghi hình quá trình lấy lời khai, hỏi cung bị can (nếu có). Trong trường hợp có căn cứ xác định có sự vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng qua việc mớm cung, ép cung dẫn đến lời khai của các bị cáo không đúng sự thật thì HĐXX hoàn toàn có thể trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng, tình tiết này là một điểm bất thường cần phải làm rõ. “Cần thận trọng, vì đây là vụ án dư luận xã hội đang rất quan tâm”, luật sư Hậu nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.