Vận tải

Vì sao hồ sơ bay của Bamboo Airways chưa được thẩm định?

26/06/2017, 07:46

Hiện vẫn chưa rõ hồ sơ của Bamboo Airways sẽ được thẩm định bởi Cục Hàng không VN hay Bộ Kế hoạch Đầu tư.

16

Hành khách đi máy bay có thêm lựa chọn khi Bamboo Airways được cấp phép - Ảnh: Tạ Tôn

Theo Luật Đầu tư hay Luật chuyên ngành?

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) - công ty con do Tập đoàn FLC sở hữu 100% vốn đã chính thức nộp hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không hôm 6/6 vừa qua. Theo quy định, quy trình cấp phép kinh doanh vận tải hàng không được thực hiện theo Nghị định 92 về quy định các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không. Hồ sơ xin cấp phép gửi về Cục Hàng không VN bao gồm: Văn bản đề nghị cấp giấy phép theo mẫu; Bản chính văn bản xác nhận vốn; Sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp; Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động, bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của những người phụ trách; Hợp đồng nguyên tắc hoặc thỏa thuận về việc mua, thuê mua hoặc thuê tàu bay; Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp.

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện đang có cách hiểu cho rằng từ sau ngày 1/7/2015, cơ quan thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh vận tải hàng không là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cách hiểu này được viện dẫn theo Điều 31, Luật Đầu tư 2014. Cụ thể, các dự án đầu tư trong lĩnh vực vận tải hàng không phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư thì doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép đến cơ quan đăng ký đầu tư để cơ quan này gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Thực tế, cũng chính vì khúc mắc này nên hiện vẫn chưa rõ hồ sơ của Bamboo Airways sẽ được thẩm định bởi Cục Hàng không VN hay Bộ Kế hoạch Đầu tư, tức là thực hiện theo luật chuyên ngành hay theo Luật đầu tư. Được biết, trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT về việc thẩm định Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt do Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường ký, nêu rõ: “Luật Hàng không dân dụng 2006 quy định các điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng không và giao Chính phủ quy định trình tự thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không”.

Ngày 9/5/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Cục Hàng không VN thực hiện việc thẩm định Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, báo cáo kết quả lên Bộ GTVT và Bộ GTVT sẽ thực hiện cấp phép sau khi được Thủ tướng chấp thuận.

Đến ngày 8/4/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 30 thay thế Nghị định 76, bổ sung một số nội dung, sửa đổi trình tự thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp. Tiếp đó, năm 2016, theo yêu cầu thực hiện Luật Đầu tư 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 92 quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không trong đó có việc xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

“Về cơ bản, hồ sơ, trình tự thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (Điều 10, Nghị định 92) đều tương thích và phù hợp với Điều 34 của Luật Đầu tư 2014 về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực vận tải hàng không”, văn bản do ông Cường ký nêu rõ và đề nghị Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc thực hiện trình tự, thủ tục cấp phép Kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định của Nghị định 92.

Đã có tiền lệ

Thực tế, Bamboo Airways không phải doanh nghiệp đầu tiên rơi vào tình thế này. Theo thông tin của Báo Giao thông, cuối năm 2016, Công ty Tân Cảng nộp hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không chung, được Cục Hàng không VN thẩm định đủ điều kiện, báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cấp phép cho doanh nghiệp này.

Bộ GTVT sau đó cũng có công văn đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung cho Công ty Tân Cảng. Văn bản nêu rõ: Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung của Công ty Tân Cảng đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các quy định về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác và tổ chức bộ máy đảm bảo khai thác tàu bay theo định tại Nghị định 92, đủ điều kiện để được xem xét cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung.

Thống kê cho thấy, hiện thị trường hàng không chung Việt Nam chỉ có 3 hãng đang khai thác. Các doanh nghiệp này chưa cung cấp đầy đủ các dịch vụ hàng không chung theo nhu cầu của xã hôi do đó việc có thêm công ty cung cấp các dịch vụ hàng không chung là cần thiết.

Tuy nhiên, khi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, có ý kiến cho rằng cần phải thực hiện theo Luật Đầu tư, tức là doanh nghiệp phải nộp hồ sơ cho Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định. Vì thế, đến nay đã gần một năm kể từ ngày nộp hồ sơ, Công ty Tân Cảng vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Trở lại với vấn đề của Bamboo Airways, có một điểm đáng lưu ý khác là trong hồ sơ cấp phép chưa có văn bản xác nhận vốn. Theo Nghị định 92, ngay từ khâu nộp hồ sơ, Bamboo Airways phải chứng minh có đủ năng lực tài chính, thể hiện bằng việc có văn bản của ngân hàng xác nhận đã phong tỏa 700 tỷ đồng, tương đương mức vốn điều lệ của công ty. Được biết Bamboo Airways cam kết bổ sung văn bản xác nhận vốn theo quy định trước khi có lịch thẩm định chính thức của cơ quan chức năng. Đây cũng là lý do Cục Hàng không VN đánh giá hồ sơ của Bamboo Airways đủ điều kiện để tiến hành thẩm định.

Lý giải về việc chưa yêu cầu Bamboo Airways phong toả vốn, Cục Hàng không VN cho biết trong trường hợp Cục Hàng không VN thực hiện thủ tục thẩm định theo quy định, Công ty Tre Việt sẽ phải có văn bản xác nhận vốn, phong toả tài khoản với số tiền 700 tỷ đồng cho đến khi nhận được giấy phép hoặc từ chối cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Điều này sẽ gây khó khăn cho Công ty Tre Việt nếu gặp trường hợp tương tự như Công ty Tân Cảng. Do đó, cơ quan này quyết định đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc thực hiện trình tự, thủ tục cấp phép Kinh doanh vận chuyển hàng không theo Nghị định 92 trước. Nếu được chấp thuận, trước khi thẩm định, Bamboo Airways sẽ phải hoàn tất nốt thủ tục này.

Thực tế, suốt một năm qua, công ty Tân Cảng vẫn phải để 100 tỉ đồng “vốn chết” ở tài khoản chờ chủ trương xin cấp phép. Số tiền này chỉ được chấm dứt phong tỏa khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định đồng ý hoặc không đồng ý cấp phép kinh doanh vận tải hàng không chung cho doanh nghiệp này.

Lý do phong tỏa tài khoản ở ngân hàng khi xin cấp phép bay

Quy định doanh nghiệp xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không phải có văn bản xác nhận vốn phong tỏa ở ngân hàng được áp dụng từ năm 2013 (theo Nghị định 30/2013), sau bài học rút ra từ sự phá sản của Hãng hàng không tư nhân Indochina Airlines (ICA) do nhạc sĩ Hà Dũng làm Tổng giám đốc điều hành.

Được cấp phép năm 2008, ICA cất cánh chỉ với 1 máy bay duy nhất đi thuê và sau 1 năm đã thua lỗ. Đến năm 2010, ICA có khoản nợ với các đối tác khoảng 70 tỷ đồng, chưa kể tiền bán vé đã thu trước của hành khách (đặc thù của vận tải hàng không là bán vé, thu tiền trước cả năm rồi mới cung cấp dịch vụ - thực hiện chuyến bay). Vì không có tiềm lực tài chính, việc giải quyết công nợ của ICA sau thời gian ngừng hoạt động rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của các đối tác cung cấp xăng dầu, dịch vụ mặt đất… và hành khách đã mua vé. Thậm chí, đối tác cho ICA thuê máy bay đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, đòi lại máy bay nên ICA không có phương tiện để hoạt động ngay cả khi ICA chưa tuyên bố phá sản.

Từ đây, Bộ GTVT đã bổ sung các quy định về vốn điều lệ theo hướng tăng vốn, phải chứng minh có năng lực tài chính thông qua khoản tiền tương đương vốn điều lệ phong tỏa ở ngân hàng. Đồng thời, quy định hãng hàng không phải có tối thiểu 2 máy bay trong suốt thời gian hoạt động, trong đó phải có cả máy bay sở hữu và đi thuê.

T.B

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.