Chính phủ vừa liên tiếp ban hành nghị định và nghị quyết để kịp thời giúp ngành Y tháo gỡ các nút thắt gây khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để phục vụ người dân tốt hơn.
Vậy đến nay, các vướng mắc đã được xử lý thế nào?
Từng bước gỡ khó khăn
Bệnh nhân chờ đợi đến lượt được chiếu chụp tại BV Bạch Mai
Tại BV Hữu nghị Việt Đức, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoài (Phủ Lý, Hà Nam) ngồi trực trước khu mổ, chờ các bác sĩ gọi đón mẹ sau phẫu thuật khớp gối.
Chị Hoài cho biết, mẹ chị bị thoái hóa 2 khớp gối, chân bên phải đã được mổ thay khớp gối nhân tạo.
Còn khớp gối chân bên trái dự định tiến hành đầu tháng 3 vừa qua, song rơi đúng thời điểm bệnh viện báo hạn chế mổ phiên vì thiếu vật tư.
Mẹ chị Hoài là một trong những bệnh nhân được mổ theo lịch trở lại sau một thời gian phải hạn chế trước đó do hóa chất, vật tư tại Bệnh viện Việt Đức sắp cạn, phải ưu tiên cho các ca cấp cứu.
Theo GS. TS. Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30, bệnh viện đã liên hệ với nhà thầu triển khai mua sắm vật tư, hoá chất.
Chỉ hơn 1 tuần sau đó, bệnh viện đã triển khai mổ phiên lại. Hiện tại, bệnh viện đã hoạt động bình thường, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hoá chất đã và đang được tháo gỡ.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, ở khu vực chụp MRI, CT đông kín người. Mặc dù hoạt động hết công suất, thậm chí làm xuyên trưa nhưng các phòng chụp vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
PGS. TS. Đào Hùng Hạnh, Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu cho biết, mỗi ngày khoa tiếp đón khoảng 2.000 người bệnh.
Thời gian qua, do thiếu vật tư y tế, nhiều máy móc đắp chiếu nên bệnh viện phải chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế khác để chụp chiếu, nội soi… hoặc người bệnh phải chấp nhận chờ đợi. Đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện.
PGS. TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc giải quyết khó khăn cần phải có lộ trình. Những gì khẩn thiết, cấp cứu mới ưu tiên thực hiện trước theo Nghị quyết 30.
“Khoảng 3 tuần nữa chúng tôi hoàn thành xong gói đấu thầu hóa chất, đây là gói thầu đang làm dở trước đó, do vướng các quy định về “3 báo giá”. Sau khi có Nghị quyết 30, chúng tôi nhanh chóng làm tiếp. Tuy nhiên, bệnh viện mới đảm bảo có hóa chất xét nghiệm cho người bệnh, còn chưa thể có đủ hết thiết bị, vật tư y tế để phục vụ khám chữa bệnh được”, ông Cơ cho hay.
Riêng về máy móc, trang thiết bị liên doanh liên kết, dựa vào Nghị quyết 30, đơn vị đang thương thảo với các nhà đầu tư, khi hợp đồng liên doanh liên kết hết thời hạn sẽ trao tặng lại cho bệnh viện.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau thời gian ngắn áp dụng Nghị định 07 và Nghị quyết 30, đến nay đã sửa chữa được các máy móc hiện đại, đưa vào vận hành 2/6 máy chụp CT, 3/5 máy xạ trị, 3 máy MRI hoạt động bình thường.
TS. BS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện cho biết, các máy còn lại dự kiến sang tháng 4 sẽ vận hành.
Song song đó, các hoạt động mời thầu mua sắm các vật tư tiêu hao cũng đang được gấp rút triển khai.
Y tế không thể xếp chung các hàng hóa khác
Mặc dù Nghị định 07, Nghị quyết 30 đã giải quyết nhiều khó khăn cho các bệnh viện, nhưng BS. Nguyễn Trí Thức cho rằng, về lâu dài, nên sớm sửa đổi Luật Đấu thầu.
Trong đó nên chia hàng hóa y tế là nhóm hàng hóa đặc biệt chứ không xếp chung với các hàng hóa khác.
“Nên có 1 chương quy định đấu thầu riêng cho lĩnh vực y tế, quy định rõ ràng các tình huống khẩn cấp, để bệnh viện được mua sắm những trang thiết bị, vật tư mang tính khẩn cấp trong y khoa, tránh được rủi ro khi các cơ sở y tế thực hiện mua sắm”, BS. Thức kiến nghị.
Còn theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, Nghị quyết 30 mang tính chất “cấp cứu”, còn về lâu dài các Bộ, ban ngành liên quan như: Y tế, Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Tư pháp… phải ra các thông tư, nghị định để hệ thống y tế có cơ sở pháp lý vận hành chuẩn.
“Bệnh viện Bạch Mai cố gắng vận dụng tinh thần của Nghị quyết 30 để làm sao nhanh chóng đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, đây là Nghị quyết có tính cấp bách, giải quyết vấn đề tình huống, bệnh viện vẫn phải thực hiện theo quy định pháp luật”, ông Cơ nhấn mạnh.
Tương tự, lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) chia sẻ, Nghị quyết 30 và Nghị định 07 mới chỉ giúp tháo gỡ những khó khăn trong giai đoạn hiện tại.
Còn hành lang pháp lý an toàn cho các bệnh viện và người trực tiếp chịu trách nhiệm mua sắm, đấu thầu các mặt hàng này chưa thực sự được đảm bảo.
Vị này dẫn chứng: “Những trang thiết bị đắt tiền như máy CT, MRI, Robot mà quy định theo hàng hóa thông thường thì rất khó. Ngành Y lúc nào cũng phát triển, năm nay máy này, sang năm máy mới. Mà những máy mới, nếu mua đầu tiên sẽ đắt hơn so với sau đó, hay về sau sửa chữa, thay thế linh kiện hãng báo giá bao nhiêu, đơn vị phải chịu vậy, không biết đến lúc kiểm toán sẽ thế nào?”.
Luật hóa các giải pháp mới bền vững
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ bước đầu tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của các cơ sở y tế trong công tác mua sắm, đấu thầu, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, cần phải có giải pháp căn cơ, đó là nhanh chóng hoàn thiện thể chế bằng văn bản, xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện. Bởi có những quy định trong Nghị quyết 30 chỉ cho áp dụng thí điểm đến hết năm 2023. Bộ Y tế sẽ kiến nghị sửa đổi nhiều Luật có liên quan như: Luật Đấu thầu, Luật Dược, Luật Giá; xây dựng Luật Trang thiết bị, Nghị định về tự chủ, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế... Khi các vấn đề được luật hóa thì giải pháp sẽ bền vững hơn.
Liều thuốc “trị cục máu đông”
Ngày 3/3, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế.
Ngày 4/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP sửa đổi khoản 4, Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Đây là những cơ chế đang được ngành Y chờ đợi, kỳ vọng, xem như liều thuốc hữu hiệu đối với các “cục máu đông” làm tắc việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây khó khăn cho công tác điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối ở các thành phố lớn.
Đơn cử như cơ chế đấu thầu. Một máy xét nghiệm trị giá nhiều chục tỷ đồng sẽ đi kèm với những hóa chất của nó... Khi đấu thầu để mua hóa chất sử dụng cho máy thì rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất, chỉ có 1 báo giá. Nhưng “cơ chế” buộc phải có 3 báo giá. Mà nếu chỉ dùng 1 báo giá chính hãng thì sẽ phạm luật. Yêu cầu 3 báo giá là một biện pháp kiểm soát, tránh tiêu cực. Nhưng là bất khả thi với những loại hàng hoá độc quyền, chỉ có 1 nhà cung cấp như đặc thù của ngành Y tế.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến bộc bạch, không ai dám chủ động “phá rào”, vì có thể từ người tốt trở thành tội phạm, “trách nhiệm lương tâm” nhiều khi khó vượt qua được sự e ngại về cơ chế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận