Từ cơn sốt U23 Việt Nam cho thấy, bóng đá nói riêng, thể thao nói chung vẫn có sức hútrất lớn với người hâm mộ cũng như các doanh nghiệp (Trong ảnh: Các cầu thủ U23 Việt Nam được người hâm mộ chào đón) - Ảnh: Khánh Linh |
Nhìn từ thành công của U23 Việt Nam, rõ ràng bóng đá Việt Nam vẫn có sức hút rất lớn với người hâm mộ, doanh nghiệp. Nhưng phải làm sao để bóng đá Việt Nam kiếm tiền một cách bền vững là bài toán không hề đơn giản.
Gặt lúa theo mùa
Sau thành công vang dội ở giải U23 châu Á 2018, U23 Việt Nam đã được tặng, thưởng tới hơn 26 tỷ đồng (chưa kể hiện vật) từ nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Con số này chưa từng có trong lịch sử thể thao nước nhà. Với những gì đã cống hiến, thày trò HLV Park Hang-seo xứng đáng nhận được sự tri ân như vậy. Nhìn từ cơn sốt U23 Việt Nam, rõ ràng chúng ta thấy bóng đá nói riêng, thể thao nói chung vẫn có sức hút rất lớn với người hâm mộ cũng như các doanh nghiệp. Nhưng đáng nói hơn, trước khi gây chấn động châu Á với ngôi Á quân, U23 Việt Nam nhận được quá ít sự hỗ trợ, đa phần đều là các đối tác truyền thống của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).
Hồi năm 2016, sau chiến tích giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh khi đó cũng nhận tặng, thưởng cả thảy lên tới hơn 5 tỷ đồng (chưa bao gồm hiện vật). Đây cũng là mức thưởng cao nhất cho một cá nhân trong lịch sử thể thao Việt Nam. Bộ môn bắn súng cũng được nhiều đơn vị, doanh nghiệp hứa hẹn đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, sau đó, cái tên Xuân Vinh dần nguội đi (một phần vì thành tích đi xuống), nhà vô địch Olympic và bắn súng Việt Nam lại trở về trạng thái ít được quan tâm, dù đây là một trong những môn trọng điểm.
Năm ngoái, tuyển nữ Việt Nam sau chức vô địch SEA Games 29 cũng nhận hơn 4 tỷ đồng từ VFF và một số mạnh thường quân. Tuy nhiên, giống như tuyển U23 Việt Nam, trước đó, các cô gái vàng nhận được quá ít sự quan tâm, hỗ trợ. Ba sự kiện diễn ra trong 3 năm nhưng cùng bản chất: Bóng đá Việt Nam, thể thao Việt Nam chỉ “gặt lúa theo mùa”. Nói cách khác, ngành đặc thù này chưa thể kiếm tiền một cách bền vững. Riêng bóng đá, các CLB Việt Nam hiện nay cũng cực kỳ khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính ổn định để duy trì hoạt động.
Làm sao để kiếm tiền bền vững
Theo một chuyên gia tiếp thị thể thao đang làm việc tại Việt Nam, những nhà quản lý bóng đá và đội ngũ giúp việc chưa biết cách để hái ra tiền. “Thời điểm U23 Việt Nam gây sốt ở giải châu Á, nếu tổ chức vài sự kiện, kết hợp bán áo đấu tôi đảm bảo sẽ kiếm được một món tiền lớn. Hiện tại cũng vậy, nếu kết nối tốt, một, hai cầu thủ tới các trung tâm thương mại giao lưu, ký tặng người hâm mộ thì đối tác cũng phải chi tiền tỷ. Còn về lâu dài, VFF phải hỗ trợ xây dựng hình ảnh HLV, tuyển thủ để khai thác quảng cáo từ chính hình ảnh đó và thu hút thêm nhà tài trợ. Khi mọi thứ đều ổn thì tính đến phương án thu tiền từ bản quyền truyền hình. Những ĐTQG mạnh trên thế giới, tiền bản quyền truyền hình chiếm tỉ trọng rất lớn còn ở Việt Nam con số này theo tôi được biết không nhiều”, vị chuyên gia cho biết.
Về phần các CLB, vị chuyên gia trên phân tích: “Các ông chủ, các nhà đầu tư cho đội bóng, những nhà tổ chức phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, đưa ra cách làm hay chứ không phải ông nọ dè bỉu ông kia rồi mỗi ông làm một kiểu. Chúng ta vẫn thấy ở Anh hay Tây Ban Nha họ thường tổ chức những cuộc họp như thế. Đôi khi chỉ là để quyết định thay đổi giờ thi đấu. Mỗi CLB phải ý thức về sân chơi chung, cùng nhau tạo một giải đấu hấp dẫn, sạch thì mới có khán giả. Khi đã có khán giả thì doanh nghiệp họ tự tìm đến”.
Trong khi đó, ông Cao Văn Chóng, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho rằng, bóng đá Việt Nam muốn kiếm tiền bền vững phải để doanh nghiệp họ thấy đầu tư vào bóng đá là có lợi. Bất kể cấp CLB hay đội tuyển đều phải có chiến lược lâu dài. Tuy vậy, tiên quyết là thành tích. Đội bóng có thành tích, người hâm mộ sẽ quan tâm nhiều hơn, thương hiệu tài trợ được lan tỏa hơn thì nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia đồng hành cùng bóng đá. Ngoài thành tích, đội bóng cũng cần chú trọng tới xây dựng màu cờ, sắc áo; chăm sóc người hâm mộ, thành lập các hội CĐV để có một lượng fan trung thành lớn, tạo thiện cảm cho các doanh nghiệp”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận