Giường bệnh tại khu vực đón tiếp bệnh nhân.
Chiều 8/2, Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa tăng thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca dương tính lên 21 trường hợp.
Cả 2 ca nhiễm mới phát hiện đều đã được cách ly trước đó.
Ngày 8/2, Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 tỉnh Gia Lai cho biết, Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 của tỉnh với quy mô 300 giường đang khẩn trương lắp đặt máy móc, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đưa vào khám chữa bệnh. Bệnh viện được trưng tập cơ sở Trung tâm Điều trị chất lượng cao trụ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, Tp Pleiku).
Tháng 4/2020, trước tình hình bệnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại thế giới và Việt Nam, UBND tỉnh Gia Lai đã triển khai kế hoạch ứng phó với bệnh dịch nguy hiểm này. Theo đó, Trung tâm điều trị chất lượng cao xây dựng hoàn thành năm 2019, với quy mô 300 giường nội trú (hiện chưa đưa vào hoạt động).
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 tỉnh Gia Lai, bệnh viện còn có khuôn viên chung thông với bệnh viện Đa khoa tỉnh - nơi có đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao và trang thiết bị đầy đủ nên đây là nơi rất thuận lợi cho việc sử dụng làm bệnh viện dã chiến.
Trung tâm điều trị chất lượng cao được sử dụng làm Bệnh viện Dã chiến để điều trị bệnh Covid-19.
Tính đến thời điểm 8/2, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 21 ca nhiễm Covid-19. Các bệnh nhân chưa có triệu chứng liên quan đến bệnh dịch.
Tuy nhiên, trước tình trạng khẩn cấp, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo sử dụng Trung tâm Điều trị chất lượng cao làm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân nhiễm dịch; sử dụng tầng 3 đến tầng 5 làm khu điều trị bệnh nhân.
Bệnh viện thiết lập với khoảng 100 nhân viên, gồm: Bộ máy hành chính, Khoa điều trị, Phòng mổ, Phòng sinh, Phòng lọc thận nhân tạo. Bệnh viện hoạt động thông qua trung tâm điều hành. Các nhân viên y tế, kỹ thuật viên chia làm 3 ê kíp. Mỗi ê kíp hoạt động trong 24 giờ với quy trình vô khuẩn.
Sau khi điều trị bệnh nhân, nhóm ê kíp tiếp tục thực hiện khử trùng vệ sinh và đến khu nghỉ dưỡng trong bệnh viện.
Cơ quan y tế tỉnh Gia Lai kiểm tra và hoàn thiện hạ tầng để đưa Bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động.
Để đảm bảo việc phòng chống dịch tại nơi điều trị bệnh, các chuyên gia y tế của Bộ Y tế và tỉnh Gia Lai đã triển khai quy trình khám chữa bệnh đến phòng bệnh tuyến một chiều.
Theo đó, quy trình từ đón tiếp bệnh nhân, đến các phòng kỹ thuật, đến giường bệnh thực hiện các bước vệ sinh, khử trùng vô khuẩn.
Ngoài ra, để đảm bảo kiểm soát an ninh trong bệnh viện và bên ngoài, tập đoàn Viettel đã hỗ trợ các máy móc, phần mềm, đường truyền… để thực hiện việc giám sát an ninh toà nhà.
Bên cạnh đó, việc phân loại rác thải y tế có nguồn lây cũng được giám sát chặt chẽ và tiêu huỷ ngay trong khuôn viên bệnh viện.
Hệ thống an ninh giám sát tại bệnh viện.
Dự kiến, đến chiều ngày 9/2, bệnh viện dã chiến sẽ lắp đặt toàn bộ máy móc, sau đó tiến hành vận hành thử để đánh giá toàn bộ quy trình. Tiếp đó, ngày 11/2 (tức ngày 30 Tết), bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh COVID-19 tỉnh Gia Lai sẽ được đưa vào hoạt động.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Gia Lai, từ ngày 6/2, ngành y tế bắt đầu mở rộng xét nghiệm, lấy mẫu toàn bộ người dân phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) và 4 xã tại huyện Ia Pa; lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các lực lượng tham gia chống dịch tại 4 huyện, thị xã, tiến tới mở rộng xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh, nhân viên tại Cảng Hàng không Pleiku.
Theo đánh giá của các chuyên gia cố vấn và trực tiếp tham gia chống dịch, Gia Lai đã có những biện pháp kịp thời trong chống dịch, bước đầu đã khoanh vùng, kiểm soát, khống chế được dịch.
Quy trình xử lý rác thải được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ.
Để tiến tới khống chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị đoàn Đà Nẵng hỗ trợ về công nghệ thông tin trong truy vết và trả lời kết quả xét nghiệm một cách nhanh nhất.
Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang tiếp tục hỗ trợ tỉnh tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Gia Lai sớm đưa vào vận hành bệnh viện dã chiến.
Đối với đơn vị quân đội, sau khi toàn bộ lực lượng công dân từ Campuchia hoàn thành cách ly phải tiến hành khử khuẩn làm sạch để đón những người cách ly mới vào; tiếp tục rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những người đang thực hiện cách ly để có sự động viên, hỗ trợ kịp thời, nhất là trong dịp Tết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các đơn vị trong việc bố trí phân công công việc để đảm bảo sức khỏe cho các lực lượng tham gia chống dịch.
Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) đến Gia Lai hỗ trợ lập bệnh viện dã chiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận