Chuyện dọc đường

Bay thẳng đến Mỹ và bài toán kinh tế

18/04/2017, 07:02

HKVN đã hoàn toàn lột xác và hoàn thiện được mạng đường bay trực tiếp tới hầu hết khu vực trên thế giới.

2

Phục vụ hành khách ở nhà ga T2 CHK quốc tế Nội Bài

Từ chuyến bay dân dụng đầu tiên sau khi thống nhất đất nước (năm 1975) và thành lập Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam (11/2/1976), đến thời điểm hiện tại, hàng không Việt Nam đã hoàn toàn lột xác và hoàn thiện được mạng đường bay trực tiếp tới hầu hết khu vực trên thế giới

Tuy nhiên, tại khu vực Bắc Mỹ, đường bay thẳng đến Hoa Kỳ trong nhiều năm qua vẫn chỉ nằm trong kế hoạch, cho dù các hãng hàng không trong nước đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện an toàn bay và nâng cấp phương tiện. Cùng đó, Việt Nam và Mỹ đã ký Hiệp định Hàng không song phương từ hơn chục năm trước, cho phép các hãng hàng không của hai nước có thể mở đường bay trực tiếp tới nhau.

Một nguyên nhân khá quan trọng cho việc chậm trễ này là việc nhà chức trách hàng không Việt Nam chưa đạt năng lực giám sát an toàn theo tiêu chuẩn của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA). Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngay cả khi nhà chức trách hàng không đạt được phê chuẩn mức 1 về giám sát an toàn, tức là vượt qua điều kiện cần, đường bay thẳng đến Mỹ, chắc chắn sẽ vẫn được các hãng hàng không, cụ thể là Vietnam Airlines “đo đếm” kỹ càng.

Theo các chuyên gia, thời gian lỗ kế hoạch để bay đến Mỹ nhiều khả năng sẽ kéo dài hơn so với bay đến các thị trường khác nên ngoài việc phải sẵn sàng về phương tiện, hãng hàng không cần xây dựng được một chiến lược tốt và có tiềm lực tài chính vững vàng. Hiệu quả kinh tế của đường bay đến Mỹ phụ thuộc vào phương thức bay thẳng hay có điểm dừng và loại phương tiện.

Theo tính toán, trong giai đoạn 2005-2006, bay đến Mỹ bằng Boeing 777-200, mỗi năm Vietnam Airlines có thể lỗ khoảng 100 triệu USD. Tuy nhiên, gần đây, khi hãng hàng không quốc gia đưa vào khai thác 2 dòng máy bay siêu hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu là A350-900 và B787-9, mức lỗ có thể giảm xuống thấp nhất là 5 triệu USD và cao nhất khoảng 30 triệu USD/năm trong thời gian đầu khai thác.

Thực tế, mọi nghiên cứu đều cho thấy, bay đến Mỹ đường bay dài hơn bay đến châu Âu tới 4 giờ bay, trong khi giá vé chênh lệch không đáng kể, mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn và Vietnam Airlines chắc chắn sẽ phải cân nhắc việc tăng tần suất bay đến châu Âu lên hay mở đường bay đến Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.